Hết thời mua thuốc dễ như mua... rau

02-11-2018 07:03 | Tin nóng y tế

SKĐS - Ứng dụng công nghệ thông tin kết nối liên thông cơ sở cung ứng thuốc trên toàn bộ các nhà thuốc và tủ thuốc đang được Bộ Y tế thực hiện thí điểm tại 4 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Nam Định.

Đây được coi là giải pháp hữu hiệu giúp người dân thuận tiện tra cứu thông tin về nguồn gốc, chất lượng, hạn sử dụng, giá cả từng loại thuốc; cơ quan nhà nước có thêm công cụ quản lý thuốc trên phạm vi toàn quốc, kiểm soát việc kê đơn, mua bán thuốc theo đơn, tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý thuốc.

Thay đổi hành vi của người dân

Theo ông Huỳnh Thế Vịnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, nguyên nhân của việc bán thuốc không có đơn của bác sĩ là vì người dân chưa nhận thức đầy đủ về sự nguy hại trong việc tự ý dùng thuốc. Đồng thời chủ các cơ sở bán lẻ muốn tối đa doanh thu, không tư vấn đầy đủ cho người mua thuốc. Các chế tài xử phạt vi phạm trong việc thực hiện quy chế kê đơn và bán thuốc kê đơn hiện nay vẫn còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe đối với các cơ sở kinh doanh thuốc. “Nhất là tình trạng lạm dụng kháng sinh, vitamin, chưa đầy đủ về hàm lượng, liều dùng, đường dùng... vẫn đang diễn ra tràn lan” - ông Vịnh thông tin.

Để chấn chỉnh tình trạng này, Sở Y tế Quảng Nam đã có kế hoạch triển khai đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2018 - 2020 với mục tiêu: đến cuối năm 2020 tỷ lệ bán thuốc kháng sinh phải có đơn tại các cơ sở bán thuốc là 100%. Các cơ sở khi bán thuốc kháng sinh bắt buộc phải lưu đơn thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc. “Hiện nay, Bộ Y tế thí điểm mô hình quản lý việc bán thuốc qua phần mềm quản lý thuốc kê đơn hay quản lý hoạt động kinh doanh thuốc. Chúng tôi cũng đã có kế hoạch nhờ các nhà mạng thiết kế phần mềm này để ứng dụng” - ông Vịnh nói thêm.

Hết thời mua thuốc dễ như mua... rauQuản lý nhà thuốc bằng công nghệ thông tin giúp công khai minh bạch trong quản lý thuốc.

Ông Đặng Công Thu - Phó Chánh thanh tra Sở Y tế Quảng Nam cho rằng, nếu ứng dụng quản lý bán thuốc bằng công nghệ thông tin thì sẽ rất thuận tiện cho việc thanh tra, kiểm tra. “Thay vì phải đi đến từng quầy, từng nhà thuốc để kiểm tra từng cuốn sổ nhật ký của họ thì chúng tôi có thể quản lý trên hệ thống. Qua đó kiểm soát được việc cơ sở bán ra loại thuốc gì, bao nhiêu, có đơn hay không... Và như thế thì việc bán thuốc không kê đơn, lạm dụng kháng sinh như hiện nay sẽ được hạn chế đi rất nhiều”-  ông Thu nói.

Công khai, minh bạch và liêm chính

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc, việc thực hiện bán thuốc theo đơn nói riêng, kết nối mạng hiệu thuốc nói chung tại tỉnh Vĩnh Phúc đang bắt đầu được triển khai. Toàn tỉnh có hơn 1.000 cơ sở bán lẻ thuốc nên việc kiểm soát bán thuốc theo đơn rất khó. Mức xử phạt vi phạm về bán thuốc kê đơn chưa đủ sức răn đe. Đối với hành vi bán thuốc bắt buộc phải có đơn như kháng sinh mà không có toa của bác sĩ chỉ bị phạt 200.000-500.000 đồng, nhưng ít khi bắt gặp, xử lý được”, ông Nguyễn Thanh Hải thông tin. Khi thực hiện kết nối mạng, những đơn thuốc của người bệnh sẽ được lưu quầy thuốc, nên có thể tránh được tình trạng người dân mượn đơn của người khác để đi mua thuốc.

Tại Hà Nội, theo số liệu của Sở Y tế Hà Nội, hiện có 1.470 cơ sở bán buôn, 3.770 nhà thuốc và 2.560 quầy thuốc. Qua kiểm tra đánh giá về công tác triển khai ứng dụng CNTT kết nối mạng cơ sở, các cơ sở bán lẻ thuốc của Hà Nội đã có ý thức áp dụng CNTT trong quản lý thuốc. Tuy nhiên, chưa áp dụng nhiều do mới là tự phát và chủ yếu áp dụng để quản lý về tài chính.

Thực hiện Kế hoạch số 155/KH - UBND triển khai đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn” trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2020 nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, trách nhiệm của cán bộ y tế, người kê đơn và bán lẻ thuốc trong việc sử dụng cũng như thực hiện quy định của pháp luật về kê đơn, bán thuốc. Đồng thời, tăng cường việc quản lý cung cấp, phân phối thuốc, bảo đảm công khai minh bạch trong quản lý thuốc. Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế trực thuộc tổ chức tập huấn cho các bác sĩ trực tiếp khám bệnh, kê đơn các quy định và kê đơn thuốc xong trước ngày 31/10/2018.

Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, việc ứng dụng CNTT đối với các cơ sở bán lẻ thuốc đã được triển khai thực hiện. Trong đó, tính đến trung tuần tháng 8/2018, đã có 22,5% nhà thuốc, 5% quầy thuốc có kết nối internet; 18,3% nhà thuốc, 0,9% quầy thuốc có sử dụng phần mềm quản lý thuốc với hơn 10 nhà cung cấp phần mềm. Một số nhà thuốc bệnh viện đã có phần mềm kết nối với khoa khám bệnh, đơn thuốc bác sĩ kê được chuyển ra nhà thuốc. Đặc biệt, có nhà thuốc ở một số bệnh viện đã có mã dán trên từng sản phẩm, thuận lợi cho việc bán hàng, theo dõi xuất nhập tồn.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, theo kế hoạch, Hà Nội đặt mục tiêu đến 31/12/2018 hoàn thành kết nối 100% cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc, nhà thuốc, quầy thuốc trong các bệnh viện/trung tâm y tế công lập, quầy thuốc/tủ thuốc của trạm y tế xã. Đến 30/6/2019, hoàn thành 100% các quầy thuốc tư nhân, quầy thuốc thuộc doanh nghiệp.

Phần mềm quản lý thuốc sẽ giúp các cơ sở vừa quản lý tài chính vừa quản lý kho, nhập - xuất thuốc. Việc triển khai thực hiện phần mềm kết nối cơ sở cung ứng thuốc là một trong những điều kiện kinh doanh bắt buộc với các cơ sở. “Thông qua phần mềm, chỉ cần nhập tên thuốc có thể tra ra từng nhà thuốc trên địa bàn Hà Nội có bao nhiêu viên, thuộc lô sản xuất nào. Thông qua đây, trong trường hợp cần thu hồi sẽ dễ dàng hơn. Sở Y tế có thể truyền thông chính sách mới thông qua phần mềm đến tận nhà thuốc hoặc nhắc nhở nhà thuốc nào đó khi phát hiện vi phạm qua phần mềm - đại diện nhà mạng cho biết.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, số cơ sở cung ứng thuốc ở Hà Nội chiếm 12% số cơ sở trên toàn quốc, đứng thứ 2 sau TP. Hồ Chí Minh.  “ Việc ứng dụng phần mềm trong quản lý nhà thuốc là một trong những điều kiện kinh doanh bắt buộc với các cơ sở cung ứng thuốc. Do vậy, các quận huyện cần phối hợp với Sở Y tế và nhà mạng đưa ra lộ trình cụ thể trong triển khai kết nối. Nếu có thể, nên triển khai đồng thời tới các quầy thuốc, quá trình thực hiện ưu tiên các nhà thuốc để hoàn thành mục tiêu đã đặt ra. Rút ngắn thời gian kết nối đến các quầy thuốc trong quý I/2019” - ông  Ngô Văn Quý nói.

Qua triển khai thí điểm tại 4 tỉnh đầu tiên tham gia vào quá trình ứng dụng CNTT tại các cơ sở bán thuốc gồm Phú Thọ, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Nam Định, lãnh đạo Sở Y tế các địa phương đều phản ánh việc thực hiện ứng dụng CNTT kết nối liên thông các nhà thuốc hoàn toàn khả thi và có hiệu quả cao trong việc truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng thuốc từ chính những người sử dụng.

Sau thí điểm triển khai tại 4 tỉnh trên, đến nay đã có tổng cộng 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác tham gia vào hệ thống liên thông kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, đã cấp tài khoản cho 4.178 cơ sở bán lẻ thuốc và quản lý được hơn 22.000 đơn thuốc.


Mai Anh
Ý kiến của bạn