Du khách quốc tế mỗi khi đến ngôi tháp cổ này ai cũng mê mẩn với lối kiến trúc độc đáo cùng các điệu múa truyền thống của người Chăm được trình diễn ngay trong khuôn viên Tháp bà Ponagar (hay còn gọi là Tháp Thiên Y Thánh Mẫu). Sau khi tham quan, nhiều khách quốc tế còn tìm hiểu thêm về các sản phẩm độc đáo của người Chăm như: Gốm, thổ cẩm...
Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Khánh Hòa, Tháp bà Ponagar tọa lạc trên đồi Cù Lao (Nha Trang, Khánh Hòa). Đây là quần thể kiến trúc độc đáo của vương quốc Champa cổ, được xây dựng từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XIII. Đây là nơi thờ nữ thần Ponagar, người mẹ xứ sở của dân tộc Chăm…
Vật liệu xây nên công trình bằng gạch nung, không hề có hiện tượng rêu bám. Đa số gạch có vỏ đỏ, lõi đen, các viên gạch liền mạch không hề để lộ chất kết dính. Sự độc đáo này đã được các nhà khoa học lý giải nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên kỹ thuật nung gạch cũng như nghệ thuật xây dựng tháp cổ Ponagar này cho đến nay vẫn là điều bí ẩn.
Năm 1979, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa Tháp bà Ponagar là Di tích Quốc gia.