Ngành Y tế thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ
Về công tác quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành cơ bản đã hoàn thành việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật bảo hiểm y tế. Các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, điều hành cơ bản đã ban hành đầy đủ, kịp thời và thường xuyên được cập nhật, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, đảm bảo quyền lợi người tham gia bảo hiểm y tế đồng thời quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã thông tin về kết quả phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế. Theo đó, tính đến 31/12/2020, số người tham gia bảo hiểm y tế là 87,96 triệu người đạt tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số. Trong đó, ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng trên 51 triệu người, chiếm 58%. Tổng số chi do ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng năm 2020 là 39.953 tỷ đồng, bằng 37% tổng số thu tiền đóng bảo hiểm y tế.
Về công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế: Năm 2020, có 2.612 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tăng 166 cơ sở (6,8%) so với năm 2019; số cơ sở công lập tăng 66 cơ sở (4%) so với năm 2019, ngoài công lập tăng 100 cơ sở (12,6%).
Về chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế: Năng lực y tế cơ sở được nâng lên; phát huy vai trò quan trọng trong giám sát, xét nghiệm, cách ly, tiêm chủng, điều trị, nhất là quản lý, chăm sóc F0 tại nhà giúp giảm bệnh nặng, góp phần giảm tử vong. Năm 2020, tỷ lệ trạm y tế xã: có đủ điều kiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đạt 92,8%; thực hiện trên 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã đạt 48,8%; đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã đạt 94,4%. Tỷ lệ dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe đạt 45,6%.
Bên cạnh đó, ngành Y tế thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin như hồ sơ sức khỏe cá nhân kết hợp với bệnh án điện tử; khám chữa bệnh từ xa kết nối hơn 1.500 cơ sở y tế trên toàn quốc, 100% các huyện được kết nối, hỗi trợ chuyên môn và đã cứu sống nhiều bệnh nhân…Tiếp tục đẩy mạnh phát triển y dược cổ truyền và hoàn thiện các quy định pháp luật để đổi mới đào tạo nguồn nhân lực y tế theo hướng hội nhập quốc tế.
Về giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế: Bộ Y tế đã ban hành các quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Bộ Y tế đã 04 lần sửa đổi, bổ sung các quy định về giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế để nâng cao quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế. Về điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh theo lộ trình tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành giá: do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tạm thời chưa thực hiện trong thời gian này để không tác động người dân, doanh nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, bên cạnh các kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện đã xuất hiện một số tồn tại, hạn chế như: Một số quy định về thanh toán, quyết toán chi phí khám chữa bệnh còn chưa thực sự rõ ràng, đầy đủ; Vẫn còn chênh lệch chênh lệch về chất lượng giữa các tuyến, các vùng, đặc biệt là giữa tuyến y tế cơ sở với tuyến trên nên chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân; Việc xây dựng, cập nhật, điều chỉnh định mức, giá dịch vụ y tế khó khăn, mất nhiều thời gian trong điều kiện thay đổi liên tục về khoa học, kỹ thuật, công nghệ trong chuẩn đoán, điều trị, thuốc, trang thiết bị.
Về tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020: Tổng thu quỹ bảo hiểm y tế: 110.395 tỷ đồng; chi bảo hiểm y tế năm 2020 là 104.220 tỷ đồng. Về cân đối quỹ bảo hiểm y tế: tổng số thu quỹ bảo hiểm y tế lớn hơn tổng số chi quỹ bảo hiểm y tế là 5.071 tỷ đồng; dự kiến số dư quỹ bảo hiểm y tế lũy kế đến cuối năm 2020 là 32.991 tỷ đồng.
Vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế.
Về công tác thu quỹ bảo hiểm y tế: Dịch COVID-19 ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, nhiều doanh nghiệp ngừng sản xuất, người lao động không có việc làm. Các tỉnh, thành phố cũng gặp khó khăn trong bố trí ngân sách địa phương để hỗ trợ thêm mức đóng bảo hiểm y tế cho một số đối tượng theo quy định; các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, người dân gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh...
Về giao dự toán chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế: Một số địa phương được giao dự toán chưa sát với thực tế chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; Tình trạng một số cơ sở thiếu kinh phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vào các tháng cuối năm nhưng việc điều chỉnh dự toán tại địa phương trong năm còn chậm; Việc quy định tổng mức thanh toán với các yếu tố xác định chưa phù hợp với thực tiễn.
Về tạm ứng kinh phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế: Các cơ quan BHXH cơ bản đã thực hiện tạm ứng kinh phí cho cơ sở khám chữa bệnh theo quy định, tuy nhiên vẫn còn tình trạng cơ quan BHXH đối trừ số tiền đã tạm ứng trước đó và lấy cơ sở số kinh phí đã được đối trừ làm cơ sở tạm ứng cho quý sau khi cơ sở khám chữa bệnh phát sinh chi phí vượt dự toán hoặc số liệu thanh quyết toán chưa thống nhất, gây khó khăn nhất định cho cơ sở khám chữa bệnh do không có kinh phí để trang trải các hoạt động đã thực hiện như mua thuốc, vật tư, trả lương…
Về thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế: năm 2020 ngành Y tế và Bảo hiểm xã hội đã rà soát, quyết toán số tiền 10.151 tỷ đồng chưa thanh toán của các năm trước. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề tồn tại, vướng mắc trong việc thanh quyết toán như: Việc thẩm định và thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế còn chậm, tình trạng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa được thống nhất đưa vào quyết toán hằng năm vẫn xảy ra; Chưa giải quyết triệt để việc thanh toán kinh phí tồn đọng do thực hiện không thực hiện thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo giá dịch vụ mà áp dụng định mức kinh tế kỹ thuật để thanh toán; Thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với bệnh nhân COVID-19 gặp nhiều khó khăn do không thể bóc tách chi phí điều trị bệnh COVID-19 do ngân sách nhà nước chi trả và chi phí khám chữa bệnh nào điều trị bệnh nền hoặc bệnh khác do quỹ bảo hiểm y tế chi trả. Nhiều trường hợp bệnh đã tử vong hoặc không liên hệ được với người nhà nên không thể thanh toán chi phí đồng chi trả.
Về việc cân đối quỹ: Việc cân đối Quỹ vẫn được bảo đảm do Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành đã tổ chức triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để kiểm soát chi từ Quỹ bảo hiểm y tế, tuy nhiên vẫn còn các khó khăn, thách thức cần giải quyết như: Số người tham gia bảo hiểm y tế tăng, nhưng phần lớn được NSNN đóng hoặc hỗ trợ đóng theo mức lương cơ sở nên số thu vào quỹ thấp; Mức đóng không thay đổi trong khi phạm vi, quyền lợi hưởng chế độ bảo hiểm y tế ngày càng được mở rộng; Tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm y tế của một số chủ sử dụng lao động vẫn xảy ra ở hầu hết các địa phương và Vẫn còn tư tưởng chỉ khi ốm đau mới tham gia bảo hiểm y tế.
Tập trung triển khai các giải pháp trọng tâm
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong thời gian tới để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác quản lý sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương sẽ tập trung triển khai các giải pháp sau:
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế: Xây dựng Luật bảo hiểm y tế (sửa đổi) để đáp ứng các mục tiêu chính sách trong việc mở rộng đối tượng tham gia, mở rộng phạm vi quyền lợi, quy định bảo hiểm y tế bổ sung, mở rộng loại hình cơ sở cung ứng dịch vụ y tế bảo hiểm y tế, vai trò y tế cơ sở trong quản lý sức khỏe... Ban hành, cập nhật quy trình khám chữa bệnh mới phù hợp với các yêu cầu, quy định hiện nay về kết nối liên thông dữ liệu bảo hiểm y tế; Tiếp tục rà soát, hoàn thiện, ban hành định mức kinh tế kỹ thuật để đảm bảo chất lượng cho một số dịch vụ; Ban hành hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng khám chữa bệnh và công khai các tiêu chuẩn của dịch vụ khám chữa bệnh.
Bảo đảm ổn định, sử dụng có hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế: Tiếp tục duy trì và từng bước mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế như hỗ trợ mức đóng; mở rộng phạm vi quyền lợi; thực hiện bảo hiểm y tế bổ sung; xây dựng chỉ tiêu thực hiện bảo hiểm y tế; Đổi mới phương thức xây dựng dự toán thu, chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; Triển khai thực hiện phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo định suất và phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo nhóm chẩn đoán có liên quan (DRG); Nâng cao trình độ chuyên môn, chất lượng dịch vụ y tế tại tuyến cơ sở; Hạn chế việc chỉ định dịch vụ kỹ thuật, thuốc, chỉ định điều trị nội trú... vượt quá mức cần thiết; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thay mặt Chính phủ xin kiến nghị với Quốc hội các nội dung sau: Tiếp tục tăng cường giám sát việc quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho các cơ sở y tế, thực hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, nợ tiền đóng, chậm đóng, trốn đóng, lạm dụng, trục lợi bảo hiểm y tế để đảm bảo trong tổ chức thực hiện tuân thủ đúng quy định của Luật bảo hiểm y tế; Cho phép sử dụng ngân sách nhà nước thanh toán toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19, bao gồm cả chi phí khám chữa bệnh COVID-19 và các bệnh nền; Ban hành nghị quyết quy định việc đóng bảo hiểm y tế trong thời gian người lao động phải nghỉ việc, tạm hoãn hoặc dừng hợp đồng lao động không hưởng lương do dịch bệnh.
Tình hình thực hiện Nghị quyết 68
Tại Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông báo về tình hình thực hiện Nghị quyết 68. Cụ thể, Chính phủ, Bộ Y tế cơ bản đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 68, trong đó một số kết quả nổi bật như: Số người tham gia bảo hiểm y tế đạt vượt mức chỉ tiêu được giao, số người tham gia bảo hiểm y tế là 87,97 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số, vượt 10,85% so với chỉ tiêu được giao; Y tế cơ sở từng bước được củng cố và mở rộng.
Trong thời gian qua, đã có tổng số 460 trạm y tế xã được xây mới, cải tạo sửa chữa. Trong giai đoạn 2016 - 2020, số trạm y tế xã được đầu tư kiên cố tăng từ 6.831 trạm (69,2%) năm 2016 lên 7.295 trạm (77,9%) năm 2020; Tình trạng quá tải bệnh viện đang từng bước được giải quyết, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh; kết quả tỷ lệ người bệnh hài lòng tăng qua từng năm: năm 2019 tỷ lệ người bệnh hài lòng 83%, năm 2020 là 84,6%. Hệ thống bác sỹ gia đình được quan tâm phát triển; đến nay cả nước đã có gần 500 phòng khám bác sỹ gia đình (trong đó có 166 phòng khám bác sỹ gia đình tư nhân); Công tác thanh tra, kiểm tra cũng được đẩy mạnh nhằm ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật.
Ngành y tế cũng đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh; ban hành quy định gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở, quy định phạm vi hoạt động chuyên môn đối với người hành nghề khám chữa bệnh; cải tiến quy trình chuyển tuyến, ứng dụng công nghệ; quản lý giá, chất lượng, bảo đảm nguồn cung cấp thuốc để nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh đáp ứng sự hài lòng của người bệnh đồng thời thực hiện thường xuyên công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia bảo hiểm y tế.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: Dịch COVID-19 ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, nhiều doanh nghiệp ngừng sản xuất, người lao động không có việc làm; các địa phương gặp khó khăn trong bố trí ngân sách để hỗ trợ thêm mức đóng bảo hiểm y tế; tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm y tế vẫn xảy ra ở hầu hết các địa phương và vẫn còn tư tưởng chỉ khi ốm đau mới tham gia bảo hiểm y tế; Việc phát triển hệ thống y tế cơ sở và thực hiện gói dịch vụ y tế cơ bản gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn lực; cơ chế tài chính chưa khuyến khích việc phát triển cung cấp dịch vụ tại trạm y tế xã; Do giá dịch vụ y tế chưa tính đúng, tính đủ (chưa có chi phí quản lý và chi phí khấu hao) nên chưa thể hoàn thành việc chuyển chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước trực tiếp cho cơ sở khám chữa bệnh sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế theo lộ trình; Đào tạo bác sỹ gia đình còn hạn chế về quy mô, chương trình đào tạo, đặc biệt là vấn đề thực hành về y học gia đình. Nhân lực chuyên trách thanh tra ít và phải đảm nhiệm việc thanh tra trong nhiều lĩnh vực với số lượng đối tượng thanh tra lớn.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 68, đạt mục tiêu đề ra, Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương sẽ tập trung triển khai các giải pháp sau: Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo hiểm y tế và nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề chuyên ngành y học gia đình và các điều kiện bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện; Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chủ động đổi mới hình thức nội dung tuyên truyền; Tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm y tế; Tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị sử dụng lao động có dấu hiệu vi phạm về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long xin kiến nghị với Quốc hội các nội dung: Nghiên cứu, xem xét việc sửa đổi Nghị quyết số 68 để phù hợp với các Nghị quyết của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Bố trí nguồn lực cho phát triển hệ thống y tế cơ sở; Tăng cường giám sát việc thực hiện các chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế nhằm mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế, thực hiện đúng quy định về giám định, tạm ứng, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, bảo đảm sử dụng quỹ bảo hiểm y tế có hiệu quả.