Hết lòng vì người có 'H'

12-11-2023 06:25 | Y tế
google news

SKĐS - Mặc bao điều tiếng ra vào, bằng cả tấm lòng của mình, bà Tường đến với những người bị "H" để sẻ chia, giúp đỡ họ lấy lại niềm tin chiến đấu với bệnh tật, đói nghèo.

Bệnh thế kỷ "càn quét" bản nghèo

Bản Kẻ Nính những năm thập niên đầu của thể kỷ 21 là một "ốc đảo tối tăm". Mỗi khi nhắc đến Kẻ Nính khiến nhiều người e ngại, không dám bước chân tới. Dịch HIV/AIDS, tệ nạn ma tuý xâm nhập rồi tàn phá nơi đây. Thời điểm đó, ước tính ½ số hộ trong bản có người nghiện, người nhiễm HIV/AIDS. Có nhiều gia đình, cả vợ lẫn chồng đều nhiễm HIV. Cứ vài ngày, trong bản lại có người mãi mãi ra đi vì căn bệnh thế kỷ khiến Kẻ Nính thành "bản nghiện", "bản H"...

Hết lòng vì người có 'H'- Ảnh 1.

Bà Lim Thị Tường nhớ lại những trở ngại trong thời kỳ đầu tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS.

Ở cái tuổi 66 với gáng người nhỏ nhắn, hơi gầy nhưng rất nhanh nhẹn, hoạt bát, bà Lim Thị Tường, Bí thư Chi bộ bản Kẻ Nính, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) được người dân Kẻ Nính nể phục vì là người đầu tiên dám đứng lên chiến đấu với các tệ nạn đang tàn phá nơi đây.  

Lật dở quyển sổ tay dày cộp, cũ kỹ ra bàn, bà Tường nhớ lại câu chuyện cách đây gần 20 năm, khi nhiều người chưa biết nhiều về HIV/AIDS thì sự kỳ thị, phân biệt vô cùng lớn. Thời điểm đó, bà Tường là giáo viên tiểu học tại xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu. Đến năm 2009, bà nghỉ hưu về với cuộc sống đời thường trong bản làng vùng cao Kẻ Nính.

"Tôi nghỉ hưu năm 2009, khi đó vừa trúng kỳ Đại hội Chi bộ bản luôn. Tôi được tín nhiệm giới thiệu rồi bầu làm Bí thư Chi bộ bản Kẻ Nính. Cũng chính năm 2009, có lớp tập huấn về công tác phòng chống HIV, tôi xung phong đi tham luôm", bà Tường nhớ lại.

Bí thư Chi bộ bản Kẻ Nính từng chứng kiến nhiều mảnh đời bất hạnh khi chẳng may nhiễm "H" bị gia đình xa lánh, ruồng bỏ, quăng họ ra ngoài xã hội với sự ghẻ lạnh, khinh miệt của người đời.

Để Kẻ Nính phát triển đi lên thì còn nhiều điều phải đáng lo, nhiều việc cần cố gắng, ra sức. Bản thân cũng có tuổi rồi, có lúc cũng thấy mệt mỏi do nhiều việc. Nhưng rồi, cứ thấy quê hương mình ngày một đổi thay, người dân phấn khởi thì tôi lại thấy vui lên, khoẻ ra, thêm quyết tâm cống hiến...
Bí thư chi bộ Lim Thị Tường tâm tình.

Theo bà Tường, những năm 2008, 2009, 2010 cứ hai đến ba ngày lại có một người chết vì sốc ma túy hoặc bệnh HIV. Khi đó, cả bản buồn bã, lo lắng, hoang mang tột cùng. "Tôi nghĩ, dù sao những người bị bệnh họ cũng lỡ rồi. Nếu họ ra đi cũng phải được thanh thản, người bị bệnh phải nhận được sự động viên, gần gũi của mọi người nên tôi quyết tâm phải "làm một điều gì đó" cho người bệnh", bà Tường bộc bạch. 

Sau khi được tập huấn, bà Tường được trang bị cho mình những kiến thức cơ bản rồi sau đó tự tìm hiểu thêm kiến thức chuyên sâu về những người nghiện, người nhiễm HIV. Từng là giáo viên nên bà Tường có cách nói chuyện cũng như cách tư vấn mềm dẻo nhằm tiếp cận nhiều nhất với những người nhiễm HIV trong bản.

"Những người nhiễm bệnh ở bản Kẻ Nính khi đó hầu hết cuộc sống rất khó khăn niên việc tiếp cận, gần gũi họ rất khó khăn. Càng khó mình phải càng cố gắng. Là cán bộ mình lơ là sẽ rất nguy hiểm, tạo điều kiện cho người dân càng lún sâu vào tệ nạn", bà Tường kể.

Bà Tường chia sẻ, nhiều người rất sợ bệnh HIV cũng như sợ người khác biết mình mắc bệnh nên họ ngại đến các cơ sở y tế. Bởi vậy, khi đến gặp những người nghi nhiễm, mình phải có cách tiếp cận riêng. Quan trọng nhất là có được lòng tin của những người này. Đây cũng là kỹ năng rất quan trọng.

Hết lòng vì người có 'H'- Ảnh 2.

Bà Lim Thị Tường – Bí thư Chi bộ bản Kẻ Nính đã giúp những người có "H" tự tin, vượt qua chính bản thân mình.

"Hồi đó, có trường hợp anh Hà Văn Q., khi đến vận động đi khám bệnh cứ một mực khẳng định mình không bị nhiễm rồi lớn tiếng đuổi tôi ra khỏi cổng. Mưa dầm thấm lâu, bằng sự chân thành, quan tâm như người thân trong nhà, dần dà anh Q. đồng ý đi khám", Bí thư Chi bộ bản Kẻ Nính chia sẻ. 

Bà Tường được người dân Kẻ Nính nể phục vì giúp đỡ tất cả những gia đình có chồng, con, người thân hoặc bản thân nhiễm HIV/AIDS tự tin trong cuộc sống. Qua đó, đã thay đổi hành vi, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng, tạo sân chơi lành mạnh, chống phân biệt kỳ thị đối với người có HIV/AIDS. Đặc biệt, thông qua bà Tường cũng như sự giúp đỡ của CLB phòng chống HIV/AIDS của bản, hầu hết những người có "H" trong bản đã được giúp đỡ để tiếp cận nguồn vốn vay phát triển kinh tế cũng như giúp đỡ trên nhiều phương diện để vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống.

Anh Lim Văn V. (SN 1975), nhớ lại, năm 2003 đi làm gỗ thuê cho người dưới xuôi lên khai thác trên bản rồi "dính" vào ma túy lúc nào không hay. Khi tỉnh ngộ ra đã muộn, bản thân bị nhiễm "H". "Lúc đầu phát hiện mình bị nhiễm bệnh thế kỷ cũng suy sụp lắm chứ, đôi lúc tiêu cực, chán nản muốn buông xuôi. Nhờ có bà Tường, Câu lạc bộ tuyên truyền, động viên làm tôi có động lực cai nghiện ma túy và điều trị bệnh. Sức khỏe ổn định, công việc hanh thông nên gia đình khấm khá hơn nhiều", anh V. vui vẻ nói. 

Anh Vi Văn T. (SN 1982), người không may mắn dính phải căn bệnh thế kỷ khoảng hơn 10 năm nay, cũng rất phấn khởi: "Nhờ có bà Tường tuyên truyền, động viên, gần gũi giúp tôi tự tin trong cuộc sống. Nhiều năm nay tu chí làm ăn nuôi 10 con bò, trồng hơn chục héc ta keo nên cũng có thu nhập. Mới đây, còn được vay và hỗ trợ làm nhà mới đến 90 triệu đồng". 

Bản Kẻ Nính yên bình trở lại

Bây giờ Kẻ Nính từng bước đổi thay, có cầu có đường được xây dựng kiên cố, không còn là "ốc đảo", "bản nghiện". Trong bản không còn hộ đói, bắt đầu xuất hiện hộ khá, giàu. Kẻ Nính đã trở nên xanh tươi, giàu sức sống hơn.

Hết lòng vì người có 'H'- Ảnh 3.

Bản kẻ Nính nay đã vui tươi, yên bình trở lại.

Bà Lim Thị Tường cho hay: "Người dân chí thú làm ăn, tập trung lớn vào trồng rừng, trồng mía, rau màu và chăn nuôi. Các ngành nghề cũng được mở mang. Nhiều con em đi xuất khẩu lao động nước ngoài, đi làm các công ty trong nước. Thu nhập bình quân tuy chưa cao 24 triệu đồng/người/năm nhưng so với trước thì đã vượt lên rất nhiều".

Nhiều gia đình có người nhiễm bênh, người nghiện trước đây nay thoát nghèo. Trong bản có những hộ gia đình như anh Vi Văn X. có tới hàng chục con trâu bò, Vi Văn T. có 3 con đi xuất khẩu lao động. Bản đang định hướng cho con em tập trung học nghề, đi xuất khẩu lao động.

Bà Lim Thị Tường là cán bộ bản đã có thời gian công hiến lâu năm. Bản thân bà là người nhiệt huyết, hết sức trách nhiệm với công việc, với quê hương; được các đảng viên và mọi người dân tin yêu, tín nhiệm. Sự phát triển của bản, của xã có công lớn của nữ bí thư chi bộ này.
Ông Vi Thế Long, Chủ tịch UBND xã Châu Hạnh chia sẻ.

Một điều đáng mừng khác là từ một địa phương phức tạp về tệ nạn xã hội thì bây giờ tình hình an ninh trật tự xã hội ở bản đã có nhiều sự thay đổi, làng xóm yên bình, không còn là "điểm nóng". Người dân bản đoàn kết, giúp đỡ nhau, thăm tính làng nghĩa xóm. Phong trào văn hoá văn nghệ ở Kẻ Nính phát triển mạnh, tỷ lệ gia đình văn hoá ở bản đạt cao.

Hết lòng vì người có 'H'- Ảnh 4.

Bà Lim Thị Tường đang trao đổi thông tin, tư vấn đối với một người bị nhiễm HIV trong bản Kẻ Nính.

Kẻ Nính đã bước sang một trang mới nhưng cuộc sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn khiến bí thư chi bộ Lim Thị Tường vẫn nặng nỗi niềm. Bà Tường cho biết, số hộ nghèo vẫn lớn. Điều khó khắc phụ nhất là tình trạng sức khoẻ của người nhiễm. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc xoá đói giảm nghèo. 

"Đáng lo nhất là việc xuất hiện 3 trường hợp người nghiện ma tuý trẻ tuổi…Gia đình, nhà trường và xã hội cần vào cuộc mạnh mẽ hơn. Nếu để tệ nạn ma tuý tái bùng phát thì hệ luỵ là rất lớn", bà Tường cho biết.

Từ năm 2012, xã Châu Hạnh đã thành lập CLB phòng chống HIV/AIDS bản Kẻ Nính – Định Tiến. Khi mới được thành lập có 54 hội viên ở độ tuổi từ 12 - 46, thuộc 4 bản Định Tiến, Tà Cộ, Kẻ Nính và bản Pà Cọ (nay đã sáp nhập thành hai bản Kẻ Nính và Định Tiến). Tại bản Kẻ Nính, trong số hơn 30 người mắc bệnh HIV thì đến nay đã có đến 21 người trong các hộ gia đình vươn lên vượt khó thoát nghèo.

Sáng kiến giúp tìm ca nhiễm HIV mới trong cộng đồngSáng kiến giúp tìm ca nhiễm HIV mới trong cộng đồng

SKĐS - Mỗi buổi truyền thông nhóm nhỏ tại khu trọ công nhân, các khu công nghiệp kéo dài khoảng 90 phút với nhóm 20-30 người, lồng ghép các kiến thức chuẩn về phòng, chống HIV, cung cấp sinh phẩm xét nghiệm cho công nhân.


Hoàng Trinh
Ý kiến của bạn