1. Nguyên nhân gây hẹp van hai lá
Quả tim được ví như một cái bơm tống máu đi nuôi cơ thể. Cấu tạo của tim gồm có hai tâm nhĩ và hai tâm thất. Nhĩ phải được ngăn cách với thất phải bởi van ba lá, nhĩ trái ngăn cách với thất trái bởi van hai lá.
Trong một chu chuyển tim, máu từ tâm nhĩ xuống tâm thất qua van hai lá và van ba lá. Sau đó máu sẽ được tâm thất co bóp tống ra động mạch chủ và động mạch phổi. Bệnh lý van tim sẽ làm quá trình tống máu thay đổi, lâu dần sẽ gây suy tim. Bài này sẽ đề cập đến bệnh hẹp van hai lá.
Bình thường trong thì tâm trương, thất trái giãn ra, van hai lá sẽ mở để máu từ tâm nhĩ xuống tâm thất. Trong hẹp van hai lá, van không mở hết làm giảm lượng máu xuống tâm thất và ứ lại tại nhĩ trái từ đó máu ứ tại phổi gây ra triệu chứng khó thở trên lâm sàng. Máu ứ tại phổi làm tăng áp phổi, gây suy tim phải.
Do vậy hẹp van hai lá gây khó thở giống như suy tim trái nhưng thực chất là suy tim phải.
Có nhiều nguyên nhân bệnh hẹp van hai lá:
- Do di chứng của thấp tim (bệnh van tim hậu thấp). Đây là nguyên nhân phổ biến nhất.
- Van hai lá hình dù.
- Vòng thắt trên van hai lá.
- Lupus ban đỏ hệ thống.
- U carcinoid.
Theo ghi nhận ở các nước đang phát triển thì nguyên nhân gây hẹp van hai lá ở người trưởng thành thường do sốt thấp khớp hay viêm nội tâm mạc liên quan đến liên cầu khuẩn tan máu nhóm A (hẹp van 2 lá hậu thấp). Tình trạng này gây dày dính van tim và dẫn tới hệ lụy hẹp van sau khoảng 5 - 10 năm mắc bệnh. Ở trẻ nhỏ hẹp van hai lá thường do các dị tật bẩm sinh như: Van hai lá hình dù, vòng thắt trên van hoặc là bệnh thứ phát sau khi mắc bệnh tim bẩm sinh khác.

Hẹp van hai lá là bệnh hay gặp nhất trong các bệnh tim.
2. Triệu chứng của hẹp van hai lá
Bình thường diện tích lỗ van hai lá là 4 - 6 cm2. Khi diện tích lỗ van hai lá nhỏ hơn 2 cm2 thì được chẩn đoán là hẹp hai lá.
- Khó thở: Khó thở khi gắng sức, tăng lên khi nằm, có cơn khó thở kịch phát về đêm.
- Cơn hen tim và phù phổi cấp: Có thể xuất hiện sau gắng sức, bệnh nhân khó thở dữ dội, có thể nghe thấy tiếng rít ở phổi, rale ẩm hai trường phổi, có thể ho ra bọt hồng. Cần xử trí cấp cứu ngay.
- Ho ra máu: Do tăng áp lực nhĩ trái làm giãn tĩnh mạch nhỏ của phế quản.
- Khàn tiếng: Do nhĩ trái giãn to chèn vào dây thanh quản quặt ngược trái.
- Khó nuốt: Nhĩ trái to đè vào thực quản.
- Biến cố tắc mạch: Tai biến mạch não, tắc mạch chi… do nhĩ trái giãn, dễ hình thành huyết khối trong buồng tim. Nếu kèm theo rung nhĩ thì nguy cơ tắc mạch cao hơn.
- Khám tim có thể nghe thấy tiếng rung tâm trương ở mỏm.
- Tim có thể loạn nhịp hoàn toàn do rung nhĩ.
- Biểu hiện suy tim phải: Gan to, phù chân, tĩnh mạch cổ nổi.
Các triệu chứng bệnh sẽ tăng mức độ khi nhịp tim tăng, đặc biệt là khi người bệnh gắng sức. Nhịp tim tăng nhanh có thể đi cùng với triệu chứng của hẹp van hai lá hoặc có thể khởi phát khi bệnh nhân có thai hoặc căng thẳng hoặc nhiễm trùng.
Khi thăm khám, các bác sĩ sẽ phát hiện hẹp van hai lá qua:
- Âm thổi ở tim.
- Sung huyết phổi.
- Nhịp tim không đều (chứng rối loạn nhịp tim).
3. Hẹp van hai lá có lây không?
Hẹp van hai lá là hậu quả của di chứng thấp tim, tổn thương xơ vữa và bẩm sinh không phải là bệnh lây nhiễm nên không lây.
Tuy nhiên, nếu viêm họng do liên cầu khuẩn không được điều trị sẽ gây nên tình trạng sốt do thấp khớp. Vì vậy, cách tốt nhất để phòng bệnh hẹp van hai lá là phòng ngừa sốt thấp khớp, do đó khi bị viêm họng thì hãy đến gặp bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân và hướng điều trị hiệu quả.
4. Phòng ngừa hẹp van hai lá
Hẹp van hai lá chủ yếu do di chứng của bệnh thấp tim nên cần phòng bệnh thấp tim.
Bệnh hay xảy ra khi người bệnh sống trong môi trường ẩm thấp, thiếu vệ sinh, điều kiện dinh dưỡng không đảm bảo... Vì vậy, nếu bệnh nhân có các dấu hiệu nhiễm khuẩn đường hô hấp trên do liên cầu khuẩn tan máu bê ta nhóm A như sốt, viêm họng, viêm amidan… cần đến khám tại các cơ sở y tế.
Một số phương pháp khác phòng ngừa bệnh được khuyến cáo như:
Xây dựng môi trường sống lành mạnh, nâng cao chất lượng sống vì bệnh hay xảy ra ở người sống trong môi trường ẩm thấp, thiếu vệ sinh.
Người bệnh cần khám sức khỏe định định kỳ, uống hoặc tiêm kháng sinh liên tục theo chỉ định của bác sĩ tim mạch.
Thực hiện chế độ ăn nhạt và nghỉ ngơi hợp lý…
Sử dụng các loại thuốc lợi tiểu, chẹn beta giao cảm liều thấp để giảm các triệu chứng nhẹ theo kê đơn.
5. Điều trị hẹp van hai lá
Điều trị hẹp van hai lá có thể điều trị nội khoa, can thiệp nong van bằng bóng qua da hoặc phẫu thuật thay van.
Điều trị nội khoa:
Phòng thấp tim.
- Khó thở nhẹ: Lợi tiểu, ăn hạn chế muối.
- Hẹp vừa: Tránh gắng sức, chẹn Beta giảm đáp ứng với gắng sức.
Điều trị các biến chứng:
- Suy tim phải: Lợi tiểu, cường tim, giãn mạch, ức chế men chuyển.
- Rung nhĩ: Chuyển nhịp xoang, duy trì nhịp xong bằng thuốc hay sốc điện chuyển nhịp, điều trị duy trì và phòng tắc mạch.
- Phòng tắc mạch: Aspirin, kháng vitamin K, duy trì INR từ 2 - 3.
Dùng chống đông lâu dài trong trường hợp: Hẹp 2 lá có rung nhĩ, tiền sử tắc mạch, có huyết khối nhĩ trái, hẹp 2 lá khít.
Nong van bằng bóng qua da: Là biện pháp được sử dụng hàng đầu nếu bệnh nhân có chỉ định can thiệp. Kĩ thuật này sẽ đưa ống thông qua tĩnh mạch đùi vào nhĩ phải rồi chọc qua vách liên nhĩ sang nhĩ trái, đưa xuống van hai lá. Sau đó bóng sẽ được bơm lên để tách hai mép van ra. Chỉ định nong van khi hẹp hai lá khít (diện tích lỗ van dưới 1,5 cm2) và có triệu chứng trên lâm sàng, hình thái van phù hợp, không có huyết khối trong nhĩ trái, không có hở van hai lá kèm theo, hoặc hở hẹp van động mạch chủ mức độ vừa nhiều và chưa ảnh hưởng đến chức năng thất trái.
Phẫu thuật: Thay van hai lá cơ học hoặc sinh học khi không thể nong van hoặc có chống chỉ định của nong van. Van cơ học bền hơn van sinh học nhưng sau khi thay van cơ học thì phải dùng thuốc chống đông kháng vitamin K suốt đời.