Hẹp niệu đạo gây ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của người bệnh. Bệnh nếu không được điều trị đúng cách ngay từ ban đầu sẽ gặp khó khăn trong giai đoạn về sau và dễ tái phát.
Tình trạng hẹp niệu đạo nếu không được điều trị thì sẽ diễn tiến đến bí tiểu hoàn toàn. Điều này có thể gây bí tiểu đột ngột rất nguy hiểm.
Tình trạng bí tiểu lâu dài do hẹp niệu đạo có thể ảnh hưởng đến chức năng của bàng quang và chức năng thận. Hậu quả là có thể diễn tiến đến nhiễm trùng đường tiết niệu nặng, sỏi đường tiết niệu, suy thận và gây vô sinh ở nam giới.
1. Hẹp niệu đạo là gì?
Hẹp niệu đạo là sự giảm khẩu kính của 1 đoạn hay toàn bộ niệu đạo thường do tổ chức xơ hóa ở bên trong hoặc xung quanh niệu đạo gây cản trở dòng nước tiểu đi từ bàng quang ra ngoài cơ thể. Bệnh thường gặp sau chấn thương, viêm hoặc nhiễm khuẩn.
Niệu đạo là một ống dẫn nước tiểu từ cổ bàng quang đến lỗ sáo của dương vật. Ở nam giới khỏe mạnh, niệu đạo là đủ rộng cho nước tiểu chảy tự do qua nó. Theo giải phẫu, niệu đạo chia làm 3 đoạn: Niệu đạo tuyến tiền liệt, niệu đạo màng, niệu đạo xốp (gồm niệu đạo hành và niệu đạo dương vật).
Theo giải phẫu, niệu đạo được chia thành 2 đoạn:
-Niệu đạo trước dài 12-15cm được vật xốp bao bọc, gồm phần cố định (niệu đạo hành), phần di động ( niệu đạo dương vật ).
-Niệu đạo sau: niệu đạo màng dài 1.5-2cm đi qua cân đáy chậu có cơ thắt vân bọc quanh, niệu đạo tiền liệt tuyến đi qua đoạn tiền liệt tuyến dài 3 cm. Đường kính niệu đạo 4-6mm khi nong giãn rộng 8-10 mm.
Hẹp niệu đạo ở nam giới thường gặp hơn ở nữ giới.
2. Nguyên nhân và cơ chế gây hẹp niệu đạo
Có nhiều nguyên nhân gây hẹp niệu đạo trong đó có các nguyên nhân chính sau:
- Di chứng của chấn thương, đứt niệu đạo do tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông.
- Di chứng viêm nhiễm niệu đạo: Lao, lậu, HPV… Theo nghiên cứu, viêm niệu đạo thường do lậu cầu khuẩn. Viêm nhiễm từ niêm mạc niệu đạo các ổ tuyến Littre lan ra từ nang Morgagni gây xơ sẹo chit hẹp niệu đạo nhiều chỗ: niệu đạo trước, niệu đạo màng.
Hẹp niệu đạo do lao từ những tổn thương từ thận, bàng quang lan tới tiền liệt tuyến, niệu đạo hành. Hẹp niệu đạo còn do nhiễm khuẩn bao quy đầu bị chít hẹp và thường lây qua giao hợp. Hẹp niệu đạo do viêm nhiễm chủ yếu từ ngược chiều, nguyên nhân từ ngoài vào.
- Tai biến của điều trị: Đặt sonde niệu đạo, mổ nội soi u phì đại tuyến tiền liệt, mổ lấy sỏi niệu đạo, sau cắt bao quy đầu…
3. Dấu hiệu nhận biết hẹp niệu đạo
Hẹp niệu đạo có thể gây ra nhiều triệu chứng từ nhẹ đến nặng. Một số dấu hiệu nhận biết bệnh này là cảm giác tiểu khó, dòng chảy chậm, lượng nước tiểu giảm, có máu trong nước tiểu, đau bụng dưới, tiết dịch niệu đạo, nhiễm trùng đường tiết niệu. Bệnh nhân không thể đi vệ sinh như bình thường mà phải được đặt một ống thông trên xương mu để đưa nước tiểu từ bàng quang ra ngoài.
4.Chẩn đoán hẹp niệu đạo
- Bệnh nhân đã có tiền sử được chẩn đoán chấn thương niệu đạo, có mở thông bàng quang kèm theo hay không. Đặt sond niệu đạo, các thăm dò có can thiệp vào niệu đạo. Chẩn đoán và điều trị viêm nhiễm tiết niệu, viêm niệu đạo….
- Bệnh nhân tiểu khó, đái phải gắng sức, tia nước tiểu yếu dần, xoắn tia và nhỏ giọt. Thời gian đi tiểu thường lâu. Khả năng tình dục bị ảnh hưởng: Suy giảm ham muốn, rối loạn cương dương, vô sinh…
- Toàn thân: Phụ thuộc vào nguyên nhân của hẹp niệu đạo. Tâm lý bệnh nhân thường trầm cảm, lo âu…
- Khám thực thể thấy dương vật biến dạng, vật xốp có đoạn xơ cứng. Miệng sáo hẹp, nhỏ…
- Đặt sond nhỏ nhẹ nhàng thăm dò sẽ thấy đoạn hẹp, đánh giá hẹp nhiều hay ít một cách sơ bộ.
- Khám các bộ phận khác cho thấy khung chậu biến dạng. Bụng còn dẫn lưu bàng quang. Tầng sinh môn có abces, có lỗ rò kèm theo. Bàn tay của bệnh nhân có mùi khai
- Thăm trực tràng: Để chẩn đoán loại trừ với u tuyến tiền liệt..
Trong trường hợp bí tiểu, khi đặt sond niệu đạo cỡ nhỏ thì sond cũng không vào được trong bàng quang. Đây là nghiệm pháp chẩn đoán xác định nhưng có thể gây sang chấn niệu đạo do đó trong thực hành lâm sàng được khuyến cáo không được cố đặt lại sond niệu đạo nếu nghi ngờ có hẹp niệu đạo…
- Cận lâm sàng:
- Kết quả chụp XQ niệu đạo ngược dòng và xuôi dòng: Chẩn đoán chính xác vị trí niệu đạo hẹp, mức độ hẹp, …
- Nội soi niệu đạo: Ống soi nhỏ đi vào thấy niệu đạo thuôn hẹp nhỏ, đây là xét nghiệm chẩn đoán chính xác vị trí hẹp nhưng không cho biết chiều dài của đoạn hẹp.
- Siêu âm ổ bụng: Đánh giá tình trạng bàng quang, tuyến tiền liệt.
- Cấy nước tiểu làm kháng sinh đồ: Quan trọng cho điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu.
5. Điều trị hẹp niệu đạo
Với mức độ và bệnh nhân cụ thể các bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp. Thông thường, ban đầu bác sĩ sẽ điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu, sau đó mới tiến hành loại bỏ đoạn xơ hẹp niệu đạo để phục hồi lưu thông, loại bỏ rối loạn bài xuất nước tiểu.
Trường hợp cấp cứu các bác sĩ sẽ chỉ định nong niệu đạo, đặt sond niệu đạo. Mở thông bàng quang. Hoặc cắt trong niệu đạo bằng dao cắt lạnh hoặc bằng laser phẫu thuật tạo hình cắt nối dùng vạt da hoặc mảnh ghép.
Tóm lại: Hẹp niệu đạo không chỉ gây tổn thương về thể xác mà còn gây tổn thương về tinh thần, bệnh nhân thường mặc cảm, mất tự tin,… Hiện nay, phẫu thuật tạo hình niệu đạo là phương pháp điều trị hiệu quả cho tình trạng hẹp niệu đạo. Đây là phẫu thuật phức tạp, đòi hỏi sự tinh tế, kinh nghiệm và tay nghề của bác sĩ và những phương tiện máy móc của chuyên ngành niệu khoa. Vì vậy, khi có những biểu hiện bất thường như: Cảm giác khó tiểu - bí tiểu, ứ nước, viêm bàng quang,…nam giới nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa nam học để được các bác sĩ khám và tư vấn cụ thể.
Video có thể bạn quan tâm