Hà Nội

Hẹp niệu đạo ở nam giới

23-06-2011 10:03 | Sức khỏe sinh sản
google news

Hẹp niệu đạo là một bệnh lý niệu khoa thường gặp, bệnh biểu hiện sau một viêm nhiễm hay sau một chấn thương hệ niệu. Cần hiểu rõ căn nguyên bệnh để có hướng xử trí kịp thời nhằm tránh những biến chứng.

Hẹp niệu đạo là một bệnh lý niệu khoa thường gặp, bệnh biểu hiện sau một viêm nhiễm hay sau một chấn thương hệ niệu. Cần hiểu rõ căn nguyên bệnh để có hướng xử trí kịp thời nhằm tránh những biến chứng.

 Ảnh minh họa
Cấu trúc niệu đạo nam giới

Niệu đạo được chia ra 2 phần: niệu đạo trước và niệu đạo sau. Niệu đạo trước có chiều dài 12 - 15cm, được bao bọc bởi vật xốp, gồm phần cố định hay còn gọi là niệu đạo hành và phần di động gọi là niệu đạo dương vật. Niệu đạo sau có chiều dài 4,5 - 5cm, gồm niệu đạo màng đi qua cân đáy chậu và niệu đạo tiền liệt tuyến. Đường kính niệu đạo trung bình 4 - 6mm, khi nong giãn độ 8 - 10 mm, niệu đạo không phải là một ống tròn đều xuyên suốt mà có những chỗ hẹp và chỗ rộng.

Hẹp niệu đạo xảy ra như thế nào?

Hẹp niệu đạo thường là hậu quả sau đợt viêm nhiễm niệu đạo, xuất phát từ các ổ trong tuyến littre do vi khuẩn lậu cầu trú ẩn và gây bệnh, lâu ngày gây xơ sẹo làm chít hẹp niệu đạo nhiều chỗ; do nhiễm khuẩn bao quy đầu thường xảy ra sự lây chéo sau giao hợp, làm chít hẹp và có thể lan tới tiền liệt tuyến và niệu đạo hành; do bệnh lý toàn thân tổn thương của lao thận, lao bàng quang rồi lan đến lao niệu đạo. Hẹp niệu đạo còn do di chứng của chấn thương niệu đạo; sau những thủ thuật lấy sỏi niệu đạo làm tổn thương niêm mạc niệu đạo, sau mổ cắt u xơ tiền liệt tuyến.

Các biểu hiện hẹp niệu đạo

Sau đợt điều trị viêm nhiễm hay sau chấn thương, người bệnh than phiền đi tiểu khó, lúc tiểu tia nước tiểu yếu dần, xoắn tia và nhỏ giọt. Thời gian đi tiểu lâu hơn 30 giây đến 1 phút, cảm giác còn muốn đi tiểu nữa, kích thích rặn nhiều trong lúc tiểu.

Trường hợp bí tiểu thật sự, khi có kèm bội nhiễm hay sỏi kẹt làm chít hẹp hoàn toàn niệu đạo làm người bệnh rất khó chịu, căng trướng bàng quang, vật vã cần tiểu liền.

Thăm khám niệu đạo, phát hiện tổn thương như chít hẹp bao quy đầu, phát hiện những đoạn, cục xơ cứng niệu đạo khi nắn niệu đạo từ đầu đến gốc dương vật. Khi đặt ống sonde tiểu bằng ống sonde Nelaton 18 thì không qua được niệu đạo.

Diễn tiến và biến chứng

Sau khi bị hẹp niệu đạo, người bệnh vẫn chịu đựng, cố gắng đi tiểu theo đường tự nhiên trong một thời gian, tùy theo mức độ tổn thương, tiến triển đến hẹp hoàn toàn. Sự chịu đựng, cố gắng tiểu tự nhiên dần dần đưa đến biến chứng. Ứ đọng nước tiểu bàng quang gây nhiễm khuẩn ngược dòng lên niệu quản, thận. Do ứ trệ lâu ngày không có lối thoát, gây rò rỉ ra da tại vị trí tầng sinh môn hay vùng da bìu và ứ đọng kèm nhiễm khuẩn tạo thành ổ áp xe hình tổ ong, gây hình thành túi thừa bàng quang và lâu dài biến chứng suy thận.

Phân biệt các bệnh khác

Bệnh hẹp cổ bàng quang do viêm xơ cổ bàng quang: gặp trong trường hợp sau mổ u xơ tiền liệt tuyến. Người bệnh có triệu chứng khó đi tiểu, khi đặt sonde tiểu, ống thông dừng lại trước cổ bàng quang, chụp niệu đạo có cản quang, trên hình ảnh X-quang không thấy thuốc cản quang vào được bàng quang.

- U xơ tiền liệt tuyến: người bệnh tiểu khó, tiểu rắt, đang tiểu ngắt giữa dòng, dòng tiểu giảm đột ngột, khi khám thăm trực tràng sờ được khối u. Bệnh này thường gặp ở người già.

Xử trí hẹp niệu đạo

Tùy theo mức độ tổn thương, vị trí của bệnh mà ta có cách xử trí khác nhau. Trường hợp hẹp niệu đạo có viêm nhiễm tiến triển thành áp-xe, rò nước tiểu và bí đái cấp tính, phải mở thông bàng quang dẫn lưu nước tiểu ra da, điều trị hết viêm nhiễm bằng kháng sinh đồ hay kháng sinh liều cao, toàn thân như augmentin, ceftriaxon, tobramycin. Trường hợp do lao phải điều trị đặc hiệu.

Điều trị căn nguyên: nong niệu đạo, đây là phương pháp vẫn được áp dụng để nong niệu đạo và đặt ống sonde nong que nhỏ được dùng để dẫn đường qua chỗ hẹp chít rồi tiến hành nong rộng. Hiện nay có nhiều phương pháp nong bằng ống sonde có bóng chèn tại chỗ hẹp niệu đạo.

Phẫu thuật điều trị hẹp niệu đạo nhằm tái tạo niệu đạo. Trải qua năm tháng, các phương pháp phẫu thuật không ngừng được cải tiến, giúp khả năng tạo hình ống niệu đạo trở về đúng sinh lý ban đầu, nhằm nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

BS.CKII. TUÊ THÀNH




Ý kiến của bạn