(SKDS) – Hẹp môn vị là hiện tượng thức ăn bị ứ đọng lại trong dạ dày không xuống ruột được hoặc xuống rất hạn chế. Bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có những nguyên nhân lành tính nhưng cũng có những ác tính, có thể gây nguy hiểm cho người bệnh.
Hẹp môn vị do nguyên nhân nào?
Dạ dày của người bình thường gồm tâm vị, bờ cong nhỏ, bờ cong lớn, hạng vị, môn vị. Môn vị nằm ở cuối dạ dày chỗ tiếp nối với hành tá tràng. Môn vị đóng vai trò quan trọng trong tiêu hoá thức ăn và môn vị cũng liên quan mật thiết với các bộ phận khác của dạ dày. Vì vậy mỗi khi một bộ phận nào đó của dạ dày bị tổn thương (viêm, loét, ung thư) đều có ảnh hưởng đến môn vị, và ngược lại, khi môn vị không bình thường đều có ảnh hưởng đến các bộ phận khác của dạ dày và hành tá tràng.
Nguyên nhân gây hẹp môn vị hay gặp là do bệnh ở dạ dày hoặc tá tràng, hoặc cả hai. Hẹp môn vị có thể xảy ra cấp tính nhưng cũng có thể xảy ra trong một thời gian dài. Một số trường hợp do dạ dày hoặc tá tràng bị viêm cấp kéo theo làm hẹp môn vị nhưng qua đợt cấp của viêm dạ dày - tá tràng thì môn vị trở về trạng thái ban đầu, ví dụ như viêm dạ dày cấp do rượu, do ngộ độc thực phẩm.
Ảnh minh họa (nguồn Internet)) |
Một số trường hợp do viêm, loét tá tràng, đặc biệt là loét dạ dày - tá tràng, hoặc loét bờ cong nhỏ gần môn vị đã lâu ngày làm cho tổ chức của tá tràng bị xơ hoá, co kéo gây chít hẹp môn vị (loét hành tá tràng xơ chai). Bên cạnh những nguyên nhân gây hẹp môn vị lành tính thì có không ít nguyên nhân gây hẹp môn vị ác tính như nguyên nhân do ung thư hang vị hoặc ung thư môn vị. Chính các khối u này làm chít hẹp lòng của môn vị kèm theo sự viêm nhiễm làm cho lòng của môn vị bị hẹp lại thức ăn và dịch vị rất khó đi qua hoặc không thể đi qua để xuống ruột.
Khối u càng lớn thì sự chít hẹp môn vị càng nhiều và tỉ lệ ung thư vùng hang vị, môn vị dạ dày chiếm khá cao, có khi lên tới 60% các trường hợp ung thư khác của dạ dày (bờ cong nhỏ, tâm vị,...). Ngoài ra người ta cũng có thể gặp hẹp môn vị trong trường hợp polýp môn vị, sẹo môn vị do bỏng hoặc hẹp môn vị bẩm sinh (biểu hiện hẹp môn vị ngay sau khi trẻ sinh ra) hoặc hẹp môn vị do nguyên nhân ngoài dạ dày, ví dụ như u đầu tuỵ hoặc ung thư đầu tuỵ chèn ép vào môn vị.
Hẹp môn vị gây nên dấu hiệu nào về sức khỏe?
Hẹp môn vị ở giai đoạn đầu thường có đầy hơi, trướng bụng, đau thượng vị nhất là sau khi ăn và nôn ra thức ăn vừa mới ăn. Dần dần bệnh tiến triển nặng lên, đau thượng vị nhiều hơn, có khi đau lâm râm nhưng có khi đau dữ dội do ứ đọng thức ăn và dịch vị dạ dày, đau nhiều khi nằm, ngồi dậy thì đỡ hơn. Người bệnh khi nằm và thay đổi tư thế có thể nghe tiếng róc rách trong bụng, nếu người bệnh nằm ngửa sẽ thấy bụng lép kẹp (bụng lõm lòng thuyền). Người thường gầy, xanh xao, mệt mỏi, thèm ăn nhưng không dám ăn vì ăn vào đau nhiều hơn.
Nhiều trường hợp hẹp môn vị đã lâu ngày thường nôn ra thức ăn của ngày hôm trước hoặc bữa ăn trước kèm theo nhiều dịch vị có mùi nồng nặc, khó ngửi. Nếu người bệnh nôn được hoặc dùng động tác cơ học (móc họng) để nôn thì cảm thấy rất dễ chịu. Nếu nôn nhiều sẽ gây hiện tượng mất nước và chất điện giải càng làm cho người bệnh mệt mỏi, khó chịu, người gầy, da xanh, mắt trũng, da khô ráp và hay cáu gắt.
Ngày nay để xác định bệnh của dạ dày thì ngoài khám lâm sàng, chụp Xquang có thuốc cản quang (thuốc barít) thì nội soi dạ dày (gây mê hoặc không gây mê) đang là một bước tiến mới trong chẩn đoán bệnh của dạ dày. Chụp dạ dày sẽ được thể hiện tình trạng của dạ dày, môn vị và tá tràng. Khi hẹp môn vị thường dạ dày giãn to, sa dạ dày, thức ăn còn tồn đọng nhiều trong dạ dày và sẽ có hình ảnh “tuyết rơi”.
Hẹp môn vị làm dạ dày giãn to, thức ăn tồn đọng nhiều trong dạ dày và có hình ảnh “tuyết rơi”. |
Làm gì để tránh bị hẹp môn vị?
Cần được khám bệnh để ngoài khám lâm sàng còn được chụp Xquang, nội soi dạ dày và siêu âm ổ bụng. Mọi trường hợp khi xác định bị bệnh về dạ dày - tá tràng cần được điều trị tích cực, đúng phác đồ và kiêng khem đúng mực để bệnh chóng bình phục. Hiện nay thuốc Tây y dùng trong điều trị bệnh dạ dày rất phong phú và đã có phác đồ điều trị rõ ràng vì vậy khi bị bệnh về dạ dày nên tránh để xảy ra hiện tượng viêm mạn tính, loét dẫn đến hẹp môn vị và đề phòng ung thư nhất là khi dạ dày tổn thương ở hang vị, bờ cong nhỏ, tiền môn vị.
Khi bị viêm hoặc loét hành tá tràng cũng không nên chủ quan mặc dù hành tá tràng khi bị viêm, loét thì ít có biến chứng ung thư nhưng lại đau nhiều, dễ bị biến chứng chảy máu và rất dễ làm hẹp môn vị.
PGS.TS. Bùi Khắc Hậu