1. Nguyên nhân gây hẹp động mạch cảnh
Động mạch cảnh đưa máu giàu oxy đến các cơ quan và mô ở đầu và cổ, bao gồm cả não. Khi động mạch cảnh bị tắc nghẽn hoặc hình thành cục máu đông, sẽ cản trở quá trình lưu thông máu và gây ra các biến chứng nghiêm trọng.
Hẹp động mạch cảnh là tình trạng các động mạch cảnh, đóng vai trò cung cấp máu giàu oxy đến não, bị thu hẹp do sự tích tụ mảng bám (cholesterol, mô xơ và canxi). Điều này khiến cho lưu lượng máu lưu thông đến não giảm, huyết khối có cơ hội hình thành và gây tắc mạch tại chỗ hoặc di chuyển đến não gây tắc mạch máu não.
Bệnh hẹp động mạch cảnh chủ yếu hình thành do:
- Xơ vữa động mạch với sự xuất hiện của mảng bám ở thành mạch khiến dòng chảy của máu bị cản trở.
- Huyết áp cao không kiểm soát khiến thành mạch máu tổn thương, mảng bám có điều kiện hình thành.
- Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ biến chứng tổn thương mạch máu gây hẹp động mạch cảnh.
- Các yếu tố khác: Hút thuốc lá, tăng cholesterol, tuổi trên 50...
2. Triệu chứng của hẹp động mạch cảnh
Động mạch cảnh là động mạch lớn nhất có nhiệm vụ đưa máu từ tim lên não. Vì thế, khi động mạch cảnh bị hẹp, tắc, sẽ dẫn đến lưu lượng máu nuôi não bị giảm nặng hoặc gián đoạn, gây ra các cơn thiếu máu não thoáng qua hoặc đột quỵ nhồi máu não.
Vùng não bị thiếu máu nuôi sẽ bị thiếu oxy và dinh dưỡng, tế bào não sẽ chết chỉ trong vòng vài phút. Nếu không được xử trí kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong hoặc phải chịu những di chứng nặng nề về rối loạn vận động, nhận thức, ngôn ngữ, thị giác... sau khi sống sót.
Ghi nhận thực tế thì hẹp động mạch cảnh thường ít khi gây nên triệu chứng ở giai đoạn đầu. Đến khi bệnh tiến triển, người bệnh rất dễ có triệu chứng:
- Triệu chứng nhẹ: Hoa mắt, chóng mặt, một bên cơ thể có cảm giác yếu.
- Triệu chứng nặng: Mất ý thức đột ngột, nói khó, nói lắp, giảm thị lực hoặc mờ một bên mắt.
Cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua là triệu chứng chính, nếu không có triệu chứng thần kinh. Triệu chứng chính của đột quỵ nguồn gốc từ động mạch não giữa do hẹp động mạch cảnh trong: Tê bì, liệt nửa người đối bên, mù thoáng qua, thất ngôn…
3. Hẹp động mạch cảnh có lây không?
Hẹp động mạch cảnh do xơ vữa là tình trạng các mảng xơ vữa dày lên làm hẹp hoặc tắc động mạch cảnh, vì vậy không phải là bệnh lây nhiễm nên không lây.

Hẹp động mạch cảnh thường là hậu quả của xơ vữa mạch máu.
4. Phòng ngừa hẹp động mạch cảnh
Hẹp động mạch cảnh là căn bệnh nguy hiểm nhưng rất khó nhận biết do bệnh không biểu hiện triệu chứng hoặc các triệu chứng mơ hồ, dễ nhầm lẫn với các bệnh thông thường khác. Do đó, các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao cần thường xuyên thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín để sớm phát hiện và điều trị.
Những triệu chứng nhẹ như chóng mặt, xây xẩm, khiến người bệnh lơ là, nhưng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh nhân bị nhồi máu não. Rất nhiều trường hợp tai biến mạch máu não khi đến bệnh viện đã muộn.
Cần thay đổi lối sống để hạn chế xơ vữa động mạch, giảm nguy cơ hẹp động mạch cảnh cụ thể. Chế độ ăn uống lành mạnh sẽ tốt cho sức khỏe, giúp bảo vệ tim mạch tốt hơn. Bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, chế biến sạch sẽ phù hợp, ăn ít chất béo, dầu mỡ chiên rán nhiều, nên ăn cá, thịt nạc, các loại rau củ và các loại dầu thực vật tốt cho tim.
Không hút thuốc vì có thể làm hỏng các động mạch. Hút thuốc lá là một yếu tố nguy cơ chính đối với bệnh động mạch vành. Nicotine thắt chặt các mạch máu và khiến tim phải làm việc nhiều hơn. Không hút thuốc là một trong những cách tốt nhất để giảm nguy cơ biến chứng xơ vữa động mạch, chẳng hạn như đau tim.
Tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện lưu lượng máu, giảm huyết áp và giảm nguy cơ mắc các bệnh làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch và bệnh tim. Tập ít nhất 150 phút hoạt động aerobic vừa phải hoặc 75 phút hoạt động aerobic mạnh mỗi tuần hoặc kết hợp cả hai.
Nếu mắc các bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu nhiều năm hoặc những người mang yếu tố nguy cơ khác gồm: Người hút thuốc lá, béo phì, mỡ máu cao, ít vận động, chế độ ăn nhiều đường, nhiều chất béo… nên đi kiểm tra động mạch cảnh.
5. Điều trị hẹp động mạch cảnh
Sau khi có kết quả chẩn đoán, tùy vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị như:
- Thay đổi lối sống
Bệnh nhân hẹp động mạch cảnh cần có một chế độ ăn lành mạnh với sự tăng cường rau xanh và giảm thiểu các thực phẩm giàu chất béo bão hòa, kết hợp vận động thường xuyên để cải thiện tuần hoàn máu. Ngoài ra, người bệnh cũng cần giảm tiêu thụ đồ uống có cồn và cai hút thuốc lá.
Điều trị bằng thuốc làm giảm tai biến mạch máu não 20% và nhồi máu cơ tim 30%. Thuốc hay được sử dụng là Aspirin, Clopidogrel (Plavix).
- Điều trị ngoại khoa
Phẫu thuật được chỉ định cho những trường hợp hẹp động mạch cảnh trên 70%, khuyến cáo bóc nội mạc động mạch cảnh trong. Lợi ích của phẫu thuật là rõ ràng, được khẳng định bởi những nghiên cứu lớn ở Châu Âu và Mỹ, nó làm giảm nguy cơ tai biến mạch máu não 80% với những trường hợp hẹp có triệu chứng và 50% với những trường hợp không có triệu chứng.
Can thiệp đặt stent động mạch cảnh chỉ định trong những trường hợp có chống chỉ định phẫu thuật hoặc toàn trạng bệnh nhân có nhiều nguy cơ trong phẫu thuật hay bệnh lý phức tạp (Như hẹp động mạch cảnh sau xạ trị vùng cổ, tái hẹp sau phẫu thuật).
Việc quyết định can thiệp nội mạch cần phải được hội chẩn đa chuyên khoa: Phẫu thuật mạch máu, tim mạch, gây mê, thần kinh...