Hẹp động mạch cảnh có cần phẫu thuật không?

08-07-2025 11:00 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Bệnh hẹp động mạch cảnh là một trong các nguyên nhân quan trọng gây đột quỵ nhồi máu não và cơn thiếu máu não thoáng qua vì động mạch cảnh là động mạch lớn nhất cung cấp máu cho não. Vậy, bị hẹp động mạch cảnh có cần phẫu thuật không?

Siêu âm là biện pháp đầu tiên cần làm cho mọi bệnh nhân nghi ngờ có bệnh động mạch cảnh, tiếp theo có thể lựa chọn giữa phương pháp chụp cộng hưởng từ mạch máu (MRA) hoặc chụp CT đa lớp cắt (MSCT) để đánh giá toàn thể hệ thống động mạch trong và ngoài sọ, cuối cùng là chụp mạch số hóa xóa nền DSA để can thiệp điều trị. Đây được xem là phương pháp chẩn đoán chính xác nhất về tình trạng lòng mạch, tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán các bệnh về mạch máu và cũng là tiêu chí quyết định đến phương án xử trí (can thiệp hay phẫu thuật).

Các phương pháp điều trị hẹp động mạch cảnh

Khi mắc hẹp động mạch cảnh có cần phẫu thuật không? Hiện điều trị có các phương pháp bao gồm: điều trị nội khoa, điều trị bằng can thiệp xâm nhập.

Điều trị nội khoa hẹp động mạch cảnh: Thuốc chống kết tập tiểu cầu aspirin 81 – 325mg hoặc clopidogrel 75mg mỗi ngày tùy theo tình trạng của người bệnh.

Điều trị nội khoa tối ưu các bệnh lý nền, là các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ… Mục tiêu điều trị được Hội Tim mạch châu Âu khuyến cáo là giữ huyết áp <140/90 mmHg, low-density lipoprotein (LDL) <1.8 mmol/L (70 mg/dL).

Hẹp động mạch cảnh có cần phẫu thuật không?- Ảnh 1.

Hẹp động mạch cảnh là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ thiếu máu não

Bởi vì hẹp động mạch cảnh là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ thiếu máu não (chiếm đến 15% trên tổng số các nguyên nhân) và nếu không được điều trị dự phòng thì tỷ lệ tái phát trong vòng 14 ngày đầu lên đến 11,5%, cho nên bên cạnh điều trị nội khoa tối ưu thì cần phải can thiệp tái thông động mạch cảnh. Có 2 phương pháp tái thông bao gồm can thiệp đặt stents động mạch cảnh và phẫu thuật.

Điều trị hẹp động mạch cảnh bằng phương pháp can thiệp đặt stents: đây là phương pháp can thiệp xâm nhập tối thiểu nhằm để mở rộng lòng động mạch, từ đó khơi thông dòng chảy, tăng cường luồng máu tưới cho não bộ.

Đặt stent động mạch cảnh được chỉ định cho các bệnh nhân hẹp động mạch cảnh mức độ nặng từ 50% trở lên (có hoặc không có triệu chứng nhồi máu não hoặc thiếu máu não cục bộ tạm thời thoáng qua) và không thể phẫu thuật vì các lý do khác nhau, cụ thể

  • Vị trí hẹp động mạch cảnh khó phẫu thuật;
  • Có bệnh nội khoa đi kèm, có nguy cơ tăng tai biến, biến chứng của phẫu thuật;
  • Bệnh nhân bị hẹp mạch sau tia xạ hoặc phẫu thuật.

Bởi vì đây là phương pháp ít xâm lấn hơn so với bóc tách nội mạc động mạch cảnh, cho nên làm giảm nguy cơ tổn thương dây thần kinh sọ và tụ máu vùng cổ. Phương pháp này cũng có lợi thế hơn ở những bệnh nhân có tổn thương vùng cổ trước đó (do tia xạ, phẫu thuật vùng cổ trước đó), hoặc trong trường hợp vị trí giải phẫu khó tiếp cận (tổn thương động mạch cảnh ở đoạn rất cao …). Đồng thời, những bệnh nhân có nguy cơ cao bị biến chứng tim mạch chu phẫu có thể được hưởng lợi từ can thiệp đặt stent động mạch cảnh do làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim, là một biến chứng phổ biến sau bóc tách nội mạc động mạch cảnh.

Đặt stent động mạch cảnh được xem là một phương pháp can thiệp nội mạch ít xâm lấn, rút ngắn thời gian nằm viện so với phương pháp phẫu thuật bóc tách nội mạc động mạch cảnh. Kỹ thuật này ít ảnh hưởng tới toàn thân và mang lại kết quả tốt nếu được lựa chọn đúng chỉ định, thực hiện đúng thời điểm, đúng phương pháp, theo dõi điều trị đúng phác đồ.

Điều trị hẹp động mạch cảnh bằng phương pháp phẫu thuật: Cũng được chỉ định khi hẹp động mạch cảnh trên 50%. Đây là phương pháp được ưu tiên lựa chọn để điều trị cho người bệnh. Nguyên tắc phẫu thuật là đưa luồng máu đến não với lưu lượng như ban đầu (cắt bỏ nội mạc hoặc ghép mạch hoặc bắc cầu), và đề phòng tái phát.

Phương pháp điều trị tối ưu nhất vẫn là phẫu thuật cắt bỏ nội mạc động mạch cảnh bị xơ vữa (CEA: carotid endarterectomy). Mục tiêu chính của phẫu thuật là giảm thiểu nguy cơ đột quỵ tái phát do mảng bám không ổn định, trong khi phẫu thuật không ảnh hưởng đến kết quả của đột quỵ ban đầu. Phẫu thuật đã mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh: Những bệnh nhân đã phẫu thuật và điều trị nội khoa được phát hiện có nguy cơ đột quỵ tái phát là 9–15%, giảm đáng kể khi so sánh với nguy cơ >25% khi chỉ điều trị nội khoa.

Thời gian tiến hành phẫu thuật tốt nhất là trong vòng 2 tuần kể từ khi bắt đầu phát hiện triệu chứng.

Biến chứng sau phẫu thuật hẹp động mạch cảnh: Biến chứng đáng kể nhất là đột quỵ sau phẫu thuật, xảy ra với tỷ lệ chỉ hơn 2%. Các biến chứng liên quan khác là tổn thương các dây thần kinh, đặc biệt là dây thần kinh hạ thiệt (số XII), dây thần kinh thiệt hầu (số IX).

Theo dõi sau phẫu thuật và can thiệp hẹp động mạch cảnh: Sau mổ hoặc can thiệp, người bệnh được hướng dẫn tái khám mỗi 1-3 tháng. Các yếu tố nguy cơ tim mạch như cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ… cần được điều chỉnh tối ưu để tránh tái phát cũng như hẹp động mạch các vị trí khác. Siêu âm kiểm tra sau 3-6 tháng và mỗi 1-2 năm để đánh giá kết quả và theo dõi.

Tóm lại: khi mắc hẹp động mạch cảnh tùy từng bệnh nhân cụ thể mà các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị cho phù hợp. Người bệnh không nên quá lo lắng mà cần thực hiện theo chỉ định của bác sĩ để điều trị bệnh hiệu quả.

Hẹp động mạch cảnh có cần phẫu thuật không?- Ảnh 2.Chóng mặt, nhức đầu.. cảnh giác với hẹp động mạch cảnh

SKĐS - Động mạch cảnh của con người được ví như dòng sông lớn đóng góp khoảng 70% lượng máu để duy trì hoạt động cho não bộ. Hẹp động mạch cảnh là căn bệnh nguy hiểm nhưng rất khó nhận biết do bệnh không biểu hiện triệu chứng hoặc các triệu chứng mơ hồ, dễ nhầm lẫn với những bệnh khác như: chóng mặt, nhức đầu...

Bs Dương Chí Lực - BV ĐK Trung ương Quảng nam
Ý kiến của bạn