Hẹp bao quy đầu và những chú ý về dinh dưỡng sau phẫu thuật

31-12-2024 09:08 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Cắt bao quy đầu được xem là thủ thuật đơn giản để điều trị hẹp bao quy đầu. Sau phẫu thuật người bệnh cần tuân thủ chăm sóc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Thực hiện chế độ dinh dưỡng phù hợp cũng góp phần quan trọng thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục của cơ thể.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bị hẹp bao quy đầu

Hẹp bao quy đầu là tình trạng bất thường tại bao quy đầu, do vòng bao quy đầu bị hẹp ở các mức độ khác nhau nên không thể lộn được bao quy đầu ra. Đây là nguyên nhân phổ biến dẫn đến viêm nhiễm, khó cương cứng hoặc đau khi quan hệ tình dục, thậm chí làm tăng nguy cơ ung thư dương vật.

Cắt bao quy đầu là phương pháp điều trị được khuyến nghị vì ít xâm lấn, thực hiện nhanh và hiệu quả với phần lớn các trường hợp hẹp bao quy đầu. Theo ThS.BS Trần Hồng Quân, Khoa Phẫu thuật Tạo hình và Thẩm mỹ, Bệnh viện Bưu Điện, cắt bao quy đầu là thủ thuật cắt bỏ phần bao quy đầu để lộ đầu dương vật. Sau khi được các bác sĩ nam khoa thăm khám và tư vấn, người bệnh sẽ được kiểm tra sức khỏe và nếu đạt điều kiện sẽ tiến hành làm thủ thuật. Sau khi thực hiện phẫu thuật cắt bao quy đầu, người bệnh nằm nghỉ ngơi và được các bác sĩ theo dõi trong vòng 5-10 phút. Nếu không có vấn đề gì, người bệnh có thể xuất viện và chăm sóc sau phẫu thuật tại nhà. Vết thương có thể hồi phục trong khoảng 7-10 ngày.

Cắt bao quy đầu được xem là thủ thuật đơn giản, do vậy người bệnh không cần kiêng ăn gì và có thể sinh hoạt như bình thường. Tuy nhiên cần tuân thủ chăm sóc sau phẫu thuật theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Giống như bất kỳ loại phẫu thuật nào khác, khả năng chữa lành của cơ thể phụ thuộc vào chế độ chăm sóc hậu phẫu và chế độ dinh dưỡng. Bằng cách lựa chọn những thực phẩm bổ dưỡng lành mạnh và tránh các thực phẩm gây hại có thể hỗ trợ cơ thể hồi phục nhanh hơn.

Chế độ dinh dưỡng phù hợp bổ sung vitamin và khoáng chất, thực phẩm chống viêm sẽ giúp giảm viêm, cải thiện lưu thông máu, nâng cao khả năng miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các vi khuẩn gây nhiễm trùng; giảm sưng đau; hỗ trợ quá trình tái tạo tế bào và lành vết thương sau phẫu thuật.

Hẹp bao quy đầu và những chú ý về dinh dưỡng sau phẫu thuật- Ảnh 1.

Người bệnh sau phẫu thuật cắt bao quy đầu nên ăn thực phẩm giàu protein.

2. Những dưỡng chất cần thiết cho người bệnh phẫu thuật cắt bao quy đầu

Ngoài cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, người bệnh sau cắt bao quy đầu cần chú ý bổ sung các chất dinh dưỡng giúp tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ quá trình lành vết thương.

Protein

Protein là nguyên liệu chính để cung cấp năng lượng cho cơ thể, xây dựng và tái tạo các tế bào mới, giúp vết thương mau lành. Bên cạnh đó, protein còn giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng.

Người bệnh nên ăn các thực phẩm giàu protein tốt như: Thịt nạc, cá, trứng, sữa, đậu, các loại hạt…

Vitamin A

Vitamin A đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì một hệ miễn dịch khỏe mạnh, hỗ trợ quá trình lành vết thương và bảo vệ các mô. Vitamin A giúp kích thích sự phát triển của các tế bào biểu bì, giúp vết thương mau lành và giảm thiểu sẹo.

Nguồn cung cấp vitamin A bao gồm: Cà rốt, bí đỏ, khoai lang, rau lá xanh đậm, trứng…

Vitamin C

Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh, hỗ trợ cơ thể phục hồi nhanh chóng. Vitamin C cũng giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp chống lại nhiễm trùng, một trong những biến chứng thường gặp sau phẫu thuật.

Người bệnh nên bổ sung vitamin C thông qua chế độ ăn uống hằng ngày bằng các thực phẩm giàu vitamin C bao gồm: Cam, quýt, bưởi, dâu tây, kiwi, ổi...; Cải xanh, bông cải xanh, súp lơ xanh, ớt chuông…

Sắt

Sắt là thành phần chính của hemoglobin, có chức năng vận chuyển oxy đến các tế bào. Khi cơ thể thiếu sắt, khả năng vận chuyển oxy giảm sút, ảnh hưởng đến quá trình lành vết thương. Thiếu sắt thường gây ra cảm giác mệt mỏi, ảnh hưởng đến quá trình hồi phục.

Thực phẩm có nguồn gốc động vật có hàm lượng sắt cao nhất như: thịt bò, hàu, thịt gà... Nguồn cung cấp sắt từ thực vật bao gồm: đậu, đậu lăng, đậu phụ, khoai tây, hạt điều, rau lá xanh đậm, ngũ cốc nhiều cám…

Kẽm

Kẽm là một khoáng chất vi lượng thiết yếu đóng vai trò quan trọng trong nhiều quá trình sinh học của cơ thể, đặc biệt là quá trình lành vết thương. Sau phẫu thuật, việc bổ sung đủ kẽm sẽ giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn.

Người bệnh nên lựa chọn các thực phẩm giàu kẽm trong bữa ăn hằng ngày như: Hàu, thịt đỏ, thịt gia cầm, các loại hạt, đậu…

Hẹp bao quy đầu và những chú ý về dinh dưỡng sau phẫu thuật- Ảnh 3.

Thực phẩm giàu kẽm hỗ trợ thúc đẩy quá trình lành vết thương.

3. Một số thực phẩm nên tránh sau phẫu thuật

Sau phẫu thuật người bệnh nên chú ý hạn chế hoặc tránh các thực phẩm gây viêm, khó tiêu hoặc kích ứng đường tiêu hóa. Vì tình trạng kích ứng, khó tiêu, đầy bụng ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng.

Tình trạng táo bón có thể làm tăng áp lực lên vết thương, gây đau và chậm quá trình lành vết thương. Thức ăn không đảm bảo an toàn cũng làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn gây ngộ độc ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và làm chậm quá trình hồi phục của cơ thể.

Một số thực phẩm người bệnh sau phẫu nên tránh bao gồm:

  • Thực phẩm chế biến sẵn
  • Thực phẩm nhiều dầu mỡ
  • Thức ăn nhanh
  • Thực phẩm cay nóng
  • Đồ ăn tái, sống
  • Thức ăn đường phố không an toàn
  • Đồ uống có gas
  • Đồ uống có cồn
  • Caffeine…

Xem thêm:

Thuốc nào dùng trị hẹp bao quy đầu ở trẻ?Thuốc nào dùng trị hẹp bao quy đầu ở trẻ?

SKĐS – Hẹp bao quy đầu ở trẻ em là tình trạng rất phổ biến. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, có thể gây ra nhiều biến chứng sau này.

Bài tập cải thiện tình trạng hẹp bao quy đầuBài tập cải thiện tình trạng hẹp bao quy đầu

SKĐS - Hẹp bao quy đầu có thể gây nhiều phiền toái, thậm chí gây biến chứng nguy hiểm. Một trong những biện pháp cải thiện hiệu quả là thực hiện kéo giãn phần da quy đầu kết hợp các bài tập luyện khác.


Thu Phương
Ý kiến của bạn