Hà Nội

Hẹp bao quy đầu có nguy hiểm?

21-11-2016 11:03 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Vừa rồi con tôi đi khám sức khỏe định kỳ ở lớp, các bác sĩ nói cháu bị hẹp bao quy đầu, cần phải đi khám bác sĩ chuyên khoa.

Vừa rồi con tôi đi khám sức khỏe định kỳ ở lớp, các bác sĩ nói cháu bị hẹp bao quy đầu, cần phải đi khám bác sĩ chuyên khoa. Cháu vẫn ăn ngủ, sinh hoạt bình thường. Xin bác sĩ tư vấn.

Lê Thị Thu (Hà Tĩnh)

Hẹp bao quy đầu là tình trạng lớp da ở phần đầu của dương vật không tụt được xuống để lộ phần quy đầu dương vật. Bình thường, ở trẻ nhỏ “bao da” vẫn bọc ngoài quy đầu mà không cản trở việc đi tiểu nhưng đến 1-2 tuổi quy đầu không lộ ra là hẹp bao quy đầu. Khi trẻ được 3 tuổi, 90% bao quy đầu tuột xuống được. Hẹp bao quy đầu nếu không được can thiệp sớm dễ bị nhiễm trùng quy đầu, bí tiểu, viêm đường tiết niệu. Nếu bao quy đầu căng phồng như bong bóng thì bạn cần tới bác sĩ chuyên khoa xin tư vấn điều trị. Trường hợp con của bạn có thể cháu mới chỉ hẹp nhẹ nên có thể tự nong tại nhà bằng việc bôi kem corticosteroid (0,1% dexamethasone) lên bao quy đầu, 2-3 lần mỗi ngày trong khoảng 4-6 tuần thì 2/3 trường hợp bao quy đầu bong ra, tuột xuống được. Nhiều bậc cha mẹ không để ý xem con mình có bị hẹp bao quy đầu hay không và cũng chưa biết cách vệ sinh cho con vì thế các chất cặn trong nước tiểu tích tụ, dịch nhầy của đường tiết niệu đọng lại ở nếp da quy đầu gây viêm nhiễm ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Vì thế, khi trẻ có dấu hiệu bị hẹp bao quy đầu, nhất thiết các bậc cha mẹ nên đưa trẻ tới bác sĩ chuyên khoa.

ThS. Thanh Lâm


Ý kiến của bạn