Henrietta Lacks và những tế bào sống vĩnh hằng

10-01-2011 14:15 | Thời sự
google news

Cái tên Henrietta Lacks đã trở thành một huyền thoại trong lịch sử y học nhân loại, đồng thời là một hiện tượng li kỳ gắn liền với thành tựu sinh học tế bào mà thế giới từng biết đến.

Mặc dù đã qua đời hơn nửa thế kỷ, song người phụ nữ đặc biệt được xem là người có cống hiến không nhỏ vào thành tựu của y học hiện đại ngày nay - bà Henrietta Lacks cũng không thể ngờ rằng, nhờ những tế bào lấy từ cơ thể bà, hàng triệu bệnh nhân đã được phòng ngừa và chữa trị bệnh ung thư cổ tử cung, thậm chí là cho tới ngày nay. Cái tên Henrietta Lacks đã trở thành một huyền thoại trong lịch sử y học nhân loại, đồng thời là một hiện tượng li kỳ gắn liền với thành tựu sinh học tế bào mà thế giới từng biết đến.

Người phụ nữ đầu tiên cung cấp tế bào sống

Sinh trưởng trong một gia đình nghèo, Henrietta Lacks vốn là một công nhân da màu làm việc trong một xưởng sản xuất thuốc lá tại Mỹ. Tên tuổi của bà gắn liền với cách điều trị đặc biệt kết hợp giữa sinh học và y học (biomedical thriller).

Thời trẻ, Henrietta lập gia đình vào năm 1941 với một người Mỹ gốc Phi và hạ sinh được 4 người con. Sau khi sinh người con út vào năm 1950, Henrietta được các bác sĩ tại Bệnh viện Johns Hopkins chẩn đoán mắc bệnh ung thư cổ tử cung và một khối u ác tính đang dần phình to lên trong cơ thể cô. Các bác sĩ điều trị khi đó đã không còn cách lựa chọn nào khác là buộc phải tiến hành phẫu thuật loại bỏ khối u cho Henrietta. Tuy nhiên, sau ca phẫu thuật, họ đã lặng lẽ lưu giữ lại khối u này trong một phòng thí nghiệm. Điều này chính bản thân người bệnh cũng không được biết cho tới khi qua đời. Trong những lần thăm bệnh, BS. George Otto Gey chỉ nói sơ qua cho Henrietta biết họ đã giữ lại một phần khối u của cô làm mẫu nghiên cứu. Henrietta Lacks sau đó tiếp tục được các bác sĩ tiến hành xạ trị bằng hoá chất để chữa trị ung thư, song tình trạng sức khoẻ của cô đã suy kiệt và tình trạng bệnh đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Các bác sĩ tại Bệnh viện Hopkins đã thử dụng thuốc kháng sinh để điều trị với hy vọng cứu vãn được tình thế. Tuy nhiên, không lâu sau đó, vào tháng 10/1951, Henrietta Lacks đã qua đời. Thi thể bà đã được an táng tại khu mộ của gia đình, song không một ai trong gia đình bà biết rằng: Một phần khối u mà các bác sĩ đã phẫu thuật cho Lacks vẫn còn được lưu giữ phục vụ nghiên cứu về căn bệnh ung thư. Cho tới năm 1970, khi những người thân trong gia đình bà được các nhà nghiên cứu mời đến lấy mẫu xét nghiệm máu để kiểm tra về gen của gia đình, điều bí mật này mới được các bác sĩ hé mở.

Bà Henrietta Lacks.

Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử y học thế giới, các bác sĩ từng tiến hành một ca tách lấy các tế bào ung thư từ cơ thể của người bệnh để dùng vào việc nghiên cứu căn bệnh nan y này. Và cũng là lần đầu tiên trên thế giới, các tế bào sống lấy từ cơ thể một người chết tiếp tục được nuôi sống bên ngoài cơ thể. Các nhà khoa học đã tiến hành nuôi cấy các tế bào này và sử dụng chúng để điều chế vaccin polio chống lại bệnh ung thư do vi rút HPV gây ra đối với cổ tử cung.

Những tế bào vĩnh hằng và thành tựu y học

Kể từ sau sự kiện nuôi cấy các tế bào ung thư của người đã mất trong phòng thí nghiệm, rất nhiều tế bào đã được nuôi cấy thành công từ những tế bào ban đầu lấy từ cơ thể của Henrietta kể từ lúc bà qua đời. Những tế bào này được gọi tên là tế bào Hela cell. Cho tới nay, từ những mẫu tế bào ung thư đó, các nhà khoa học đã tiến hành trên dưới 10 nghiên cứu khoa học liên quan đến bệnh ung thư, với hơn 60.000 tài liệu khoa học có liên quan.

Các tế bào Hela được nghiên cứu thành vaccin phòng bệnh .

Năm 1954, các tế bào Hela được nhà khoa học Jonas Salk nghiên cứu và phát triển thành vaccin phòng bệnh nhiễm khuẩn do virut gây ra. Không lâu sau đó, các tế bào Hela được gửi tới các nhà khoa học trên khắp thế giới để phục vụ việc nghiên cứu nhiều căn bệnh nan y khác ngoài ung thư như AIDS, các bệnh do ảnh hưởng của chất phóng xạ, chất độc và biến đổi gen. Tế bào Hela cũng được sử dụng trong nhiều cuộc thử nghiệm liên quan đến mỹ phẩm và các sản phẩm khác.

Năm 1973, trường hợp của Henrietta Lacks được xác nhận là người đã cung cấp nguồn các tế bào ung thư đầu tiên trên thế giới. Các tế bào ung thư lấy từ cơ thể Henrietta Lacks đã được nuôi cấy và phục vụ cho nghiên cứu cũng như cho việc điều chế thuốc chữa bệnh mang lại doanh thu không nhỏ. Với mỗi lọ vaccin phòng ung thư cổ tử cung được nghiên cứu và sản xuất từ các tế bào ung thư của Henrietta Lacks có giá trị vào khoảng 167USD, các tế bào Hela cell lines không chỉ mang lại ý nghĩa về mặt y học, mà còn mang lại nguồn thu lớn cho các nhà sản xuất vaccin phòng ngừa ung thư cổ tử cung. Ngày nay, những tế bào mang tên gọi “Hela cell line” vẫn tiếp tục đi tới khắp các nơi trên thế giới và tạo nên một cuộc cách mạng trong lĩnh vực sinh học tế bào.

Năm 1996, tại Atlanta - Mỹ, cái tên Henrietta Lacks đã được nhắc đến như một con người đã mang lại cống hiến đặc biệt đối với lĩnh vực y học.

            Ngọc Minh
(Theo ABC News)

Ý kiến của bạn