Hen trẻ em và những điều cha mẹ cần phải biết: Dấu hiệu thường gặp của bệnh hen

30-08-2022 06:38 | Bệnh trẻ em

SKĐS – Biết được những triệu chứng hay gặp ở trẻ bị hen và khi cơn hen trở nên nguy kịch sẽ giúp các bậc cha mẹ đưa con mình đi cấp cứu kịp thời.

Hen trẻ em và những điều cha mẹ cần phải biết: (1) Những yếu tố gây khởi phát cơn henHen trẻ em và những điều cha mẹ cần phải biết: (1) Những yếu tố gây khởi phát cơn hen

SKĐS – Bệnh hen xảy ra quanh năm nhưng thời điểm giao mùa dễ khiến cơn hen khởi phát hơn. Nếu con bạn bị bệnh hen, những kiến thức dưới đây rất cần cho bạn để kiểm soát cơn hen hiệu quả, tránh cho trẻ rơi vào tình trạng nguy kịch.

1. Những triệu chứng nào hay gặp ở bệnh hen?

Bốn dấu hiệu thường gặp của bệnh hen gồm:

  • Ho khan, kết thúc ho có khạc đờm trắng, dính
  • Khò khè (thở rít, cò cử)
  • Khó thở (thở ngắn, khó thở ra)
  • Nặng ngực (tức ngực)

Trong đó, ho là triệu chứng thường gặp nhất ở trẻ em bị hen. Ho có thể xuất hiện trước hoặc có thể là triệu chứng duy nhất của hen.

Bốn đặc điểm của bệnh hen:

  • Tái đi, tái lại nhiều lần
  • Thường xảy ra về đêm và sáng
  • Liên quan đến thay đổi thời tiết
  • Bệnh xuất hiện hoặc tăng lên khi tiếp xúc với các yếu tố khởi phát.
photo-1661680911984

Khi bị hen, trẻ thường có những cơn khó thở. Ảnh minh họa

2. Cơn khó thở của hen có mấy mức độ?

Cơn khó thở của hen có 4 mức độ từ nhẹ đến nguy kịch.

- Khó thở nhẹ: Ảnh hưởng ít đến sinh hoạt; khó thở ra, có tiếng rít, nhịp thở và nhịp tim hơi nhanh.

- Khó thở vừa: Ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, phải ngồi để thở, tiếng thở rít to, co rút hõm ức và xương sườn; chỉ nói được câu ngắn, bứt dứt, khó chịu, nhịp thở và nhịp tim khá nhanh.

- Khó thở nặng: Khó thở ảnh hưởng tới mọi sinh hoạt, trẻ bỏ bú, trẻ phải ngồi gục về phía trước, thở rít to, co rút hõm ức và xương sườn; chỉ nói được từng từ; trạng thái vật vã, hoảng hốt; nhịp thở và nhịp tim rất nhanh; đuối sức, khát, nôn ói (đặc biệt ở trẻ nhỏ).

3. Dấu hiệu của cơn hen nguy kịch

Không chỉ ở trẻ mà ngay cả người lớn, khi lên cơn hen nguy kịch thường có những dấu hiệu sau:

  • Da tím tái, không nói được
  • Thở ngáp, tiếng rít yếu hoặc không nghe thấy
  • Trạng thái lơ mơ hay lú lẫn
  • Nhịp thở chậm khác thường, chậm nhịp tim

Khi khó thở ở mức độ nặng và nguy kịch thì gia đình cần phải đưa người bệnh hen đi viện cấp cứu ngay lập tức để được các cơ sở y tế điều trị kịp thời.

photo-1661680914677

Khi khó thở ở mức độ nặng và nguy kịch thì gia đình phải đưa trẻ đi viện cấp cứu ngay lập tức. Ảnh minh họa

4. Nguyên nhân nào gây khó thở, tái phát ở trẻ bú mẹ?

Nguyên nhân chính gây khó thở tái phát ở trẻ bú mẹ là bệnh hen và nhiễm virus đường hô hấp.

Một số nguyên nhân ít gặp khác như:

  • Hội chứng trào ngược dạ dày thực quản
  • Đẻ non, nhất là phải thông khí nhân tạo
  • Bệnh xơ hóa kén
  • Mẹ hút thuốc lá trong thời kỳ mang thai
  • Hít phải dị vật
  • Dị vật phổi, tim và thành ngực bẩm sinh…
5. Tại sao một số bệnh nhân hen phải thử test lẩy da?

Test lẩy da là xét nghiệm đặc hiệu để phát hiện dị nguyên nghi ngờ là nguyên nhân gây bệnh hen dị ứng. Test lẩy da dương tính có giá trị giúp trẻ bệnh hen tránh tiếp xúc với dị nguyên gây hen, đồng thời nếu người bệnh không còn lựa chọn nào khác, vẫn phải sống chung trong môi trường có dị nguyên gây hen sẽ được giảm mẫn cảm đặc hiệu với chính dị nguyên đó để giải quyết bệnh hen tận gốc.

Trong trường hợp test lẩy da âm tính thì gia đình bệnh nhi không phải từ bỏ những vật nuôi thân quen như: chó, mèo, chim, vẹt… khi chúng không phải là những dị nguyên gây nên bệnh hen. Tuy nhiên test lẩy da chỉ áp dụng trong những trường hợp nhất định. Test lẩy da dương tính sẽ có giá trị cao khi bác sỹ kết hợp với khai thác tiền sử dị ứng.

Mời bạn xem video đang được quan tâm:

Những người nào nên hạn chế ăn dưa chuột?

PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn
Nguyên Giám đốc TT Dị ứng- miễn dịch lâm sàng BV Bạch Mai
Ý kiến của bạn