Hen trẻ em và những điều cha mẹ cần biết: Nếu mắc thêm các bệnh này, hen ở trẻ trầm sẽ trọng hơn

31-08-2022 13:31 | Bệnh trẻ em

SKĐS - Có một số loại bệnh hay gặp ở trẻ em có liên quan mật thiết đến bệnh hen, khiến cho bệnh hen ở trẻ ngày càng trầm trọng hơn nếu mắc cùng lúc hai bệnh.

1. Các bệnh lý Tai – Mũi - Họng liên quan đến bệnh hen

Các bệnh lý Tai – Mũi - Họng có liên quan khá mật thiết đến bệnh hen.

-Viêm mũi dị ứng: Khoảng 30% bệnh nhân viêm mũi dị ứng sẽ phát triển thành bệnh hen và khoảng 70 – 80% bệnh nhân hen có những triệu chứng viêm mũi dị ứng.

Nguyên nhân thường gặp nhất ảnh hưởng tới kiểm soát hen ở bệnh nhân hen nặng là viêm mũi dị ứng do viêm mũi kích thích đường hô hấp trên, tăng tiết đờm làm tăng kích thích đường hô hấp dưới và do vậy làm tăng nhạy cảm phế quản, làm nặng thêm tình trạng hen. Nếu kiểm soát viêm mũi dị ứng tốt sẽ giúp điều trị hen hiệu quả hơn.

-Viêm xoang, polyp mũi: Viêm xoang, polyp mũi cũng thường được tìm thấy ở những bệnh nhân dị ứng theo mùa, hen. Điều trị tốt viêm xoang, polyp mũi sẽ giúp kiểm soát hen tốt và hiệu quả hơn. Cần lưu ý đến hội chứng hen- viêm mũi dị ứng – polyp mũi do aspirin.

-Viêm tai: Bệnh lý viêm tai cũng liên quan tới hen. Kiểm soát tốt viêm tai cũng sẽ cải thiện tốt triệu chứng hen.

photo-1661882724298

Các bệnh lý Tai – Mũi - Họng có liên quan khá mật thiết đến bệnh hen. Ảnh minh họa

2. Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản 

Dịch dạ dày chứa men tiêu hóa và acid làm nhiệm vụ tiêu hóa thức ăn nhưng do viêm, loét và một số bất thường khác tại dạ dày hay các yếu tố liên quan làm dịch dạ dày không ở lại dạ dày như bình thường mà trào ngược lên thực quản gây viêm thực quản, họng, phế quản...

Bệnh hen và bệnh trào ngược dạ dày- thực quản thường xuất hiện cùng nhau làm cho hai bệnh cùng nặng thêm. Kiểm soát tốt bệnh này sẽ giúp cho việc kiểm soát bệnh kia, chữa khỏi bệnh trào ngược dạ dày - thực quản sẽ giúp điều trị bệnh hen dễ hơn, hiệu quả hơn.

3. Các bệnh tâm lý hoặc tâm thần 

Bệnh hen khi có thêm các bệnh tâm lý hoặc tâm thần thường không tuân thủ điều trị hoặc khi sử dụng thuốc an thần nặng sẽ làm cho bệnh hen nặng hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn. Tỷ lệ chết của bệnh nhân hen tăng khi bị áp lực, buồn chán kéo dài, tâm thần phân liệt...

Chính bệnh hen cũng làm cho bệnh nhân buồn chán, bi quan và trầm cảm. Vì vậy, giáo dục bệnh hen đầy đủ, tâm lý liệu pháp chu đáo, điều trị rối loạn tâm thần thực thể tốt sẽ làm cho kiểm soát hen hiệu quả hơn.

4. Trẻ đẻ non, trẻ béo phì có nguy cơ mắc hen cao hơn

Hầu hết những đứa trẻ đẻ non có nguy cơ cao mắc các triệu chứng đường hô hấp tái diễn nhất là hen. Những triệu chứng này có xu hướng tiếp diễn có khi đến 15 tuổi.

Khoảng 50% trẻ đẻ non có triệu chứng của bệnh phổi mạn tính thứ phát trong đó có hen.

Trẻ béo phì bị bệnh hen sẽ khiến phổi kém phát triển nên nhỏ hơn phổi của trẻ em bình thường do đó chức năng hô hấp cũng kém hơn. Trẻ béo phì còn làm tăng sự xuất hiện các tế bào và các chất gây dị ứng có nguồn gốc từ mô mỡ, góp phần vào việc tăng phản ứng viêm gây chít hẹp đường thở.

photo-1661882729481

Vaccine phòng cúm và vaccine phòng phế cầu nên được tiêm đồng thời ở trẻ mắc bệnh hen. Ảnh minh họa

5. Những loại vaccine được khuyến cáo tiêm cho trẻ bệnh hen

-Vaccine cúm: 

Đây là loại vaccine được khuyến cáo tiêm hàng năm vào mùa thu, cho tất cả các bệnh nhân hen nặng, bệnh nhân hen tuổi trên 60, bệnh nhân hen có kèm các bệnh mạn tính khác, như: đái tháo đường, bệnh tim, bệnh thận.

Do dịch cúm có thể gây tăng triệu chứng hô hấp và tăng tỷ lệ tử vong. Vaccine cúm nên được tiêm mỗi năm dựa theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về chủng cúm gây bệnh.

Chống chỉ định là những trường hợp có tiền sử với bất kỳ thành phần nào của vaccine như: kháng sinh, trứng...

-Vaccine phòng phế cầu: 

Vaccine phòng phế cầu cũng được khuyến cáo tiêm phòng như vaccine cúm ở bệnh nhân hen. Vaccine phế cầu hầu như không có tác dụng phụ.

Liều đơn vaccine có khả năng tạo miễn dịch kéo dài. Vaccine phòng cúm và vaccine phòng phế cầu nên được tiêm đồng thời.

Mời bạn đọc xem thêm video 

Rau ngót rất tốt nhưng nên ăn thế nào để tốt cho sức khoẻ?

PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn
Nguyên Giám đốc TT Dị ứng- Miễn dịch lâm sàng BV Bạch Mai
Ý kiến của bạn