Hà Nội

Hen phế quản ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

20-02-2022 07:20 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Hen phế quản ở trẻ em nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây các biến chứng nguy hiểm...

Lưu ý khi dùng thuốc trị hen phế quảnLưu ý khi dùng thuốc trị hen phế quản

SKĐS - Hen phế quản nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Việc hiểu về căn bệnh này và cách dùng thuốc sẽ giúp người bệnh hen phế quản có cuộc sống tương đối bình thường.

1. Vì sao trẻ bị hen phế quản?

Hen phế quản (hen suyễn) ở trẻ em là bệnh hô hấp mạn tính, gây tác động đến đường dẫn khí của phổi. Điều đó gây sưng và hẹp đường dẫn khí, đồng thời tạo ra chất nhầy dư thừa khiến trẻ khó thở, ho khò khè.

Nguyên nhân gây bệnh thường là do di truyền, cơ địa dị ứng hoặc do các yếu tố kích hoạt từ môi trường (phấn hoa, bị cảm lạnh, nhiễm trùng đường hô hấp…).

Hen phế quản khiến trẻ em khó chịu, ảnh hưởng đến vui chơi, học tập và nghỉ ngơi. Nếu không được kiểm soát, hen phế quản có thể gây nguy hiểm cho trẻ.

2. Triệu chứng thường gặp khi trẻ mắc hen phế quản

Trẻ mắc hen phế quản thường gặp các triệu chứng:

  • Trẻ ho nhiều, đặc biệt là khi ngủ hoặc khi trời lạnh.
  • Trẻ thở rít, khò khè.
  • Trẻ khó thở, tức ngực.

Tuy nhiên, tùy từng trẻ mà có các dấu hiệu khác nhau. Bệnh có thể trở nên tồi tệ hơn hoặc tiến triển tốt lên theo thời gian.

photo-1645260410538

Nếu không được kiểm soát, hen phế quản có thể gây nguy hiểm cho trẻ.

3. Các phương pháp điều trị hen phế quản

Mục tiêu của điều trị hen phế quản ở trẻ là kiểm soát các triệu chứng. Bao gồm điều trị dự phòng cơn hen phế quản cấp và cắt cơn hen phế quản.

3.1. Thuốc dự phòng hen phế quản

Điều trị hen phế quản ở trẻ chú trọng thuốc phòng ngừa, kiểm soát lâu dài làm giảm triệu chứng viêm trong đường thở của trẻ. Thông thường các thuốc này được dùng hàng ngày.

3.1.1. Sử dụng corticosteroid dạng hít

Corticoid dạng hít giúp giảm rõ rệt các triệu chứng hen phế quản, giảm số đợt hen phê quản cấp, nhu cầu sử dụng thuốc cắt cơn hen và giúp cải thiện chức năng phổi.

Corticoid dạng hít khá an toàn với trẻ em ở liều điều trị thông thường. Tuy nhiên, dù rất ít trường hợp, nhưng nếu sử dụng corticoid hít liều cao và kéo dài có thể ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao, mật độ xương và chức năng tuyến thượng thận của trẻ.

Do đó, sử dụng thuốc corticoid dạng hít điều trị hen phế quản ở trẻ cần tuân thủ đúng chỉ định, hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ chuyên khoa.

Một số thuốc thuộc nhóm corticoid dạng hít được dùng trong điều trị dự phòng hen phế quản ở trẻ: Fluticasone, budesonide, mometasone, ciclesonide, beclomethasone…

photo-1645260413640

Mục tiêu của điều trị hen phế quản ở trẻ là kiểm soát các triệu chứng.

3.1.2. Thuốc điều chỉnh leukotriene

Có thể sử dụng các loại thuốc này để tránh phải dùng corticoid. Thuốc được chỉ định dùng điều trị dự phòng các trường hợp hen nhẹ hoặc phối hợp với corticoid hít trong những trường hợp hen không kiểm soát được bằng corticoid hít đơn thuần ở trẻ em từ 6 tháng đến 2 tuổi trở lên, đặc biệt các trường hợp hen có kết hợp với viêm mũi dị ứng. 

Thuốc có độ an toàn khá cao, dùng đường uống nên dễ sử dụng và có hàm lượng khá linh hoạt, phù hợp với các nhóm tuổi khác nhau.

Các thuốc bao gồm: Montelukast, zafirlukast và zileuton.

3.1.3. Thuốc cường bêta tác dụng dụng kéo dài

Các thuốc này được dùng trong điều trị dự phòng hen phế quản ở trẻ. Hai loại thuốc formoterol và salmeterol được sử dụng nhiều.

Nếu không kiểm soát hen phế quản ở trẻ được bằng corticoid hít đơn thuần, có thể phối hợp với các thuốc cường bêta 2 kéo dài. Các thuốc kết hợp bao gồm: Fluticasone và salmeterol, budesonide và formoterol, fluticasone và vilanterol, mometasone và formoterol... 

Ngoài ra, có thể dùng theophylin hoặc thuốc điều hòa miễn dịch. Tuy nhiên, tùy theo từng trường hợp bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định dùng loại thuốc nào cho phù hợp.

3.2. Thuốc cắt cơn hen phế quản

Các thuốc cắt cơn hen phế quản thường là thuốc chủ vận beta 2 tác dụng ngắn. Thuốc giúp giảm nhanh chóng các triệu chứng của cơn hen phế quản bằng cách làm thư giãn các cơ vòng xung quanh đường thở và cải thiện luồng khí lưu thông, từ đó, giảm các triệu chứng khó thở, khò khè. 

Thuốc có tác dụng nhanh chỉ trong vòng vài phút và tác dụng kéo dài trong vài giờ. Thuốc nhóm này thường là salbutamol, levalbuterol.

Ngoài ra, thuốc corticosteroid cũng có thể được dùng nhằm làm giảm viêm đường thở do cơn hen phế quản nặng. Các thuốc bao gồm prednisone và methylprednisolone. 

Lưu ý, nếu sử dụng lâu dài, thuốc có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọn. Do đó, chỉ dùng thuốc để điều trị các triệu chứng bệnh nặng trong thời gian ngắn và dùng theo đúng chỉ định của bác sĩ.

4. Lưu ý khi dùng thuốc

Để dùng thuốc điều trị hen phế quản ở trẻ an toàn, hiệu quả cần:

  • Thực hiện đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
  • Tránh tự ý tăng liều.
  • Tránh tự ý ngừng dùng thuốc khi trẻ đã hết các cơn khó thở, tức ngực.
  • Không tự ý cho trẻ dùng kháng sinh khi không có chỉ định.
  • Nên dùng thuốc trước khi đi ngủ để tránh gặp cơn hen phế quản cấp khi ngủ.
  • Sử dụng thuốc dạng hít đúng hướng dẫn của nhân viên y tế để đảm bảo thuốc được hấp thụ đầy đủ.
  • Cho trẻ súc miệng sau khi dùng thuốc dạng hít.

5. Phòng tránh các đợt hen phế quản cấp thế nào?

Có thể chủ động phòng tránh các đợt hen phế quản bằng cách:

  • Dùng thuốc dự phòng hen phế quản đúng chỉ định.
  • Vệ sinh môi trường ở sạch sẽ, gọn gàng thông gió tốt.
  • Tránh cho trẻ gặp các dị nguyên: lông chó mèo, khói thuốc lá, khói bụi, phấn hoa…
  • Hạn chế cho trẻ ăn thức ăn dễ gây dị ứng
  • Tránh để trẻ bị nhiễm lạnh…
Corticoid dạng hít khá an toàn với trẻ em ở liều điều trị thông thường. Tuy nhiên, dù rất ít trường hợp, nhưng nếu sử dụng corticoid hít liều cao và kéo dài có thể ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao, mật độ xương và chức năng tuyến thượng thận của trẻ. Cha mẹ cần tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Lớp học xuất hiện F0: Trường học an toàn không phải là “Zero COVID".

DS. Ngân Thảo
Ý kiến của bạn