Hà Nội

Hen phế quản dễ tái phát khi trời lạnh

21-11-2019 19:52 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Hen phế quả là bệnh rất hay gặp ở trẻ em, đây là một bệnh viêm mạn tính đường thở do nhiều tế bào và các thành phần tế bào tham gia. Một điều dễ nhận thấy là mỗi khi thời tiết thay đổi từ nắng ấm sang lạnh, gió mùa đông bắc, áp thấp nhiệt đới, ẩm ướt, trẻ cảm lạnh do mặc không đủ ấm, tắm khi có gió lùa... thì ở các trẻ có tiền sử hen phế quản rất dễ tái phát.

Yếu tố làm khởi phát cơn hen

Người ta còn nhận thấy viêm đường hô hấp do vi sinh vật (như viêm mũi họng, VA, viêm phế quản, tiểu phế quản), một số thức ăn (như tôm cua, ốc...), lông của một số động vật nuôi trong nhà (như chó, mèo...) làm cho trẻ có tiền sử bị hen phế quản tái phát.

Một số côn trùng, tiết túc, đặc biệt là mạt gà, một số dược phẩm hoặc đôi khi gắng sức (khóc, chạy nhảy nhiều, đùa nghịch quá mức...) cũng là một trong các nguy cơ cao làm cho trẻ có tiền sử bị hen phế quản tái phát.

Ô nhiễm môi trường sống, khói, bụi bẩn cũng là một trong những vấn đề cần quan tâm. Khói thuốc lá, thuốc lào do người lớn phả ra một cách thường xuyên, khói bếp do đun rơm rạ, củi, rác, nhất là khói và khí của bếp than đá (than tổ ong); bụi nhiều nhất là các vùng đô thị mà điều kiện vệ sinh môi trường, vệ sinh hoàn cảnh, vệ sinh công nghiệp chưa tốt là những yếu tố nguy cơ cao làm cho trẻ xuất hiện cơn hen phế quản.

Ngoài ra, yếu tố di truyền cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh hen phế quản ở trẻ em. Nếu bố hoặc mẹ bị bệnh thì con của họ sinh ra có nguy cơ mắc hen là 30-50%. Nếu cả hai vợ chồng có bệnh hen thì tỷ lệ này ở con là 50-70%. Nếu bố mẹ không có ai bị hen, khả năng này ở con là 10-15%.

Tóm lại, yếu tố làm khởi phát cơn hen bao gồm: Cảm cúm/nhiễm trùng đường hô hấp; Gắng sức (tập thể dục, nô đùa, khóc, xúc cảm quá mức); Khói thuốc lá, khói than; Mạt bụi nhà; Phấn hoa; Nấm mốc; Vảy, da, lông thú vật; Chất phụ gia trong thực phẩm và các chất bảo quản thực phẩm; Một số loại dược, mỹ phẩm.

Khi thời tiết thay đổi, bệnh hen phế quản rất dễ tái phát.

Khi thời tiết thay đổi, bệnh hen phế quản rất dễ tái phát.

Cần phát hiện sớm

Đối với cơn hen phế quản nhẹ, thường xuất hiện khi gắng sức (khóc, chạy nhảy quá mức...), biểu hiện là cơn ho như: ho gà, nói được câu dài không bị ngắt quãng. Nghe phổi thấy có tiếng ran rít vào cuối thì thở ra.

Đối với hen phế quản vừa thì cơn ho xuất hiện khi trẻ gắng sức, tiếng nói ngắt quãng, bắt đầu thấy dấu hiệu co kéo lồng ngực, hõm ức, hố thượng đòn. Nghe thấy ran rít khi thở ra.

Đối với hen phế quản nặng thì khó thở, ho khi nghỉ ngơi, cánh mũi phập phồng; trẻ nhỏ không thể bú được; hiện tượng co kéo lồng ngực, mũi ức, hố thượng đòn rất rõ; nhìn môi của trẻ thấy tím tái. Nói hoặc khóc rất khó khăn (chỉ từng từ một). Nghe phổi có ran rít to cả khi trẻ thở ra và hít vào.

Đối với cơn hen phế quản rất nặng (ác tính) thì trẻ khó thở dữ dội, không thể khóc hoặc nói và lúc này nghe phổi không còn thấy ran. Cơn hen xảy ra liên tiếp trong nhiều ngày nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời.

Trong hen phế quản, nếu có kèm theo sốt thì rất có khả năng trẻ bị viêm đường hô hấp (có thể là hô hấp trên hoặc hô hấp dưới) do vi sinh vật (vi khuẩn, vi nấm hoặc virut).

Phương pháp phòng bệnh

Để phòng bệnh, cần mặc ấm cho trẻ về mùa lạnh, nhất là khi đi ra khỏi nhà. Chỉ nên tắm cho trẻ khi không có cơn hen (trẻ vẫn ăn, chơi bình thường). Tắm ở buồng không có gió lùa, tắm nước ấm, cần tắm nhanh, tắm xong phải lau khô người cho trẻ ngay, lau bằng khăn khô và mặc ngay quần áo cho trẻ. Mùa lạnh, mỗi lần chuẩn bị tắm, rửa cho trẻ nên chuẩn bị một số phương tiện như: quần áo sạch, lò sưởi, điều hòa nóng (nếu có điều kiện) để sau khi tắm, rửa xong là trẻ được tiếp xúc ngay với khí ấm, hạn chế lạnh đột ngột làm cho trẻ dễ bị cảm lạnh và nguy cơ xuất hiện cơn hen phế quản trên trẻ có sẵn tiền sử bị hen.

Đối với trẻ có tiền sử hen phế quản thì không cho trẻ ăn, uống các loại thức ăn có nguy cơ cao xuất hiện cơn hen như: tôm, cua, ốc. Bố, mẹ và người lớn không nên hút thuốc trong nhà. Nếu chưa có điều kiện dùng bếp điện, bếp gas thì nên cải tiến bếp đun củi, rơm, rạ bằng loại bếp ít khói. Không nên nuôi chó, mèo trong nhà. Cần đề phòng có mạt gà chui trong chăn, gối, đệm bằng cách phơi nắng chăn, gối, đệm mỗi khi có điều kiện. Trong phòng ngủ của trẻ, không nên quét nhà bằng chổi mà nên lau bụi bằng khăn ướt, hút bụi bằng máy (nếu có thể).

Ngoài ra, cần ăn nhiều thức ăn có chứa vitamin C, magnesium và những acid béo omega-3. Người ta nhận thấy việc thiếu vitamin C phối hợp với điều kiện không khí ô nhiễm làm gia tăng những trường hợp bệnh suyễn, đặc biệt là đối với trẻ em.

Trẻ đã từng bị hen phế quản, đã được bác sĩ tư vấn và điều trị cần nghe theo chỉ dẫn của thầy thuốc, đặc biệt cần điều trị phòng hen theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Bởi vì khi trẻ bị hen phế quản, ngoài việc điều trị cắt cơn hen còn có điều trị dự phòng. Mặt khác, điều trị bệnh hen phế quản trẻ em không giống như người lớn về thuốc, liều lượng, cách dùng...


BS. Nguyễn Văn Dũng
Ý kiến của bạn