Hà Nội

Hen phế quản: Chủ động kiểm soát bệnh của mình

30-05-2011 10:50 | Tin nóng y tế
google news

Bệnh hen hiện đang gia tăng mạnh trên toàn cầu, đặc biệt là các nước Ðông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Ðối tượng mắc nhiều nhất là trẻ em. 85% các trường hợp tử vong vì bệnh hen có thể phòng tránh được, tuy nhiên cho đến nay, chỉ mới có 5% bệnh nhân hen được kiểm soát căn bệnh này.

Bệnh hen hiện đang gia tăng mạnh trên toàn cầu, đặc biệt là các nước Ðông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Ðối tượng mắc nhiều nhất là trẻ em. 85% các trường hợp tử vong vì bệnh hen có thể phòng tránh được, tuy nhiên cho đến nay, chỉ mới có 5% bệnh nhân hen được kiểm soát căn bệnh này. Ða số bệnh nhân thiếu kiến thức về bệnh hen, không có điều trị dự phòng lâu dài. Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị khoa học hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bệnh hen được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 10/5 vừa qua.

Gia tăng bệnh nhân hen nặng

Tại nước ta hiện có 3,6 triệu người mắc hen, trong đó có đến 62% người bị hen không được dự phòng dài hạn, mỗi năm tử vong từ 3.000-4.000 người và chi phí cho điều trị hen lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng, chưa kể những chi phí gián tiếp. Điều đáng lưu ý là 85% số ca tử vong do hen có thể tránh được nếu bệnh nhân được kiểm soát điều trị tốt, đồng thời cũng có thể giảm được rất nhiều chi phí từ điều trị bệnh này.

Thống kê của các cơ sở y tế cho thấy, số lượng bệnh nhân hen nhập viện ngày càng gia tăng. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương năm 2010, trong số 271.000 lượt bệnh nhi đến khám bệnh về hô hấp có 12.850 bệnh nhi mắc hen phế quản,  trong đó có hơn 10%  bệnh nhân phải điều trị  tích cực vì cơn hen phế quản nặng.

PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Trung tâm Dị ứng và miễn dịch lâm sàng -  Bệnh viện Bạch Mai cho biết, số bệnh nhân hen nhập viện tăng mạnh trong những ngày gần đây là do thời tiết nắng nóng khó chịu, cộng với môi trường không khí đầy khói bụi, phấn hoa và các tác nhân gây bệnh khác, kích thích cơn hen tái phát. Không chỉ người lớn mà số bệnh nhi mắc hen cũng có xu hướng gia tăng, trong đó có nhiều trẻ được phát hiện muộn và nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Trước kia, đa phần người bệnh hen thường có suy nghĩ, nguyên nhân gây cơn hen thường là do “thay đổi thời tiết”, nhất là vào các thời điểm giao mùa, mùa đông,… mà không biết đến các yếu tố khác như môi trường ô nhiễm (khói bụi), hóa chất, phấn hoa, thức ăn… và việc điều trị không dứt điểm, không tuân thủ đúng phác đồ điều trị khiến bệnh ngày càng nặng.

 Chăm sóc bệnh nhân hen phế quản tại Trung tâm phòng chống lao và bệnh phổi Tây Ninh.  Ảnh: Kỷ Sửu

Điều trị dự phòng là chủ yếu

Tổ chức Dị ứng thế giới kiến nghị, hen là bệnh nguy hiểm phải điều trị lâu dài, trong đó biện pháp điều trị dự phòng bằng corticoid khí dung là chủ yếu. Đối với tất cả các trường hợp hen chưa được kiểm soát thì cần có sự phối hợp giữa một thuốc kháng viêm và một thuốc giãn phế quản kéo dài, phác đồ này phù hợp với cơ chế bệnh sinh trong hen là viêm và co thắt phế quản. Nếu áp dụng tốt theo hướng dẫn thì mỗi bệnh nhân hoàn toàn có thể kiểm soát được bệnh hen của mình.

Để kiểm soát tốt bệnh hen phế quản, trước tiên người bệnh cần tránh và hạn chế tiếp xúc với các yếu tố gây kích phát cơn hen như: dị nguyên (lông, chất thải của các vật nuôi, gián và nấm mốc, phấn hoa, khói bụi), hóa chất và một số thuốc;  bỏ hút thuốc, tránh khói thuốc, giảm hoặc tránh ô nhiễm nghề nghiệp, tránh dùng các thức ăn hoặc thuốc gây dị ứng; phòng tránh và điều trị triệt để các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp…

 Cần tránh yếu tố dị nguyên gây kích phát cơn hen.

Nâng cao nhận thức cho cộng đồng

Hen phế quản là bệnh mạn tính thường gặp nhất. Tỷ lệ lưu hành ngày càng gia tăng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người bệnh và là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Hen là nguyên nhân chủ yếu khiến người bệnh phải đến khám và điều trị nhiều lần ở các cơ sở y tế. Trong khi đó nếu hiểu biết và thực hiện theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, người bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát được bệnh của mình. Tuy nhiên theo thống kê hiện nay, riêng tại Hà Nội, tỷ lệ này là 6%, thế nhưng có tới 78% người dân khi được hỏi lại không hề biết hen có thể kiểm soát được. Đáng nói hơn, có 55% thầy thuốc, bác sĩ, nhất là ở tuyến cơ sở cũng thiếu kiến thức về căn bệnh này, không biết hen được quản lý, theo dõi thế nào… dẫn đến chẩn đoán nhầm hoặc bỏ sót bệnh. Nhiều thầy thuốc và bệnh nhân chỉ chú trọng điều trị cơn hen (khi tái phát hoặc khởi phát) chứ chưa chú ý tới điều trị và kiểm soát bệnh hen.

Vì vậy việc kiểm soát hen cần phải đưa ra cộng đồng, phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhận thức về bệnh hen cho người bệnh cũng như người thân trong gia đình có người bị bệnh hen, nâng cao kiến thức về điều trị bệnh hen cho các thầy thuốc, điều dưỡng tại các cơ sở y tế, nhất là y tế cơ sở tuyến tỉnh, huyện, xã…

Từ năm 2004, Bộ Y tế đã triển khai Dự án phòng chống hen phế quản nhằm tăng cường năng lực, đào tạo cán bộ và xây dựng phòng tư vấn hen phế quản tại các bệnh biện đa khoa của một số tỉnh thuộc 3 miền Bắc, Trung, Nam. Trong 6 năm (2004-2010), Dự án phòng chống hen phế quản đã xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu và chuyển giao kỹ thuật xây dựng Phòng tư vấn hen tại các bệnh viện đa khoa 20 tỉnh trên toàn quốc; tổ chức được 40 khóa tập huấn về kiến thức điều trị và phòng chống hen, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hen phế quản cho 4.000 nhân viên y tế tuyến tỉnh, huyện và xã. Hiện nay đã có 20 bệnh viện đa khoa tỉnh thành lập và đưa vào hoạt động các phòng tư vấn hen phế quản: Hà Nội và Hà Tây cũ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hòa Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, Khánh Hòa, Bình Dương, Tiền Giang, Gia Lai.

Tại BVĐK Bắc Ninh, năm 2005 có 96% bệnh nhân không biết dự phòng hen phế quản là gì, 4% còn lại biết nhưng không đầy đủ. Đáng lưu ý là có 50% cán bộ y tế không biết bệnh hen có thể điều trị dự phòng được. Sau khi thực hiện Dự án đến nay bệnh viện đang quản lý và điều trị thường xuyên cho 300 bệnh nhân hen và COPD, giảm tỷ lệ bệnh nhân cấp cứu, tử vong do hen. Điều quan trọng là các bệnh nhân đã có thể tự là “thầy thuốc của chính mình” khi cần thiết (sau khi được cán bộ y tế hướng dẫn xử lý khi có cơn khó thở, dùng thuốc cắt cơn, dùng khí dung tại nhà,…).
Hà Anh

Ý kiến của bạn