Hen phế quản (hay còn được người dân gọi là suyễn) là bệnh khá phổ biến. Trên thế giới hiện có khoảng 334 triệu người mắc bệnh hen, chiếm từ 4% đến 14% dân số và mỗi năm có khoảng 250.000 người tử vong do hen. Trung bình cứ 250 người tử vong thì có một người chết do hen phế quản. Ở Việt Nam có gần 4 triệu người mắc bệnh hen phế quản, chiếm từ 4% đến 5% dân số và hen phế quản chiếm 18,7% các bệnh phổi.
Hen phế quản là gì ?
Hen là tình trạng viêm mạn tính đường thở, gây co thắt cơ trơn phế quản có hồi phục, tăng tiết nhầy và phì đại các tuyến chế nhầy làm đường thở hẹp lại gây ra cơn hen phế quản với biểu hiện khó thở. Cơn khó thở thường xuất hiện khi bệnh nhân tiếp xúc với các yếu tố gây ra cơn hen (những yếu tố này được gọi là yếu tố gây cơn hoặc yếu tố kích phát). Trong đa số trường hợp hen là bệnh mạn tính, một người bị bệnh hen có nghĩa là họ sẽ mang bệnh suốt đời. Tuy nhiên, có nhiều biện pháp giúp kiểm soát được bệnh, hạn chế tần suất lên cơn hen cấp. Nếu sử dụng đúng các biện pháp này, cuộc sống của bạn sẽ trở lại bình thường và khoẻ mạnh.
Hướng dẫn sử dụng bình xịt cho người bệnh
Nguyên nhân gây bệnh
Mỗi một bệnh nhân hen có những loại dị nguyên (nguyên nhân gây dị ứng) khác nhau. Có khi gần như tất cả những dị nguyên gây ra cơn hen ở một số người, nhưng lại không gây ra triệu chứng gì ở những người còn lại. Một số dị nguyên thường gặp gây ra cơn hen có thể là: Tiếp xúc với khói thuốc lá hoặc khói tạo ra bởi củi đốt; hít phải không khí ô nhiễm; hít phải những tác nhân kích thích đường hô hấp khác chẳng hạn như nước hoa hoặc chất tẩy rửa; hít phải những chất gây dị ứng (dị nguyên) như bụi nhà hoặc lông súc vật; bị nhiễm trùng đường hô hấp trên, chẳng hạn như cảm cúm, viêm xoang hoặc viêm phế quản… ; thời tiết lạnh, khô; cảm xúc hưng phấn hoặc stress; vận động quá nhiều; trào ngược dịch dạ dày, còn được gọi là bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Ở một số phụ nữ (không phải là tất cả) có triệu chứng hen liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt.
Cách nhận biết
Các triệu chứng của hen phế quản biểu hiện không giống nhau ở mỗi người, thậm chí trên cùng một người biểu hiện cũng không giống nhau tùy theo từng thời điểm. Ngoài ra một số triệu chứng của bệnh cũng có thể gây nhầm lẫn với những bệnh lý ở đường hô hấp khác, dưới đây là các biểu hiện đặc trưng của bệnh nhằm phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác:
- Giai đoạn khởi đầu hen: Cơn hen phế quản thường xảy ra buổi đêm và sáng sớm. Triệu chứng báo trước: Nhức đầu, hắt hơi, chảy mũi, rối loạn tiêu hóa nhẹ…
- Giai đoạn phát bệnh: Khó thở, đặc biệt là lúc thở ra. Khi khó thở nhiều, người bệnh có thể có cảm giác hốt hoảng, vật vã, nói câu ngắn hoặc từng từ, toát vã mồ hôi… Trong cơn khó thở nghe có tiếng cò cử (đây là biểu hiện điển hình nhất của hen phế quản). Thường kết thúc cơn khó thở bằng những đợt ho, khạc đờm nhiều, đờm màu trắng, dính khi không có nhiễm trùng; khi đờm có màu vàng hoặc xanh là đã có biểu hiện nhiễm trùng...
Biến chứng có thể xảy ra
Hen phế quản tiến triển từng đợt cấp, sau mỗi đợt, bệnh diễn biến nặng hơn và nguy hiểm hơn, bệnh hay gây ra những biến chứng như:
- Xẹp phổi: Xẹp phổi một thùy hoặc nhiều thùy là biến chứng gặp tỷ lệ khoảng 10% số bệnh nhân vào viện. Khi hen ổn định thì tình trạng xẹp phổi sẽ khỏi.
- Nhiễm khuẩn phế quản: Thường là biến chứng ở các bệnh nhân bị hen mạn tính.
- Khí phế thũng: Khi hen phế quản biến chứng thành bệnh khí phế thũng, sự đàn hồi của các phế nang ở người bệnh giảm dần, thể tích khí cặn tăng khiến bệnh nhân khó thở khi gắng sức, thở ra ít, môi và các đầu chi tím tái, ho khạc đờm nhiều.
- Tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất: Gặp ở khoảng 5% hen mạn tính. Khi có tràn khí phải xử trí cấp cứu kịp thời. Tràn khí màng phổi hai bên là nguyên nhân gây đột tử ở người hen phế quản.
- Tâm phế mạn tính: Gặp ở 5% bệnh nhân hen mạn tính và nặng.
- Ngừng hô hấp kèm theo có tổn thương não, do tình trạng suy hô hấp kéo dài, dẫn đến thiếu ôxy não. Có lúc ngừng tim, ngừng hô hấp trong các thể hen nặng.
- Suy hô hấp: Thường gặp ở những bệnh nhân bị hen cấp tính nặng hoặc hen ác tính. Bệnh nhân khó thở, tím tái liên tục, đôi khi ngừng thở, phải thở máy hỗ trợ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây tử vong của bệnh hen.
Điều trị như thế nào?
Cần khẳng định ngay rằng, hiện nay bệnh hen không chữa khỏi hoàn toàn được. Tuy nhiên, không nên vì thế mà các bệnh nhân hen phế quản và gia đình bi quan.
Những biến đổi của thành phế quản ở bệnh nhân hen.
Khi chữa bệnh hen phế quản, có thể nhiều năm không có triệu chứng, khi đó chỉ có thể khẳng định rằng: Bệnh hen đã ổn định. Do vậy, nếu nghĩ rằng bệnh hen của mình đã khỏi, lại có xu hướng tiếp xúc trở lại với các yếu tố gây kích phát bệnh hen như nuôi chó, mèo, hút hoặc tiếp xúc khói thuốc lá, thuốc lào, tiếp xúc khói bếp, bụi công nghiệp… khi đó bạn lại có nguy cơ bùng phát bệnh hen trở lại.
Người bị hen cần làm gì trước khi đi xa nhà?
Trước khi quyết định đi du lịch, công tác bệnh nhân hen cần đến khám bác sĩ để xem xét lại toàn bộ các thông tin (mức độ nặng của bệnh hen phế quản, đánh giá tình trạng kiểm soát hen hiện tại... ). Người bệnh mang theo đầy đủ thuốc điều trị hen (thuốc điều trị dự phòng và thuốc cắt cơn hen phế quản), và buồng đệm trong suốt chuyến đi. Tiêm vắc xin phòng cúm và phòng phế cầu trước khi đi du lịch, công tác ít nhất 1 tháng. Chia sẻ với các thành viên cùng tham gia chuyến đi để hỗ trợ cùng bệnh nhân tránh các yếu tố nguy cơ gây bùng phát hen như không hút thuốc, tránh bụi, không mang theo chó, mèo khi đi du lịch…
Các biện pháp phòng bệnh
Ngoài việc xử trí kịp thời các cơn hen cấp tính thì người bệnh cũng cần tuân thủ các nguyên tắc sau đây để giảm thiểu nguy cơ các cơn hen xảy ra:
Không hút thuốc lá, thuốc lào, tránh xa khói thuốc. Ngoài ra, người bệnh cũng nên tránh các yếu tố gây kích ứng đường thở khác như mùi thơm, mùi hắc, phấn hoa, các loại bụi, hóa chất…
Giữ ấm cơ thể, hạn chế ra ngoài khi thời tiết lạnh. Không khí lạnh chính là tác nhân dễ dẫn tới đợt cấp của hen phế quản, vì vậy hãy hạn chế ra ngoài khi thời tiết lạnh, giữ ấm cho cơ thể trong trường hợp phải đi ra ngoài. Khi đi ra ngoài cần mang khẩu trang sẽ giúp tránh hít phải khói, bụi…
Tránh những loại thức ăn dễ gây dị ứng. Người bệnh nên theo dõi và ghi chép vào ghi chú để xem mình thường dị ứng với loại thực phẩm nào, khi ăn thức ăn nào thì hay bị lên cơn hen để phòng tránh. Những thức ăn dễ gây dị ứng bao gồm tôm, cua, nhộng tằm…
Bệnh nhân cần rửa tay thường xuyên, tránh những người nhiễm cúm, những nơi tập trung đông người, điều trị triệt để các ổ nhiễm khuẩn đường hô hấp trên. Tập thể dục rèn luyện nâng cao sức khỏe.
Giữ cho không khí trong nhà sạch sẽ, dọn dẹp đồ đạc trong nhà, tiêu diệt gián và côn trùng, nấm mốc trong nhà.
Lời khuyên thầy thuốc
Để quản lý bệnh hen phế quản một cách tốt nhất, người bệnh nên đến cơ sở y tế thăm khám định kỳ, dùng thuốc lâu dài, đúng cách và tránh những yếu tố có thể gây cơn hen kịch phát. Đây là chìa khóa vàng trong việc kiểm soát hen phế quản. Khi bệnh đã được kiểm soát tốt, chất lượng c uộc sống của người bệnh sẽ được cải thiện một cách đáng kể và có thể có sức khỏe như những người khỏe mạnh khác. Và khi đó, hen phế quản không còn là gánh nặng cho bản thân, gia đình và xã hội.