Nguyên nhân khởi phát cơn hen phế quản ác tính
Có 2 loại khởi phát cơn hen phế quản ác tính là:
- Cơn khởi phát chậm chiếm 90% và có xu hướng tiến triển nặng dần sau 6 giờ.
- Cơn tiến triển đột ngột hiếm gặp hơn, chỉ chiếm khoảng 10%.
Theo đó, các yếu tố thúc đẩy cơn hen phế quản ác tính là do:
- Nhiễm virus đường hô hấp.
- Hít phải dị ứng nguyên: Khói thuốc lá, khói bụi, lông động vật, phấn hoa…
- Sử dụng thuốc: Các thuốc như aspirin, beta blocker và thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) có thể thúc đẩy cơn hen.
- Vận động quá mức trong môi trường lạnh.
- Giảm nhanh liều steroid trên bệnh nhân dùng corticoid dài ngày.
- Lạm dụng thuốc cường giao cảm beta 2 có thể gây đáp ứng nghịch lý và gây cơn hen ác tính.
- Ăn phải thực phẩm gây dị ứng…
Hen phế quản ác tính biểu hiện thế nào?
Các triệu chứng hen phế quản ác tính thường xảy ra sau vài ngày (có thể ít hơn) nhiễm phải các yếu tố thúc đẩy nêu trên. Khi cơn hen ác tính xảy ra, người bệnh có các biểu hiện:
- Lơ mơ, lú lẫn, mất ý thức.
- Khó thở, thở ngáp, nhịp thở chậm hoặc ngừng thở, tím tái…
- Không thể nói chuyện.
- Nhịp mạch chậm, không bắt được mạch.
- Có dấu hiệu của kiệt sức hô hấp (bằng cách quan sát hô hấp vùng ngực - bụng bất thường).
Điều trị hen phế quản ác tính thế nào?
Khi phát hiện bệnh nhân lên cơn hen phế quản ác tính, người ở gần cần phản ứng nhanh cấp cứu lúc ban đầu: Cho bệnh nhân thở oxy (ở những bệnh nhân có tiền sử hen phế quản nặng cần có bình oxy tại nhà) và gọi cấp cứu trung tâm y tế gần nhất)
Tại đây, bệnh nhân sẽ được điều trị theo các bước để giúp bệnh nhân được cung cấp đủ oxy, nhanh chóng tái lưu thông đường thở, sử dụng thuốc cắt cơn hen, thuốc giãn phế quản, thuốc kháng viêm… Thậm chí khi cần, bệnh nhân phải được chuyển lên tuyến y tế có điều kiện và khả năng theo dõi, điều trị cho bệnh nhân hen ác tính.
Điều trị cơn hen phế quản ác tính là một điều trị tích cực đòi hỏi phải thực hiện nhanh chóng và kịp thời, với các nguyên tắc như sau:
- Thở oxy: Là việc làm cần phải thực hiện ngay để cung cấp oxy cho bệnh nhân.
- Sử dụng thuốc cắt cơn hen phế quản: Các thuốc giãn phế quản cần được sử dụng ngay, thậm chí dùng cả ở đường truyền và đường khí dung, phun, hít, xịt. Bao gồm các thuốc:
+ Salbutamol hoặc terbutaline cùng với atroven, được sử dụng qua đường khí dung trực tiếp hay qua dụng cụ phun, hít, xịt. Nếu bệnh nhân đang phải thở máy thì có thể sử dụng khí dung qua máy thở.
Cùng với khí dung, các thuốc salbutamol, terbutaline và diaphyllin còn được sử dụng qua việc pha cùng nước muối sinh lý, truyền qua tĩnh mạch.
- Các thuốc kháng viêm corticoid: Trong trường hợp cơn hen ác tính, mazipredon (là một glucocorticoid tổng hợp, một dẫn xuất prednisolon tan trong nước, có tác dụng chống viêm rất mạnh) được ưu tiên hàng đầu, sử dụng qua khí dung cùng các thuốc giãn phế quản.
Thuốc cũng được dùng qua đường tiêm tĩnh mạch trực tiếp mỗi 6 giờ hoặc truyền tĩnh mạch nhỏ giọt liên tục với liều an toàn nếu chưa cắt được cơn hen ác tính.
- Bổ sung nước và điện giải cho bệnh nhân có cơn hen ác tính qua đường truyền tĩnh mạch.
- Các thuốc khác: Tùy tình trạng bệnh nhân, có thể bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng một số thuốc:
+ Thuốc lợi tiểu furosemid được sử dụng qua đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch trong trường hợp có suy tim. Bệnh nhân hen ác tính có suy tim cũng có thể được sử dụng thuốc trợ tim, nhưng cần tránh các thuốc chẹn beta giao cảm.
+ Các thuốc long đờm như mucosolvan có thể được chỉ định để giúp bệnh nhân loãng đờm hơn. Nhưng thuốc long đờm gây tăng co thắt phế quản như acetylcystein là một chống chỉ định trong cơn hen phế quản.
+ Nếu bệnh nhân có kèm theo viêm phổi hoặc trường hợp cần dự phòng viêm phổi bội nhiễm, bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh đường tiêm hoặc truyền tĩnh mạch.
- Thông khí nhân tạo trong cơn hen phế quản ác tính: Đây là giải pháp cuối cùng để cứu chữa một bệnh nhân có cơn hen ác tính. Bệnh nhân sẽ được đặt nội khí quản để thở máy.
Sau khi đã vượt qua được giai đoạn cấp cứu, bệnh nhân vẫn cần được theo dõi cơn hen phế quản ác tính để đánh giá đáp ứng điều trị và có hướng xử trí tiếp theo.
Bệnh nhân cần điều trị tiếp tục cơn hen ác tính nhằm giữ cho cơn hen không trở lại và dần dần cắt hẳn cơn hen ác tính.
Các biện pháp như hỗ trợ oxy, dùng các thuốc giãn phế quản và corticoid đường khí dung, phun, hít, xịt... cần duy trì từ 4 đến 6 giờ một lần. Các thuốc giãn phế quản đường truyền cần duy trì cho đến khi người bệnh thoát hẳn cơn hen ác tính. Các thuốc corticoid đường tiêm cần phải nhắc lại mỗi 6 giờ hoặc 12 giờ.
Dự phòng hen ác tính?
Bệnh nhân hen phế quản cần tránh tiếp xúc các tác nhân gây khởi phát cơn hen như đã nêu trên.
Khi đã được chẩn đoán mắc hen phế quản, người bệnh cần cẩn trọng khi sử dụng một số loại thuốc như aspirin, các thuốc chống viêm không steroid, beta blocker, các chất gây nghiện như cocain, heroin, rượu… vì dễ gây nên cơn hen phế quản cấp.
Tuyệt đối ngừng hút thuốc và tránh tiếp xúc với khói thuốc lá một cách thụ động. Khói thuốc lá khiến 35% bệnh nhân lên cơn hen phải nhập viện cấp cứu. Khói thuốc lá còn làm giảm đáp ứng với thuốc steroid và làm khó kiểm soát hen. Đây là một trong số ít các yếu tố nguy cơ mà bệnh nhân cần phải thay đổi được.
Hen ác tính là một tình trạng cấp cứu khẩn, lại không có khả năng đáp ứng với điều trị bằng thuốc giãn phế quản tích cực tại nhà. Nhiều trường hợp có thể dẫn đến ngừng tuần hoàn, nhanh chóng rơi vào trạng thái hôn mê và tử vong. Với trường hợp cấp cứu thành công thì sau cơn hen phế quản ác tính có thể để lại những hậu quả nặng nề. Do đó, khi thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh hoặc gia đình có tiền sử mắc bệnh hen phế quản, cần tầm soát bệnh hen phế quản ở giai đoạn sớm. Bệnh nhân cần dùng đúng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa hô hấp để tránh dẫn đến hen ác tính.
Mời độc giả xem thêm video:
Con đường lây lan virus Adeno và cách phòng ngừa - SKĐS