1.Bệnh hen xảy ra ở bộ phận nào trên cơ thể?
Bệnh hen phế quản còn gọi là bệnh hen, bệnh suyễn hay hen suyễn, là bệnh xảy ra ở các phế quản (đường dẫn khí) trong hai lá phổi của người bệnh.
Bệnh hen là bệnh mạn tính đường thở do viêm co thắt và tăng tính phản ứng đường thở, gây ra các triệu chứng: ho, khò khè, tức ngực, khó thở tái phát.
Khói thuốc lá nguy hiểm cho trẻ bị bệnh hen. Ảnh minh họa
2.Hen có mấy loại?
Bệnh hen có 2 loại: Hen dị ứng và hen không dị ứng
- Hen dị ứng (hen ngoại sinh): Thường khởi phát sớm. Khi tiếp xúc với các dị nguyên như phấn hoa, lông súc vật, bọ nhà sẽ làm khởi phát bệnh hen. Bệnh xuất hiện ở người có cơ địa dị ứng, thường gặp ở trẻ em.
- Hen không dị ứng (hen nội sinh): Thường khởi phát muộn, không có cơ địa dị ứng, thường gặp ở người lớn. Tác nhân gây khởi phát cơn hen thường không đặc hiệu như nhiễm khuẩn, nhiễm virus, sự thay đổi nhiệt độ, độ ẩm, khói thuốc...
3.Ai có thể mắc hen?
Người có cơ địa dị ứng dễ mắc hen. Cơ địa dị ứng là những người dễ mắc các bệnh dị ứng khác mà trước đó họ đã mắc một hay nhiều bệnh dị ứng như: viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, viêm da dị ứng, chàm, hen, dị ứng thời tiết, mày đay...
Khoảng 70% người bệnh hen có yếu tố cơ địa dị ứng, còn 30% người bệnh hen mắc phải.
Người bệnh hen có kèm theo sốt mùa và eczema hoặc tồn tại với nhau được gọi là hen dị ứng hay hen cơ địa dị ứng (cơ thể sẽ phản ứng quá mức với dị nguyên).
Hình ảnh đường dẫn khí của người bình thường và người bị hen
4.Những yếu tố nào thường làm khởi phát cơn hen?
- Nhiễm trùng: vi khuẩn, virus
- Bụi nhà, bọ nhà, lông súc vật, nấm, phấn hoa
- Ô nhiễm môi trường
- Gắng sức
- Không khí lạnh, thay đổi thời tiết
- Bụi nghề nghiệp.
Trong đó, nhiễm virus đường hô hấp là yếu tố khởi phát hay gặp nhất đối với bệnh hen.
Nhiễm virus đường hô hấp (virus cúm, virus hợp bào, adenovirus...): gây tróc biểu mô, tăng giải phóng các hoác chất trung gian, tăng bạch cầu ái toan, tăng tiết dịch do đó làm tăng phản ứng viêm, tổn thương niêm mạc phế quản...gây hẹp lòng phế quản, tăng nhạy cảm với các yếu tố khởi phát...thúc đẩy và làm nặng thêm triệu chứng hen.
5. Vì sao phải giữ nhà cửa luôn sạch sẽ?
Bụi nhà, trong đó có bọ nhà cũng là nguyên nhân hay gặp trong bệnh hen. Bọ nhà ăn vảy da người khi bong ra. Bản thân bọ, trứng và phân của bọ nhà đều là dị nguyên gây một số bệnh dị ứng và hen.
Sự nhạy cảm với các dị nguyên bọ nhà thường xảy ra vào năm đầu tiên của trẻ em. Nồng độ bọ nhà càng cao thì khả năng gây hen càng lớn, nhất là trẻ em.
Người có cơ địa dị ứng tiếp xúc với bọ nhà cũng gây co thắt phế quản trong vòng 15 phút
Môi trường xung quanh nơi ở của người bị bệnh hen cũng rất quan trọng. Nếu người bệnh hen ở trong môi trường ô nhiễm sẽ khiến bệnh nặng lên do người bệnh hen rất nhạy cảm với không khí bị ô nhiễm.
6. Khói thuốc lá nguy hiểm cho trẻ bị bệnh hen
Trong khói thuốc lá có hàng nghìn chất độc hại, có nhiều chất gây ung thư, gây viêm, tróc lớp tế bào lót phế quản...
Khi trẻ hít phải khói thuốc lá (hút thuốc bị động) cũng nguy hiểm như người trực tiếp hút thuốc lá. Khói thuốc làm xuất hiện những đợt cấp của hen ở tất cả các lứa tuổi; làm cho những đứa trẻ có xu hướng hen (gia đình có tiền sử dị ứng và hen) dễ phát triển thành bệnh hen gấp nhiều lần những đứa trẻ khác.
Bố mẹ hút thuốc lá trong thời kỳ mẹ mang thai dễ bị sinh con thiếu cân, giảm kích thước đường thở, dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp, dễ bị dị ứng và xuất hiện hen sau này.
7. Thời tiết chuyển mùa dễ khởi phát cơn hen
Do chuyển mùa là thay đổi nhiệt độ, độ ẩm, dị nguyên và các yếu tố khởi phát hen. Khi thời tiết thay đổi, độ ẩm tăng là môi trường tốt để vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm mốc, phấn hoa phát triển, các chất ô nhiễm không khí tăng đậm độ làm người hen dễ mắc bệnh, hít phải gây tăng phản ứng viêm đường hô hấp và khó thở tăng.
Mặt khác, chuyển mùa làm cho các quần thể vi khuẩn, virus, ký sinh trùng sẵn có ở đường hô hấp trẻ bị hen vốn đã nhạy cảm sẽ phản ứng rất nhanh và mạnh trước sự thay đổi đột ngột của môi trường sống, hậu quả là viêm đường hô hấp, tăng co thắt phế quản làm trầm trọng thêm bệnh hen.
Mời bạn xem video hấp dẫn:
Thử ngay bài tập hít thở giúp cải thiện bệnh 'hay quên"