Tiếp tục chương trình làm việc của Quốc hội, sáng 2/11, các ĐBQH thảo luận tại Tổ về dự thảo dự án Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Tham gia đóng góp để hoàn thiện dự thảo, ĐBQH Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) cho rằng, đây là đạo luật liên quan đến tất cả mọi người.
Về việc bảo vệ thông tin người tiêu dùng, đại biểu đề xuất cần có một Điều riêng bởi hiện nay thông tin người tiêu dùng đang bị lấy, bảo quản, lưu trữ trong tình trạng "rất rối".
Trong dự thảo có 20 việc cấm đối với tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hàng hóa. Đại biểu cho rằng, một dự thảo Luật đưa ra nhiều điều cấm thì khả năng sẽ có vi phạm nhiều. Đại biểu Trịnh Xuân An thẳng thắn chỉ rõ: "Lâu nay, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dù có Luật hơn mười năm nay nhưng có những hành vi vi phạm diễn ra liên tục, công nhiên và có sự làm ngơ của cơ quan quản lý".
Đi vào cụ thể hơn về điều này, đại biểu lấy ví dụ chuyện "bán bia kèm lạc" trong mua bán ô tô, người tiêu dùng phải bỏ thêm một số tiền rất lớn, thậm chí hàng trăm triệu để mua thêm các phụ kiện đi kèm; trả thêm tiền chênh để được lấy xe trước.
"Chuyện này, cơ quan quản lý không phải không biết", đại biểu Trịnh Xuân An nói.
Đại biểu cho biết thêm: "Các xe của hãng Honda khi được bán ở các Head đều chênh với giá niêm yết hãng có khi lên đến mấy chục triệu. Việc này, cơ quan quản lý không phải không biết. Lúc khai thuế lại theo giá niêm yết nhưng lại bán cho người dân với giá cao. Sự vi phạm này không những công khai mà kéo dài liên tục".
Từ đó, đại biểu đề xuất cần phải cụ thể thêm để xử lý các hành vi vi phạm mang tính chất rõ rệt.
Đại biểu Trịnh Xuân An phân tích, người tiêu dùng bao giờ cũng trong thế yếu khi tham gia các giao dịch nên vai trò của cơ quan quản lý, đặc biệt lực lượng Quản lý thị trường, tổ chức đại diện cần phải có nội dung rất rõ.
Ngoài ra, đại biểu nêu lên việc, dự thảo Luật có một Chương liên quan đến tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Dự án Luật nêu vai trò rất quan trọng của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, điểm tựa pháp lý cho Hội vận hành, đứng ra bảo vệ quyền lợi một cách chủ động thì những quy định vẫn đang thiếu. Quyền chủ động khởi kiện của Hội khi không cần có yêu cầu của người tiêu dùng cũng cần làm rõ để Hội được làm, muốn làm và dám làm.
"Câu chuyện này ở nước ngoài rất nhiều nhưng lâu nay các đơn vi phạm liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng nhiều nhưng việc khởi kiện ít, mặc dù tranh chấp lớn", đại biểu nhấn mạnh.
Về tố tụng bảo vệ người tiêu dùng, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, TAND Tối cao đã có ý kiến rất cụ thể về quy trình. Việc cần phải xác định rành mạch tố tụng bảo vệ người tiêu dùng trong mối quan hệ tố tụng dân sự và trong mối quan hệ với các quy định xử lý vi phạm hành chính, hình sự để không bị lẫn các vụ kiện bảo vệ người tiêu dùng với vụ kiện dân sự.
"Chúng ta mua bán nhỏ, tạo ra cảm giác người tiêu dùng không muốn khởi kiện, tranh chấp vì nhỏ. Người tiêu dùng thường ở thế yếu", đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Làm việc căng thẳng thời gian dài tăng nguy cơ trầm cảm.