Hà Nội

Hè về, câu chuyện thiếu sân chơi cho trẻ em lại 'nóng'

19-05-2022 16:24 | Thời sự
google news

SKĐS - Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là bế giảng năm học. Tuy nhiên, phụ huynh ở các thành phố lớn đang lo lắng những tháng hè sẽ không biết gửi con cho ai, tham gia các hoạt động tập thể, ngoại khóa gì khi các sân chơi cho trẻ đang thiếu trầm trọng.

Cách giải tỏa áp lực tâm lý cho học sinh khi các kỳ thi đang đến gầnCách giải tỏa áp lực tâm lý cho học sinh khi các kỳ thi đang đến gần

SKĐS - Do ảnh hưởng của COVID-19, cùng với việc học trực tuyến kéo dài, khi quay trở lại trường, học sinh lại bước vào kỳ thi cuối năm và các kỳ thi chuyển cấp quan trọng… điều này đã khiến không ít học sinh bị áp lực và rơi vào khủng hoảng tâm lý.

Sân chơi của trẻ em không chỉ là khuôn viên, điểm vui chơi cho trẻ em chạy nhảy, chơi đùa mà sân chơi cho trẻ em bao gồm nhiều yếu tố nhằm phát triển văn hóa, tinh thần của trẻ em thông qua vui chơi, giải trí. Đó là sân chơi ngoài trời, sân chơi trong nhà, thư viện, câu lạc bộ, rạp chiếu phim dành cho trẻ em... 

Tuy nhiên, mỗi khi kỳ nghỉ hè đến gần, việc tìm không gian cho trẻ vui chơi an toàn là bài toán khó đối với mỗi gia đình ở Hà Nội.

Hè này con sẽ thế nào hả bố?

Đó là câu hỏi mà hai con của anh Quốc Tuấn (ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) hỏi bố sau khi cô giáo gửi tin nhắn thông báo tới phụ huynh về thời gian bế giảng năm học vào tuần tới (25/5). Anh Tuấn tỏ ra lo lắng vì không biết năm nay 2 con của mình sẽ tham gia hoạt động hè gì khi chỉ còn ít ngày nữa các cháu sẽ bước vào kỳ nghỉ hè sau một năm học đầy biến động. "Khu nhà tôi ở không có sân bóng, không có bể bơi, không có khu vui chơi cho các cháu. Do vậy, năm nay chắc cũng giống như mọi năm tôi sẽ gửi con về ông bà ở quê một thời gian rồi lại đưa con xuống Thủ đô để đi học thêm vào dịp hè. Nếu "nhốt" con ở nhà thì chắc chắn các con sẽ vùi đầu vào máy tính, chơi game...".

Cũng như anh Tuấn, chị Kim Ngân (quận Nam Từ Liêm) đau đầu về việc quản lý con mỗi khi hè tới. Theo chị Ngân, các sân chơi miễn phí cho thiếu nhi dịp hè trên địa bàn gần như không có. Ở khu dân cư có tổ chức sinh hoạt hè cho các cháu nhưng các hoạt động vẫn chưa thật sự phong phú, còn mang tính chất dập khuôn máy móc dẫn đến nhàm chán. Hơn nữa, chị Ngân không yên tâm cho con tham gia vì chủ yếu thời gian sinh hoạt lại tổ chức vào buổi tối, đi lại không an toàn.

Hè đến, câu chuyện thiếu sân chơi cho trẻ em lại "nóng" - Ảnh 2.

Cần thêm nhiều sân chơi và chương trình sinh hoạt ngoài trời cho trẻ em trong dịp hè. Ảnh minh họa

"Cách đây 2 tuần tôi đã tham khảo một số khóa trại hè nhưng mức phí khá mắc so với thu nhập của gia đình. Các khóa trại hè cũng chỉ tổ chức trong vài tuần hoặc một tháng. Còn lại, 2 tháng hè con sẽ làm gì, ngoài việc gia đình lại phải gửi con vào các lớp học thêm hè có bán trú", chị Ngân cho biết.

Trên địa bàn Hà Nội hiện nay, điểm vui chơi, sinh hoạt hè hay một không gian mở dành cho sinh hoạt cộng đồng đang rất thiếu, môi trường và không gian dành riêng cho trẻ em lại càng thiếu. Học sinh nghỉ hè, tìm chỗ cho các em chơi, sinh hoạt không phải phường, quận nào cũng có.

Thiếu sân chơi cho trẻ - Nguyên nhân do đâu?

Trước thực trạng thiếu không gian vui chơi cho trẻ em, bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý chương trình và quan hệ đối tác, Tổ chức Plan International Việt Nam cho biết, những năm gần đây, chính quyền địa phương tại Hà Nội đã cùng với người dân nỗ lực tìm cách để có thêm nhiều sân chơi ngoài trời cho trẻ em, nhưng vấn đề không đơn giản.

Theo bà Lan, nhiều sân chơi bị người lớn chiếm dụng nên trẻ em không thể tiếp cận được; sân chơi bị hàng quán, các điểm trông giữ xe, chợ cóc... lấn chiếm; sân chơi không đảm bảo an toàn cho các em như thiếu ánh sáng, quá gần đường giao thông mà không có rào chắn; sân chơi ở xa khu dân cư, dẫn đến nguy cơ mất an toàn, trẻ có thể bị quấy rối, bắt nạt, bị xâm hại...

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu sân chơi, địa điểm vui chơi dành cho trẻ em có nguyên nhân chủ yếu từ công tác quy hoạch còn hạn chế; kinh phí đầu tư cho các công trình vui chơi giải trí dành cho trẻ em còn ít so với nhu cầu, thiếu các quy định về phân bổ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, tổ chức hoạt động vui chơi văn hóa cho trẻ em.

Đặc biệt, khó khăn lớn nhất trong công tác quy hoạch, xây dựng thêm sân chơi công cộng là quỹ đất hạn chế. Việc di dời các cơ quan, đơn vị đang sử dụng đất tại các khu đất xen kẽ, giáp ranh khu dân cư vào mục đích sản xuất, kinh doanh để bổ sung quỹ đất xây dựng thiết chế văn hóa còn quá chậm.

Cần sự vào cuộc mạnh mẽ

Trong một xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu vui chơi giải trí của trẻ em ngày càng cao, để mỗi dịp nghỉ hè trẻ có đầy đủ chỗ chơi an toàn và lành mạnh thì cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, chính quyền địa phương, nhà trường cũng như của người dân.

Anh Tuấn chia sẻ với phóng viên: "Sân chơi dành cho trẻ trong dịp hè rất quan trọng. Tôi nghĩ các điểm trường trong dịp hè cũng có thể tận dụng để tổ chức các hoạt động sinh hoạt hè bổ ích mà không tốn kém. Sân trường thì rợp bóng cây, lại vừa rộng rãi và an toàn".

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, điểm vui chơi công cộng thiếu, không gian sinh hoạt cộng đồng không có, dân cư đông đúc, môi trường ngột ngạt dẫn tới thực trạng trẻ em có xu hướng thụ động hơn khi ngồi lì ở nhà xem tivi, chơi game trên mạng... Thậm chí có nhiều em còn nghiện chơi game online, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Cục trưởng Cục Trẻ em gợi ý, cần tăng cường vai trò của Đoàn thanh niên các cấp phối hợp các nhà trường và các cơ quan, đoàn thể ở địa phương tổ chức nhiều hơn các sân chơi hè cho trẻ em, bảo đảm vui, khỏe, an toàn, bổ ích. Hoạt động nào cần kinh phí thì kêu gọi sự chung tay góp sức của cộng đồng xã hội, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và phụ huynh. Hình thức tổ chức các sân chơi hè cần đa dạng, linh hoạt, phù hợp với tuổi, đặc điểm từng vùng, từng địa phương để thu hút sự tham gia của đông đảo trẻ em. Có như vậy, các em mới có một mùa hè thật sự an toàn, bổ ích và phụ huynh cũng vơi bớt nỗi lo.

Tổ chức các hoạt động hè dành cho thiếu nhi năm 2022

Ban Bí thư Trung ương Đoàn vừa ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động hè dành cho thiếu nhi năm 2022. Thời gian tổ chức, từ tháng 6 đến hết tháng 8.

Đối với cấp trung ương tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, sinh hoạt hè cho thiếu nhi, như: Tổ chức Ngày hội "Thiếu nhi Việt Nam - Học tập tốt, rèn luyện chăm" tại 9 tỉnh, thành phố; Ngày hội sắc màu năm 2022 - Cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi với chủ đề "Thiếu nhi Việt Nam - Mừng Đại hội Đoàn"; Trại hè thiếu nhi 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia; Liên hoan thiếu nhi các dân tộc tiêu biểu toàn quốc lần thứ IV-2022…

Đối với cấp tỉnh, sẽ đẩy mạnh tuyên truyền cho thiếu nhi về các kỹ năng phòng, tránh tai nạn, thương tích, kỹ năng thoát hiểm; tổ chức các hoạt động giáo dục đạo đức lối sống, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, "Uống nước nhớ nguồn", tình yêu quê hương đất nước cho thiếu nhi trong dịp hè; tổ chức các hoạt động hình thành thói quen đọc sách, phát triển văn hóa đọc trong thiếu nhi; tích cực vận động nguồn lực xã hội để xây dựng các điểm sinh hoạt, vui chơi cho thiếu nhi…

Áp lực học tập quá mức phá hoại tư duy con trẻÁp lực học tập quá mức phá hoại tư duy con trẻ

SKĐS - GS.TS. Tâm lý học Nguyễn Ngọc Phú lưu ý các thầy cô giáo, các bậc cha mẹ đừng bao giờ gây áp lực học tập quá mức, chú ý động viên tinh thần của trẻ, tạo tâm lý thoải mái, giúp trẻ chủ động tiếp nhận tri thức trong sách vở một cách thoải mái nhất.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn