Thông tin đến báo chí chiều ngày 24/11, BHXH Việt Nam cho rằng quy định phân tuyến khám chữa bệnh (KCB) và phân loại bệnh nhân theo tuyến là cần thiết, đảm bảo hệ thống y tế phát triển bền vững để chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân.
Hầu hết các nước trên thế giới đều có quy định phân tuyến KCB
Theo BHXH Việt Nam, hầu hết các nước trên thế giới đều có quy định phân tuyến KCB. Tất cả các trường hợp (trừ cấp cứu) muốn lên tuyến trên đều phải qua bác sỹ gia đình hoặc bác sỹ tổng quát (GP-doctor) và phải được tuyến dưới giới thiệu lên.
Tại nước ta, việc chuyển tuyến, cấp chuyên môn kỹ thuật về KCB đã được quy định cụ thể tại Luật khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm thực hiện việc chăm sóc sức khoẻ cho người dân một cách toàn diện và liên thông.
Theo Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, hệ thống y tế của nước ta gồm 4 tuyến: xã, huyện, tỉnh, trung ương. Tại Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, bổ sung (có hiệu lực từ 01/01/2024) cũng quy định sự phân cấp chuyên môn trong KCB, theo đó gồm 3 cấp: Cấp KCB ban đầu, cấp KCB cơ bản và cấp KCB chuyên sâu. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của từng tuyến, thực hiện việc quy hoạch, đầu tư, xây dựng cơ sở sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực phù hợp.
Tuyến đầu tiên, gần người dân nhất là trạm y tế tuyến xã, hiện với hơn 10.000 trạm y tế trên cả nước. Đây là tuyến y tế cơ sở thực hiện quản lý và chăm sóc sức khoẻ ban đầu của người dân. Tại tuyến này, người dân không chỉ được KCB các bệnh thông thường mà còn được phổ biến, giáo dục liên quan đến các vấn đề sức khỏe, ngăn ngừa và kiểm soát bệnh tật, tiêm chủng phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Y tế cơ sở có vai trò quan trọng, là "nền tảng, phát triển vững chắc hệ thống y tế cơ sở, xây dựng mạng lưới y tế rộng khắp, gần dân" đã được Ban Bí Thư khẳng định tại Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023.
Tuyến huyện và một phần tuyến tỉnh có chức năng khám và điều trị hầu hết các bệnh trừ các trường hợp bệnh nặng, cần trình độ chyên môn sâu và trang thiết bị hiện đại. Hiện tại, cả nước có hơn 2.500 cơ sở KCB tuyến huyện và tuyến tỉnh.
Các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, các khoa đầu ngành của bệnh viện đa khoa tỉnh, các bệnh viện trung ương (hơn 200 cơ sở) tập trung KCB đối với các trường hợp bệnh nặng, thực hiện các kỹ thuật đòi hỏi chuyên môn cao, trang thiết bị hiện đại mà tuyến dưới không thực hiện được. Ngoài ra, tuyến này còn có chức năng nghiên cứu, đào tạo chuyển giao kỹ thuật và chỉ đạo tuyến. Các bệnh viện này được đầu tư ở mức độ cao nhất cả về cơ sở vật chất và nhân lực.
Mô hình quản lý y tế hình tháp - đảm bảo được việc quản lý và chăm sóc sức khoẻ một cách toàn diện, hiệu quả
Ông Lê Văn Phúc – Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết, mô hình hệ thống y tế hình tháp được hầu hết các nước áp dụng và chỉ có mô hình này mới đảm bảo được việc quản lý và chăm sóc sức khoẻ một cách toàn diện, hiệu quả.
"Nếu không quản lý bệnh nhân theo tuyến, chắc chắn sẽ phá vỡ hệ thống y tế. Do đó, việc quản lý KCB tại các tuyến bằng giấy chuyển tuyến là công cụ phù hợp, cần thiết"- ông Lê Văn Phúc nhấn mạnh.
Nếu bệnh nhân không được quản lý theo tuyến, nhu cầu KCB tập trung ở các bệnh viện tuyến trên, tuyến cuối để điều trị, kể cả với các trường hợp không phù hợp và không cần thiết với tình trạng bệnh. Điều này không chỉ gây quá tải cho cơ sở y tế tuyến trên, gây phiền hà cho chính người bệnh mà còn gây lãng phí cơ sở vật chất, nhân lực ở tuyến dưới do không tận dụng hết công suất sử dụng.
Trong khi đó, thời gian qua, các cơ sở y tế tuyến dưới đã được đầu tư nguồn lực và ngày càng nâng cao chất lượng KCB. Dẫn chứng vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc BHXH TP.Hồ Chí Minh cho biết, thực tế, tại TP.Hồ Chí Minh, hầu hết các bệnh viện quận, huyện đều là các bệnh viện được phân hạng 1, hạng 2 thực hiện được rất nhiều dịch vụ kỹ thuật tuyến tỉnh và tuyến trung ương.
Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh của Thành phố đều là các bệnh viện lớn thực hiện được nhiều kỹ thuật chuyên sâu và đã thu hút số lượt bệnh nhân các nơi về KCB. Trong đó, người có thẻ BHYT luôn được giải quyết đầy đủ quyền lợi theo quy định.
Các chuyên gia nhấn mạnh không chỉ gây lãng phí y tế, "túi tiền" của người bệnh cũng bị ảnh hưởng bởi chi phí đi lại, ăn ở, chờ đợi khi bệnh viện "quá tải" bệnh nhân… Cùng một loại bệnh, nếu điều trị tại tuyến huyện sẽ có chi phí thấp hơn nhiều so với tuyến trung ương vì việc đầu tư tại bệnh viện tuyến trung ương cao hơn tuyến huyện (cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực).