Động thái này được thúc đẩy bởi vai trò nổi bật của S-400, trong việc đánh chặn các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa do Pakistan thực hiện trong chiến dịch vừa qua.

Ấn Độ có kế hoạch mua thêm các hệ thống S-400 từ Nga. (Nguồn: X)
Căng thẳng bùng phát từ ngày 22/4, sau một vụ tấn công tồi tệ khiến 26 dân thường thiệt mạng tại Pahalgam, Jammu và Kashmir. Ấn Độ nhanh chóng cáo buộc các nhóm vũ trang được Pakistan hậu thuẫn là thủ phạm và phát động "Chiến dịch Sindoor" vào ngày 7/5, với các cuộc tấn công nhắm vào 9 địa điểm ở lãnh thổ Pakistan và vùng Kashmir do Islamabad kiểm soát.
Đáp trả, Pakistan tiến hành một loạt cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV), tên lửa, nhắm vào các căn cứ quân sự và thành phố ở Tây Bắc Ấn Độ. Trong bối cảnh đó, các khẩu đội S-400, được gọi tại địa phương là Sudarshan Chakra, đã được kích hoạt để bảo vệ các mục tiêu chiến lược, trong đó có căn cứ không quân Adampur tại bang Punjab.
Theo giới chức quốc phòng Ấn Độ, hệ thống này đã chặn đứng phần lớn các mối đe dọa trên không, bảo vệ thành công nhiều thành phố và cơ sở quân sự khỏi thiệt hại.
Đến ngày 10/5, một thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ làm trung gian đã giúp hạ nhiệt căng thẳng. Tuy nhiên, vai trò nổi bật của S-400 trong chiến dịch đã làm nổi bật giá trị chiến lược của hệ thống này trong cấu trúc phòng thủ hiện đại của New Delhi.
S-400: 'Lá chắn bầu trời' đa lớp
S-400 Triumf là hệ thống phòng không tầm xa tiên tiến do tập đoàn Almaz-Antey của Nga phát triển, được thiết kế để đối phó với nhiều mối đe dọa từ trên không, từ máy bay chiến đấu, UAV, tên lửa hành trình cho đến tên lửa đạn đạo.
Trái tim của hệ thống là radar mảng pha 91N6E Big Bird, có khả năng phát hiện đến 300 mục tiêu trong phạm vi 600 km. Dữ liệu được xử lý tại trung tâm chỉ huy 55K6E và chuyển tới radar kiểm soát hỏa lực 92N6E Grave Stone để dẫn bắn.
Hệ thống sử dụng nhiều loại tên lửa với tầm bắn khác nhau, từ tên lửa 40N6E tầm xa 400 km, 48N6E3 tầm trung 250 km, đến các tên lửa 9M96E và 9M96E2 chuyên đánh chặn mục tiêu bay thấp với tầm bắn 120 và 40 km.
Một khẩu đội S-400 có thể tấn công cùng lúc 36 mục tiêu, với thời gian triển khai chỉ trong vòng 5 phút, cho phép tái bố trí nhanh chóng trong môi trường chiến tranh cơ động.
Ấn Độ ký hợp đồng trị giá 5,43 tỷ USD để mua 5 khẩu đội S-400 từ Nga vào năm 2018. Đến nay, ba đơn vị đã được bàn giao và triển khai tại các vị trí trọng yếu, trong đó có bang Punjab, khu vực tiếp giáp với biên giới Pakistan.
Trong Chiến dịch Sindoor, S-400 được cho là đã đánh chặn thành công một loạt UAV và tên lửa từ Pakistan nhắm vào 15 thành phố và căn cứ quân sự của Ấn Độ.
Không chỉ tự vận hành độc lập, S-400 còn được tích hợp vào Hệ thống chỉ huy và kiểm soát không quân tích hợp (IACCS) của Ấn Độ, cho phép phối hợp hiệu quả với các tiêm kích như Su-30MKI và Rafale để đánh chặn mục tiêu. Điều này tạo ra một mạng lưới phòng không nhiều lớp, kết hợp cả cảm biến, radar và hỏa lực, giúp tăng cường nhận thức tình huống và hiệu quả phòng thủ.
Tranh cãi về hiệu quả thực tế
Pakistan đã bác bỏ tuyên bố của Ấn Độ, khẳng định một chiếc JF-17 của họ đã phá hủy một hệ thống S-400 tại Adampur bằng tên lửa PL-15 do Trung Quốc sản xuất.
Islamabad thậm chí còn công bố ảnh vệ tinh cho thấy một hệ thống bị hư hại. Phía Ấn Độ lập tức phản bác. Chuyến thăm căn cứ Adampur ngày 12/5 của Thủ tướng Narendra Modi, nơi ông chụp hình cùng một hệ thống S-400 còn nguyên vẹn, được xem như một phản bác trực tiếp đối với tuyên bố từ Pakistan.
Bên cạnh đó, Islamabad cũng tuyên bố đã phá hủy đường băng Adampur bằng tên lửa siêu thanh, nhưng phía New Delhi bác bỏ và cho rằng đây là "lời nói dối" không có bằng chứng độc lập xác nhận.
Việc sử dụng S-400 trong xung đột lần này đánh dấu lần đầu tiên Ấn Độ triển khai hệ thống này trong môi trường tác chiến thực tế. Các nguồn tin quân sự Ấn Độ cho biết S-400 đã buộc nhiều đợt tấn công của Pakistan phải hủy bỏ hoặc đổi hướng, làm gián đoạn nghiêm trọng kế hoạch của đối phương.
Radar 91N6E của hệ thống cho phép phát hiện sớm máy bay và tên lửa từ khoảng cách xa, tạo điều kiện cho các đòn đánh phủ đầu hoặc phối hợp đánh chặn hiệu quả với các hệ thống khác như tên lửa nội địa Akash hay MRSAM do Ấn Độ hợp tác với Israel phát triển.
Theo Thống chế không quân AK Bharti, S-400 đóng vai trò then chốt trong việc duy trì khả năng kiểm soát không phận, giảm thiểu nguy cơ nhầm lẫn và tăng hiệu quả của các chiến dịch phối hợp trên không, biển và đất liền.
Trong bối cảnh ba trong số năm đơn vị S-400 đã được bàn giao, yêu cầu mua thêm của Ấn Độ cho thấy sự tin tưởng ngày càng lớn vào năng lực của hệ thống này. Theo các nguồn tin quốc phòng, Nga đã phản hồi tích cực, dù thời gian bàn giao có thể chịu ảnh hưởng do các lệnh trừng phạt từ phương Tây đối với ngành công nghiệp quốc phòng Nga.
Almaz-Antey – nhà sản xuất S-400, đã bị Mỹ và EU trừng phạt từ năm 2014, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và năng lực xuất khẩu. Dù vậy, công ty này vẫn được xếp vào hàng các nhà thầu quốc phòng hàng đầu thế giới, với doanh số quốc phòng lên tới hơn 9 tỷ USD trong năm 2017.