Hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome của Israel hiệu quả ra sao?

03-10-2024 15:32 | Quốc tế
google news

SKĐS - Từ khi ra mắt năm 2011, hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome của Israel đã chặn thành công hàng nghìn tên lửa từ Dải Gaza, kể cả trong cuộc tấn công quy mô lớn ngày 1/10 do Iran thực hiện.

Iron Dome không chỉ tạo cảm giác an toàn cho người dân mà còn cho phép họ chứng kiến các tên lửa bị tiêu diệt trên bầu trời.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome của Israel hiệu quả ra sao?- Ảnh 1.

Hệ thống chống tên lửa Iron Dome nhìn từ Ashkelon, Israel, ngày 1/10. (Nguồn: Reuters)

Tuy nhiên, cuộc xung đột hiện tại với Hamas, đặc biệt là khả năng xảy ra đối đầu trực tiếp với Iran, có thể là thử thách lớn nhất đối với Iron Dome từ trước đến nay.

Theo quân đội Israel, Hamas đã bắn hàng nghìn tên lửa vào Israel trong năm qua, vượt xa bất kỳ cuộc chiến nào trước đó giữa hai bên. Ngày 7/10/2023, ngay trong ngày đầu của cuộc giao tranh, ít nhất 2.000 quả rocket đã được bắn từ Gaza. Hezbollah ở Lebanon cũng đã phóng hàng trăm tên lửa từ mặt trận phía bắc Israel.

Dù phần lớn các tên lửa đã bị chặn, một số vẫn lọt qua, gây thiệt hại và cướp đi sinh mạng của ít nhất 11 người. Vào tối 1/10, Iran đã phóng khoảng 200 tên lửa để đáp trả các hành động của Israel tại Lebanon, dẫn đến một loạt vụ tấn công và hư hại tại Tel Aviv.

Iron Dome hoạt động thế nào?

Iron Dome là hệ thống phòng thủ sử dụng radar để phát hiện các tên lửa tầm ngắn đang bay tới. Khi phát hiện tên lửa, radar sẽ xác định xem mục tiêu có đe dọa đến các khu vực đông dân hay không. Nếu có, hệ thống sẽ phóng tên lửa để tiêu diệt. Trong trường hợp tên lửa bay về khu vực không có người hoặc hướng ra biển, hệ thống sẽ để tên lửa tự rơi, nhằm tiết kiệm chi phí.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome của Israel hiệu quả ra sao?- Ảnh 2.

Hệ thống chống tên lửa Iron Dome của Israel đánh chặn tên lửa phóng từ Lebanon. (Nguồn: Reuters)

Mỗi hệ thống Iron Dome có 3 hoặc 4 bệ phóng, mỗi bệ chứa 20 tên lửa. Tính đến năm 2021, Israel có 10 hệ thống Iron Dome trải khắp đất nước, bảo vệ một khu vực rộng 155 km2 mỗi hệ thống.

Theo nhà sản xuất Rafael Defense Systems, Iron Dome đạt độ chính xác khoảng 90%. Tuy nhiên, hệ thống có thể bị quá tải nếu một số lượng lớn tên lửa được phóng cùng lúc, làm tăng nguy cơ một số tên lửa sẽ lọt qua. Điều này đặc biệt nguy hiểm nếu Hezbollah tham gia vào xung đột, bởi nhóm này ước tính sở hữu khoảng 150.000 tên lửa và rocket.

Chi phí của Iron Dome là bao nhiêu?

Mỗi tên lửa đánh chặn của Iron Dome có giá ước tính từ 40.000 đến 50.000 USD, theo Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia ở Tel Aviv. Mỹ đã hỗ trợ tài chính lớn cho hệ thống này, cả trong giai đoạn phát triển và khi bổ sung trong các cuộc giao tranh. Tổng thống Joe Biden cũng đã đề xuất Quốc hội cung cấp 14,3 tỷ USD viện trợ quân sự cho Israel, phần lớn trong số đó sẽ được sử dụng cho các hệ thống phòng thủ như Iron Dome.

Hiện tại, Israel và Mỹ đang thảo luận về cách phản ứng trước các cuộc tấn công tên lửa đạn đạo từ Iran, với các biện pháp đối phó đang được xem xét kỹ lưỡng.

Nga sử dụng bom phi hạt nhân mạnh nhất ở UkraineNga sử dụng bom phi hạt nhân mạnh nhất ở Ukraine

SKĐS - Ngày 2/10, theo Rossiyskaya Gazeta, Nga đã tấn công thị trấn Vovchansk, tỉnh Kharkiv, Ukraine bằng một loại vũ khí được cho là bom chân không.


Xuân Minh
(Theo The Independent)
Ý kiến của bạn