Hệ thống Bệnh viện phục hồi chức năng phải năng động cung cấp dịch vụ, đảm bảo an toàn người bệnh

27-08-2019 13:55 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Để nâng cao chất lượng bệnh viện, thu hút ngày càng đông người bệnh, hệ thống các Bệnh viện phục hồi chức năng cần nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn người bệnh. Các bệnh viện cần năng động và sáng tạo trong cung cấp các dịch vụ y tế phục vụ người bệnh

Ngày 27/8 tại Hà Nội, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh-Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị Nâng cao chất lượng hệ thống Phục hồi chức năng  Việt Nam-Thực trạng và Giải pháp. Hơn 200 đại biểu thuộc các Tổ chức quốc tế, Sở Y tế các tỉnh thành, các bệnh viện phụ hồi chức năng (PHCN) các tỉnh thành tham dự.

Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, hiện mạng lưới chăm sóc y tế về PHCN đã được củng cố: Ngành Y tế với 1 Bệnh viện PHCN thuộc Bộ Y tế, 1 Trung tâm PHCN trực thuộc BV Bạch Mai, 36/63 tỉnh có bệnh viện PHCN; 100% các bệnh viện đa khoa trung ương và 98% bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh có khoa PHCN. Các khoa/đơn nguyên/tổ PHCN ở các bệnh viện/trung tâm y tế tuyến huyện ngày càng được củng cố. Các Bộ, ngành khác có 04 bệnh viện, 16 trung tâm PHCN.

“Hoạt động PHCN dựa vào cộng đồng cũng được triển khai rộng rãi ở nhiều địa phương. Ngày càng có nhiều kỹ thuật PHCN được ứng dụng phục vụ người bệnh và người khuyết tật, góp phần làm giảm tỷ lệ khuyết tật, tăng khả năng hòa nhập và tái hòa nhập cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật”- PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác PHCN còn tồn tại những vấn đề cơ bản là: Đội ngũ cán bộ chuyên ngành PHCN còn mỏng, thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn giỏi, đặc biệt là rất thiếu kỹ thuật viên PHCN chuyên sau như: Hoạt động trị liệu, Ngôn ngữ trị liệu, kỹ thuật viên chỉnh hình...; Việc đầu tư cho lĩnh vực PHCN còn hạn chế, trang thiết bị chuyên khoa PHCN một số nơi còn nghèo nàn lạc hậu; giá dịch vụ PHCN còn thấp chưa bù đắp được công sức của thày thuốc nên chưa thu hút được người theo học và làm việc chuyên ngành PHCN;

Ngoài ra, việc thanh quyết toán BHYT ngày càng chặt chẽ và phức tạp nên mất nhiều thời gian, công sức của cán bộ y tế; Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về PHCN còn nhiều hạn chế.

Đặc biệt, trong cơ chế tự chủ về mặt tài chính hiện nay, có một số bệnh viện, cơ sở PHCN chưa tập trung phát triển chuyên môn PHCN một cách toàn diện, đặc biệt là chất lượng dịch vụ lâm sàng và dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ cho người bệnh, người khuyết tật.

Để nâng cao chất lượng bệnh viện, thu hút ngày càng đông người bệnh, PGS.TS Lương Ngọc Khuê đã đề nghị hệ thống các Bệnh viện PHCN nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn người bệnh. Các bệnh viện cần năng động và sáng tạo trong cung cấp các dịch vụ y tế phục vụ người bệnh.

Bên cạnh đó, các bệnh viện cần đề xuất các nội dung, giải pháp phù hợp, hiệu quả để triển khai thực hiện Nghị quyết số 20 của Ban Bí thư về chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ của nhân dân, trong đó tập trung đề xuất các giải pháp phát triển tổ chức hệ thống PHCN, nâng cao chất lượng dịch vụ lâm sàng, dịch vụ chăm sóc người bệnh, người khuyết tật, quan tâm đời sống nhân viên y tế, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, người khuyết tật và nhân viên y tế.

Theo thống kê, hiện cả nước có 6,2 triệu Người khuyết tật, hơn 11 triệu người người cao tuổi và người dân. Đây là đối tượng phục vụ chínhcủa các bệnh viện PHCN và Khoa PHCN. Năm 2018, các Bệnh viện PHCN đã khám bệnh PHCN cho trên 430.000 lượt bệnh nhân, điều trị nội trú cho trên 180.000 bệnh nhân, thực hiện hơn 2.000 phẫu thuật các loại, thực hiện trên 3,7 triệu thủ thuật PHCN, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.


Thái Bình- Lê Hảo
Ý kiến của bạn