Hệ miễn dịch suy yếu có làm giảm hiệu quả của vaccine COVID-19?

05-08-2021 11:03 | Dược

SKĐS - Cũng có những lo ngại rằng hệ thống miễn dịch suy yếu không chỉ khiến một số người có nguy cơ mắc các biến chứng cao hơn mà còn có thể làm giảm hiệu lực của vaccine COVID-19?

Người có miễn dịch suy yếu dễ bị tổn thương trước đại dịch 

Đối với phần còn lại của thế giới, vaccine COVID-19 hứa hẹn cuộc sống bình thường mới sẽ sớm quay trở lại. Nhưng chúng không được thiết kế hoặc thử nghiệm rộng rãi trên những cá nhân bị suy giảm miễn dịch hoặc bị ức chế miễn dịch, những người có hệ thống miễn dịch suy yếu bởi các điều kiện cơ bản, tiếp xúc với môi trường, thuốc hoặc virus như HIV. 

Với khả năng phòng thủ giảm sút, nhiều người trong số những người này vẫn chưa thể tin tưởng rằng những mũi tiêm mới sẽ bảo vệ họ khỏi SARS-CoV-2.

Hệ miễn dịch suy yếu có ảnh hưởng hiệu quả của vaccine COVID-19? - Ảnh 1.

Có thể hiệu lực của vaccine COVID-19 không được cao nhưng các mũi tiêm sẽ cung cấp sự bảo vệ cho người có hệ miễn dịch suy yếu.

Khoảng 3% người lớn ở Mỹ có hệ thống miễn dịch suy yếu. Trong số họ có những người bị nhiễm HIV hoặc AIDS, những người được ghép tạng, một số bệnh nhân ung thư và những người bị rối loạn tự miễn dịch như viêm khớp dạng thấp và bệnh lupus. 

Những người được coi là cực kỳ dễ bị tổn thương về mặt lâm sàng có nguy cơ bị COVID-19 nghiêm trọng dẫn đến nhập viện hoặc tử vong cao hơn khoảng sáu lần so với những người cùng tuổi không mắc bệnh.

Vaccine COVID-19 vẫn phát huy hiệu quả

Có thể hiệu lực của vaccine COVID-19 không được cao như ở những người khỏe mạnh, nhưng các mũi tiêm sẽ cung cấp sự bảo vệ cho người có hệ miễn dịch suy yếu. Đó là lý do tại sao tiêm chủng vẫn được khuyến khích cho những người có hệ thống miễn dịch bị suy yếu do bệnh tật hoặc một số loại thuốc nhất định.

Các vaccine phòng COVID-19 không được nghiên cứu ở một số lượng lớn những người có hệ miễn dịch kém. Nhưng dữ liệu và kinh nghiệm về vaccine cúm và viêm phổi cho thấy chúng sẽ không mang lại hiệu quả hoạt động tốt như ở những người khác. 

Điều đó có nghĩa là những người có hệ thống miễn dịch suy yếu cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa 5K như đeo khẩu trang, sát khuẩn và giữ khoảng cách.

Mặc dù hầu hết bệnh nhân ung thư nên chủng ngừa càng sớm càng tốt, những người được cấy ghép tế bào gốc hoặc liệu pháp tế bào T CAR nên đợi ít nhất ba tháng sau khi điều trị để tiêm chủng, theo hướng dẫn của Mạng lưới Ung thư Quốc gia Mỹ. Sự chậm trễ đó sẽ đảm bảo vaccine hoạt động tốt nhất có thể.

Vaccine có hiệu quả cao trong việc giảm nguy cơ mắc COVID-19 nghiêm trọng. Tuy nhiên, đối với những người đã được cấy ghép nội tạng, không có đủ dữ liệu để chứng minh tác dụng của vaccine do số lượng người trong nhóm này thấp, có nghĩa là cần phải có các nghiên cứu sâu hơn.

Đối với những người được cấy ghép, các nhà nghiên cứu đang xem xét liệu một liều bổ sung có thể làm cho vaccine hiệu quả hơn hay không?

Điều quan trọng nữa là gia đình, bạn bè và người chăm sóc của những bệnh nhân này cần phải tiêm vaccine, điều này sẽ làm cho khả năng lây truyền virus giảm đi rất nhiều. Khi xã hội đạt đến điểm giới hạn miễn dịch sẽ bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương khỏi căn bệnh này.

Mời quý độc giả xem thêm video đang được quan tâm:

Thu Hoài
Ý kiến của bạn