LTS: Báo SK&ĐS số 72 ra ngày 7/5/2014 đã đăng bài viết “Vũ khí chữa bệnh nhiễm khuẩn đang dần vô hiệu hóa trên toàn cầu” với cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới về tình trạng kháng thuốc kháng sinh đang đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Để giúp bạn đọc hiểu cặn kẽ hơn về thực trạng này ở Việt Nam, chúng tôi tiếp tục thông tin về tình trạng lạm dụng kháng sinh và những hệ lụy...
Tình trạng sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng thuốc kháng sinh trong điều trị bệnh ở nước ta đã dẫn tới việc các vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh. Từ đó các phác đồ điều trị chuẩn đã trở nên không còn hiệu lực...
Người dân tự ý mua thuốc kháng sinh về điều trị đã diễn ra khá phổ biến. Ảnh: TM
Vi khuẩn kháng thuốc cao
Tình trạng kháng kháng sinh (KKS) ở Việt Nam đã ở mức độ cao. Theo báo cáo ASTS (hoạt động theo dõi đề KKS của vi khuẩn tại Việt Nam) cho thấy, 5 loại vi khuẩn có tỷ lệ gặp cao nhất (được phân lập ở khoa ICU - khoa săn sóc đặc biệt) có tỷ lệ đề kháng đa kháng sinh ở mức báo động. Đó là Klebsiella spp., E.coli, P.aeruginosa, Acinetobacter và S. aureus. Sự kháng thuốc cao đặc biệt ở nhóm cephalosporin thế hệ 3 và 4 với tỷ lệ kháng từ 66-83%, tiếp theo là nhóm aminosid và fluoroquinolon tỷ lệ kháng xấp xỉ trên 60%.
Các chủng Streptococcus pneumoniae - một trong những nguyên nhân thường gặp nhất gây nhiễm khuẩn hô hấp kháng penicillin là 71,4% và kháng erythromycin tới 92,1%, cao nhất trong số 11 nước trong mạng lưới giám sát các căn nguyên kháng thuốc châu Á (ANSORP). 75% các chủng pneumococci kháng với ba hoặc trên ba loại kháng sinh. Theo báo cáo của một nghiên cứu khác năm 2009 ở nước ta cho thấy, 42% các chủng vi khuẩn gram âm kháng với ceftazidime, 63% kháng với gentamicin và 74% kháng với acid nalidixic tại cả bệnh viện và trong cộng đồng.
Các nghiên cứu của các bệnh viện đa khoa khác cũng như ở Bệnh viện Phổi T.Ư, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng T.Ư... cho thấy, tỷ lệ đa kháng thuốc ở các bệnh lao, HIV, sốt rét đều có chiều hướng gia tăng.
Do tỉ lệ KKS cao đã làm cho nhiều liệu pháp kháng sinh được khuyến cáo trong các tài liệu hướng dẫn điều trị chuẩn đã không còn hiệu lực. TS. Nguyễn Văn Kính - Viện trưởng Viện Nhiệt đới T.Ư cho biết, chính tỷ lệ kháng thuốc ngày càng cao đã làm cho việc điều trị các bệnh nhiễm khuẩn nhất là nhiễm khuẩn huyết bị thất bại dẫn đến tỷ lệ tử vong do sốc nhiễm khuẩn ngày càng gia tăng. Không chỉ làm tăng tỷ lệ tử vong, KKS còn làm tăng gánh nặng bệnh tật (bệnh nặng hơn) cũng như tốn kém về kinh tế cho bệnh nhân và cho xã hội (tăng chi phí chữa bệnh, thời gian điều trị kéo dài hơn).
Ví dụ, đối với một ca viêm phổi thông thường, người bệnh chỉ cần điều trị ngoại trú với amoxycyllin kết hợp acid clavulanic (uống). Về chi phí hết khoảng 65.000đ/ngày x 7 ngày (một đợt điều trị). Thế nhưng, đối với một ca kháng thuốc phải nhập viện (nằm viện) và dùng đến kháng sinh tiêm (ceftazidime 1g x 3 lọ/ngày, dùng trong 7 ngày). Như vậy, riêng đối với tiền thuốc kháng sinh bệnh nhân đã phải chi trả khoảng 300.000đ/ngày, chưa tính các chi phí xét nghiệm tìm kháng thuốc, chi phí nằm viện và người nhà thăm nom... TS. Nguyễn Thanh Hồi - Tổng Thư ký Hội Hô hấp Hà Nội cho biết thêm.
Nguyên nhân nào?
TS. Nguyễn Thanh Hồi cho biết, kháng sinh bị lạm dụng cả trong cộng đồng và trong bệnh viện.
Tại cộng đồng, người dân tự ý sử dụng thuốc bừa bãi không có đơn của bác sĩ. Có đến 90% thuốc kháng sinh được bán không có đơn tại các hiệu thuốc (theo nghiên cứu về tình hình cung ứng kháng sinh tại 30 nhà thuốc tư trên địa bàn nội thành và ngoại thành Hà Nội mới đây của Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng ĐH Oxford tại Việt Nam, Trường ĐH Y Hà Nội, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư... thực hiện). Tình trạng tự điều trị đã diễn ra khá phổ biến, trong khi việc tự chẩn đoán lại thiếu chính xác, dẫn tới tình trạng dùng kháng sinh khi chưa cần thiết hoặc bệnh không cần phải dùng kháng sinh (như các trường hợp cảm cúm thông thường) nhưng người bệnh vẫn lạm dụng. Và, khi kháng sinh được sử dụng, loại, liều dùng, thời gian điều trị thường không tuân thủ theo hướng dẫn.
Trong bệnh viện, sự quá tải bệnh viện, công tác chống nhiễm khuẩn chưa được chú ý đúng mức, thiếu các dịch vụ về vi sinh, vấn đề sử dụng kháng sinh không phù hợp (sử dụng kháng sinh khi chưa có kết quả phân lập vi khuẩn cũng như các kết quả kháng sinh đồ...) góp phần vào KKS ở hệ thống khám chữa bệnh ở nước ta. Một nghiên cứu của Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế về thực trạng sử dụng kháng sinh trên hơn 1.000 hồ sơ bệnh án tại các khoa điều trị tích cực của 19 bệnh viện lớn tại Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh cho biết, tỷ lệ sử dụng kháng sinh không phù hợp lên tới 74%. Và, việc sử dụng kháng sinh không phù hợp khiến cho thất bại điều trị ở nhóm bệnh nhân này lên tới 63% so với 40% ở nhóm dùng kháng sinh phù hợp.
TS. Nguyễn Văn Kính cho biết, kháng sinh đã được sử dụng rất rộng rãi không chỉ với mục đích chữa bệnh mà cả cho mục đích phòng bệnh, không chỉ trong lĩnh vực y tế mà cả trong lĩnh vực nông nghiệp (sử dụng rộng rãi trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản với mục đích kích thích tăng trưởng, phòng bệnh và điều trị). Chăn nuôi lợn và gia cầm thường được bổ sung kháng sinh như tetracycline và tylosin. Trong nuôi trồng thủy sản, tôm, cua và cá thường có nồng độ dư lượng kháng sinh nhóm quinolones và sulfonamides gấp vài lần so với các quốc gia khác. Và thực tế ở nước ta, thực phẩm, bao gồm thịt và cá phát hiện nhiễm Salmonella đa KKS. Campylobacter phân lập từ gà thịt cũng có mức kháng cao: 90% kháng với nalidixic acid, 89% với tetracycline và 82% với ciprofloxacin.
Việc lạm dụng kháng sinh đã xảy ra ở mọi lúc, mọi nơi đã tạo điều kiện cho các vi khuẩn dần dần kháng lại thuốc và làm mất tác dụng điều trị của thuốc.
Mời xem tiếp bài: Quyết liệt hành động trên mọi lĩnh vực trên SK&ĐS số 75 ra ngày 12/5/2014.
Thu Hương