Hệ lụy từ việc cho mượn thẻ BHYT

17-12-2015 23:47 | Xã hội
google news

SKĐS - Tại Hội nghị Hướng dẫn truyền thông về công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) vừa diễn ra, TS. Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế - Bộ Y tế cho biết, hành vi cho người khác mượn thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ của người khác trong KCB là vi phạm pháp luật và sẽ bị phạt tiền...

Cả người cho mượn và mượn thẻ BHYT đều vi phạm

Hiện nay, nhiều người không tham gia BHYT nhưng mỗi khi đi KCB lại mượn thẻ BHYT của người khác. Thực tế trên đang gây thất thoát cho quỹ BHYT và ngân sách nhà nước, bởi người không tham gia BHYT thì mức phí phải chi trả cho dịch vụ khám chữa bệnh phải cao hơn so với người có bảo hiểm. Về vấn đề này, TS. Lê Văn Khảm cho biết, căn cứ theo quy định tại Khoản 2, Điều 37, Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì người tham gia BHYT có nghĩa vụ: “Sử dụng thẻ BHYT đúng mục đích, không cho người khác mượn thẻ”. Hành vi cho mượn thẻ BHYT là vi phạm pháp luật. Điều 21 Nghị định 92/2011/NĐ-CP quy định rõ: “Hành vi cho người khác mượn thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ của người khác trong khám bệnh, chữa bệnh sẽ bị phạt tiền từ 500.000-1.000.000 đồng đối với trường hợp vi phạm nhưng chưa làm thiệt hại đến quỹ BHYT; phạt tiền từ 1.000.000-2.000.000 đồng đối với trường hợp vi phạm làm thiệt hại đến quỹ BHYT.

Cho người khác mượn thẻ BHYT là vi phạm pháp luật và sẽ bị phạt tiền.  Ảnh: TM

Hành vi cho người khác mượn thẻ BHYT của chủ thẻ sẽ bị tạm giữ thẻ trong thời hạn 30 ngày. Trong thời gian trên, người cho mượn thẻ không được hưởng quyền lợi BHYT. Quỹ bảo hiểm chỉ hoàn trả thẻ và chi trả phí KCB khi người vi phạm đã nộp phạt theo quy định. Người sử dụng thẻ BHYT của người khác sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn trả toàn bộ chi phí KCB đã được quỹ BHYT chi trả (nếu có).

Mặt khác, những trường hợp cho và mượn thẻ BHYT trong quá trình KCB  nếu xảy ra các tai biến, biến chứng hoặc bệnh nặng dẫn tới tử vong sẽ dẫn đến những phiền toái liên quan đến pháp lý và thủ tục tư pháp trong việc khai tử.

Để đảm bảo sự công bằng xã hội giữa người tham gia BHYT và người không tham gia, ông Khảm đề nghị cộng đồng tuyệt đối không cho người khác mượn thẻ khi đi khám chữa bệnh để tránh bị “vạ lây”.

Được quỹ BHYT chi trả như thế nào?

Đối với quan tâm của nhiều  người bệnh về vấn đề thanh toán BHYT, TS. Khảm nêu rõ, khi KCB đúng quy định, sử dụng dịch vụ KCB thông thường người bệnh sẽ được hưởng 100% chi phí KCB đối với đối tượng: Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan; Người có công với cách mạng; Trẻ em dưới 6 tuổi; Chi phí KCB đối với trường hợp chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở (lương tối thiểu chung) và KCB tại tuyến xã.

BHYT thanh toán 95% chi phí KCB đối với đối tượng: Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; Người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng; Người thuộc hộ gia đình nghèo; Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn và 80% chi phí KCB đối với các đối tượng khác.

Khi sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn được thanh toán 100% chi phí đối với: Trẻ em dưới 6 tuổi; Người hoạt động cách mạng trước 1945; Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh khi điều trị vết thương, thương tật tái phát.

100% chi phí đối với: Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan đang công tác trong lực lượng công an nhân dân nhưng không vượt quá 40 tháng lương cơ sở (lương tối thiểu chung) cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật. Phần còn lại do cơ quan, đơn vị quản lý đối tượng chi trả.

BHYT thanh toán 100% chi phí đối với: Người có công với cách mạng nhưng không vượt quá 40 tháng lương cơ sở (lương tối thiểu chung) cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật.

Các mức thanh toán lần lượt giảm xuống 95%, 80%, 70%, 50%, 30% với các đối tượng cụ thể, tùy thuộc vào hạng bệnh viện.

TS. Khảm cũng lưu ý, các đối tượng tham gia BHYT tự nguyện được hưởng quyền lợi dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn phải đảm bảo thẻ BHYT có giá trị sử dụng sau 180 ngày, kể từ ngày đóng BHYT.

Riêng với nhóm bệnh nhân ung thư, việc thanh toán 50% chi phí theo mức hưởng được áp dụng với người tham gia BHYT liên tục từ 36 tháng trở lên.

Với người bị tai nạn giao thông được hưởng quyền lợi KCB BHYT nếu không vi phạm pháp luật về giao thông. Trừ các trường hợp bị tai nạn giao thông nhưng thuộc phạm vi thanh toán theo quy định của pháp luật về tai nạn lao động.


Hoàng Nguyễn
Ý kiến của bạn