Hệ lụy từ quá khứ

19-02-2013 11:34 | Thời sự
google news

Tương lai được tiếp nối bởi quá khứ. Tại thời điểm Tết âm lịch năm Quý Tỵ, quá khứ đó lại quá cận kề từ hình ảnh những con phố đông người bán ít người mua.

Tương lai được tiếp nối bởi quá khứ. Tại thời điểm Tết âm lịch năm Quý Tỵ, quá khứ đó lại quá cận kề từ hình ảnh những con phố đông người bán ít người mua. 

Những con phố se sắt trong gió lạnh ở Hà Nội cũng đồng cảm với vô số cành đào không tìm được chủ nhân. Cho đến sát Tết, có nơi giá đào đã giảm đến phân nửa mà tình cảnh tiêu thụ vẫn không khả quan hơn là mấy.

Hệ lụy từ quá khứ 1
 Kinh tế khó khăn khiến sức mua suy giảm.

Nếu đào còn không bán được ở Thủ đô thì tại một số công viên trung tâm ở TP. Hồ Chí Minh, tình hình càng trở nên khó xử. Thời tiết nắng nóng cho đến những ngày giáp Tết đã khiến cho cả đào lẫn mai đều sớm rực lên một sắc hoa không mong muốn. Ở một số nơi, đào trở nên trơ trụi với cành khô héo mà người mua không ngần ngại ví như “củi”. Tại một số nơi khác, giá mai vàng đã giảm đến 70 - 90%, thậm chí bán gần như cho mà vẫn không làm cho khách mua hào hứng hơn. Đã có một số chủ cam lòng không bán, cứ để cho mai nở tung hết rồi thuê xe chở về nhà sau Tết.

Liên quan tới sự lụi tàn của sức mua nêu trên chính là ngân hàng. Vào năm nay, những ông chủ được coi là “ngồi mát ăn bát vàng” này phải đối diện với một thực tại - hệ lụy từ chính thời hoàng kim của họ: không còn duy trì được mức thưởng Tết cao như các năm trước, thậm chí họ còn phải đối mặt với nguy cơ phá sản nếu không đẩy mạnh được sức tiêu thụ trong dân. Hàng loạt hệ quả từ nhiều năm trước đang dồn nén lại.

50.000 tỷ đồng do Ngân hàng nhà nước cấp kỳ bơm ra thị trường tuy có khuấy động sức mua tại một số siêu thị và chợ đầu mối trong vài ngày giáp Tết Quý Tỵ, song chừng đó là hoàn toàn chưa đủ cho sự phục hồi của thị trường sức cầu. Bên dưới Ngân hàng nhà nước, nhiều ngân hàng vẫn đang âm thầm thực hiện chính sách tiết giảm nhân viên. Như thường lệ, công việc này được triển khai không mang tính quảng bá rầm rộ lên các phương tiện thông tin đại chúng như các chương trình khuyến mãi mua nhà và xe hơi, nhưng quả thực đang tiến vào chiều sâu, phản ánh trên gương mặt bắt đầu nhuốm âu lo của cả những chủ ngân hàng tiềm lực nhất.

Là kẻ chỉ phải hứng chịu sau cùng hậu quả của cơn bão suy thoái, ngành ngân hàng sẽ ra sao nếu họ không xử lý được vấn đề tự thân của mình? Cứ cho là các ngân hàng lớn vẫn có thể cầm cự được với những khoản tiền gửi cầm chừng của người dân, song để biến tiền gửi thành phương tiện sinh lời thì lại cần có đầu ra. Đầu ra đó lại phụ thuộc mật thiết vào các doanh nghiệp sản xuất - những địa chỉ mà cách đây không lâu ngân hàng còn chê ỏng chê eo khi đặt ra tiêu chí về “khách hàng tiềm năng”. Còn nay, với tình trạng suýt soát hai phần ba “tiềm năng” đó đã trở nên bạc nhược, sẽ không còn cách nào khác đối với ngân hàng ngoài việc phải tìm mọi cách để đẩy lượng vốn tồn ứ trong két sắt ra thị trường, bất kể một số doanh nghiệp không muốn vay, không dám vay, và nếu có vay cũng khó có khả năng thanh toán đúng hạn.

Hình ảnh đào và mai trơ trọi ở nhiều góc đường như phản chiếu hiện trạng về một nền kinh tế bí đầu ra. Sức mua giảm sút trầm trọng, đại bộ phận doanh nghiệp vẫn còn mang nặng tâm lý “vay là tự sát” khi mức lãi suất ngân hàng vẫn còn treo cao đến 14 - 15%. Những con số kỳ vọng về lãi suất cho vay mà Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng nêu ra như 6 - 8%, cho tới nay vẫn chỉ mang tính ước nguyện, trong khi thực tế lại chưa chứng tỏ một cơ sở nào để các ngân hàng có thể giảm mức lãi suất cho vay về vị trí đó.

Cuối cùng, điều cay đắng nhất đối với các ngân hàng dĩ nhiên phải kể đến con nợ bất động sản. Vào năm 2013 này, tính quyết liệt đến mức sinh tử sẽ xảy ra, ứng nghiệm với những ngân hàng nào không thể thu hồi nợ, dù chỉ là một phần nhỏ. Có khá nhiều những ngân hàng như thế, từ các ông lớn như Agribank, BIDV, Vietcombank đến cả những ngân hàng nhỏ như Phương Tây... Tỷ lệ nợ xấu, nợ khó đòi hay nợ gần như không thể thu hồi tại nhiều ngân hàng đã lên đến một nửa trên tổng số tín dụng cho vay. Còn trên tổng thể, ít nhất 200.000 tỷ đồng là số nợ xấu bất động sản được thận trọng công bố. Song, một số nguồn tin và giới chuyên gia lại cho rằng, nợ xấu bất động sản thực tế có thể cao hơn gấp đôi con số đó, thậm chí còn hơn nhiều nữa.

Bế tắc đầu ra cũng là tình trạng khốn quẫn của các doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh trước và cả sau Tết Quý Tỵ. Trong khi Bộ Xây dựng chỉ dè dặt công bố con số tồn kho khoảng trên 40.000 căn hộ ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, thì các con số của những hãng tư vấn bất động sản nước ngoài như Savills và CBRE lại khác biệt khá nhiều. Gần 200.000 căn hộ các loại còn tồn đọng là một thông tin mới nhất của CBRE. Với khoảng 70% trong số đó thuộc về phân khúc căn hộ trung cấp và cao cấp, người ta có thể nhận ra bài toán căn hộ cần phải giải quyết là khủng khiếp đến thế nào. Rất nhiều chuyên gia trong ngành bất động sản đã cho rằng, thị trường cần phải mất ít ra 5 - 7 năm, thậm chí hàng chục năm để tiêu thụ lượng tồn khổng lồ như thế.

Trần Đình Thiên, một chuyên gia trong Hội đồng tư vấn chính sách tài chính và tiền tệ của Chính phủ, là người có nét gì đó giống với Nouriel Roubini - “tiến sĩ tận thế” của Mỹ, khi ông không dưới một lần nêu ra nhận định bi quan về nền kinh tế Việt Nam trong các năm 2011, 2012 và lần này là 2013, trái ngược với cái nhìn tươi hồng của một số quan chức đầu bộ ngành.

Với những nông dân chỉ biết làm lụng đầu tắt mặt tối, làm sao có thể lý giải được sự trái ngược trên?

Dũng Hà


Ý kiến của bạn