Nín thở khi đi vệ sinh…
Theo trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ hợp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV cho hay, có đến 95-97% trường phổ thông và mầm non trong cả nước có nhà vệ sinh. Khoảng 40% trong số này đạt chuẩn, còn lại đã bị xuống cấp và chưa được duy tu, nâng cấp.
Ở những nhà vệ sinh “bẩn”, không đạt chuẩn, tình trạng sàn nhà ướt lép nhép, cáu bẩn… đến bốc mùi khai thối, nên việc nín thở để đi “giải quyết nỗi buồn” đã là chuyện thường ngày của không ít học sinh. Không chỉ mất vệ sinh, tại một số trường, số lượng nhà vệ sinh không đủ, dẫn đến tình trạng học sinh xếp hàng đợi chờ để đi vệ sinh mỗi giờ ra chơi.
Và nguy cơ bệnh tật
Có thể nói, trong trường học nhà vệ sinh hợp vệ sinh đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe cho cả thầy, cô và học sinh. Thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh không đảm bảo, khiến cho các em sợ đi tiểu và đại tiện. Việc sợ và phải nhịn các nhu cầu này dẫn đến nhiều hệ lụy sức khỏe. Dễ nhận thấy nhất là tình trạng táo bón do nhịn đi cầu. Nếu bị táo bón lâu ngày có thể gây bệnh trĩ, rách hậu môn và liên quan đến các vấn đề đại tiểu tiện không tự chủ ở trẻ như đái dầm, ị đùn…
Nhà vệ sinh cáu bẩn, hôi hám là nỗi ám ảnh của học sinh
Bên cạnh đó, nhiều học sinh vì nhịn tiểu nên không uống đủ lượng nước trong ngày học, làm tăng nguy cơ bị mất nước và nhiễm trùng bàng quang. Ngoài ra, bệ ngồi của nhà vệ sinh bẩn làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu đối với các học sinh nữ. Việc thiếu phương tiện rửa tay (nước sạch, xà phòng, khăn lau tay) cũng sẽ làm tăng nguy cơ ô nhiễm bàn tay của các em, có thể là nguyên nhân dẫn tới sự bùng phát của các dịch bệnh truyền nhiễm như bệnh tay chân miệng, tả, tiêu chảy…
Không chỉ tác động xấu về thể chất mà tâm lý của các em cũng bị ảnh hưởng. Học sinh khi phải trải qua khó chịu khi đi vệ sinh cũng sẽ ảnh hưởng đến việc tiếp thu bài học và khả năng tập trung, hào hứng đến trường. Tác động tâm lý lâu dài làm cho các em sợ đi vệ sinh, coi như cực hình, ám ảnh khi ở trường.
Giải quyết tình trạng thiếu nhà vệ sinh
Năm 2018, Cục Quản lý môi trường y tế đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh Long An, Lào Cai, Hà Tĩnh và Ninh Bình tổ chức buổi phát động chiến dịch truyền thông rửa tay với xà phòng và hướng dẫn sử dụng, bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh trong trường học hưởng ứng Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng (15/10) và Ngày Nhà vệ sinh thế giới (19/11). Buổi phát động nhằm mục đích tuyên truyền, nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của giáo viên, học sinh, phụ huynh về vai trò và lợi ích của việc rửa tay với xà phòng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có yêu cầu: Rà soát, đánh giá thực trạng, lập kế hoạch xây mới, sửa chữa, cải tạo nhà vệ sinh và công trình nước sạch theo các Tiêu chuẩn thiết kế (TCVN) và Quy chuẩn quốc gia (QCVN) (TCVN 3907:2011 “Trường mầm non - Yêu cầu thiết kế”; TCVN 8793:2011 “Trường tiểu học - Yêu cầu thiết kế”; TCVN 8794:2011 “Trường trung học - Yêu cầu thiết kế”; QCVN 01:2011/BYT “Nhà tiêu - Điều kiện bảo đảm hợp vệ sinh”).
Kế hoạch của mỗi cơ sở giáo dục phải thể hiện các nội dung: Nêu được thực trạng, đề xuất kế hoạch cải tạo, nâng cấp nhà vệ sinh, công trình nước sạch; quy chế bảo quản, sử dụng nhà vệ sinh, công trình nước sạch đúng cách; mô hình quản lý, vận hành và sử dụng nhà vệ sinh, công trình nước sạch phù hợp thực tiễn của trường, chú trọng xây dựng mô hình tự quản của giáo viên và học sinh; gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục với việc bảo đảm vệ sinh trường học…Mục đích, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhà vệ sinh và công trình nước sạch trong các cơ sở giáo dục; không đưa vào sử dụng các công trình, lớp học, nhà vệ sinh chưa đảm bảo an toàn theo qui định.