Hà Nội

Hệ lụy từ nhà vệ sinh bẩn trong trường học

10-05-2019 07:13 | Thời sự
google news

SKĐS - Thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh bẩn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tác động không nhỏ đối với sức khỏe của học sinh; là nguyên nhân gây ra các dịch bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn và nhiễm các loại giun, sán đường ruột...; ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần của trẻ.

Nín thở khi đi vệ sinh…

Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), tính đến tháng 8/2018, cả nước có trên 188.000 nhà vệ sinh ở các cấp tiểu học, THCS, THPT công lập. Hầu hết cơ sở giáo dục từ tiểu học đến THPT công lập đều có nhà vệ sinh dành riêng cho học sinh và giáo viên. Tuy nhiên, nhà vệ sinh đang sử dụng tốt chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 67,3% (riêng cấp tiểu học chỉ có 57,9% nhà vệ sinh sử dụng tốt, còn lại là bán kiên cố, tạm hoặc nhà vệ sinh nhờ mượn). Nhiều nhà vệ sinh không đáp ứng yêu cầu sử dụng như số lượng xí, chỗ rửa tay còn thiếu.

Ở những nhà vệ sinh “bẩn”, không đạt chuẩn, tình trạng sàn nhà ướt lép nhép, cáu bẩn… đến bốc mùi khai thối, nên việc nín thở để đi “giải quyết nỗi buồn” đã là chuyện thường ngày của không ít học sinh. Không chỉ mất vệ sinh, tại một số trường, số lượng nhà vệ sinh không đủ, dẫn đến tình trạng học sinh xếp hàng đợi chờ để đi vệ sinh mỗi giờ ra chơi.

Và nguy cơ bệnh tật

Có thể nói, trong trường học nhà vệ sinh sạch đóng một vai trong vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe cho cả thầy và trò. Thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh không đảm bảo, khiến cho các em sợ đi tiểu và đại tiện. Việc sợ và phải nhịn các nhu cầu này dẫn đến nhiều hệ lụy sức khỏe. Dễ nhận thấy nhất là tình trạng táo bón do nhịn đi cầu. TS.BS. Trương Anh Thư, Phó Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nếu bị táo bón lâu ngày có thể gây bệnh trĩ, rách hậu môn và các vấn đề đại tiểu tiện không tự chủ ở trẻ như đái dầm, ị đùn...

Hệ lụy từ nhà vệ sinh bẩn trong trường họcNhà vệ sinh cáu bẩn, hôi hám là nỗi ám ảnh của học sinh.

Bên cạnh đó, nhiều học sinh vì nhịn tiểu nên không uống đủ lượng nước trong ngày học, làm tăng nguy cơ bị mất nước và nhiễm trùng bàng quang. Ngoài ra, bệ ngồi của nhà vệ sinh bẩn làm các học sinh nữ phải cúi mình thay vì ngồi khi đi tiểu tiện làm cho nước tiểu không được thải hết ra ngoài sau mỗi lần tiểu tiện, làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu. Thực tế, 25% vấn đề sức khỏe ở học sinh có liên quan tới việc không sử dụng nhà vệ sinh khi cần. Việc thiếu phương tiện rửa tay (nước sạch, xà phòng, khăn lau tay) làm tăng nguy cơ ô nhiễm bàn tay của các em, có thể là nguyên nhân dẫn tới sự bùng phát của các dịch bệnh truyền nhiễm. Những bệnh truyền nhiễm các em có thể bị nhiễm như: bệnh tay chân miệng, tả, tiêu chảy...

Nhà vệ sinh trường học bẩn cũng là nơi dễ làm cho các em nhiễm giun sán dẫn tới tình trạng suy dinh dưỡng. Các vi sinh vật gây bệnh từ nhà vệ sinh có thể theo trẻ về nhà lây cho gia đình, theo người chế biến thức ăn đến bữa ăn của học sinh…

Không chỉ tác động xấu về thể chất mà tâm thần, tâm lý của các em cũng bị ảnh hưởng. Học sinh khi phải trải qua khó chịu về thể chất cũng sẽ bị phân tâm trong bài học và khả năng tập trung, hứng thú đến trường cũng có thể bị giảm sút. Tác động tâm lý lâu dài làm cho các em sợ đi vệ sinh, coi như cực hình, ám ảnh khi ở trường.


Nguyễn Thu
Ý kiến của bạn