Là làng nghề thu gom và chế biến các sản phẩm từ đồng nát được hình thành và phát triển hàng chục năm qua, vì vậy, mỗi ngày, tại thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì (Hà Nội) thường thu hút hàng trăm lao động với hàng chục điểm thu gom vỏ chai, nhựa cùng lông gà, lông vịt các loại từ khắp nơi đổ về.
Những điểm tập kết “đồng nát” như thế này luôn ẩn chứa nhiều nguy cơ đối với môi trường và sức khỏe. Dọc đường vào thôn Tân Triều, mặt đường phủ trắng lông gà, lông vịt bốc lên mùi hôi thối. |
Ngoài việc tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người dân thì công việc này cũng ẩn chứa nhiều hệ lụy nguy hiểm.Bên cạnh việc tạo ra công ăn việc làm và góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế của địa phương, nhưng từ nhiều năm qua, hệ lụy của việc thiếu ý thức cũng như thiếu đầu tư quy hoạch tập trung trong quá trình thu gom và tái chế phế liệu khiến cho môi trường sống tại đây đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt và sức khỏe của nhiều hộ gia đình. Dọc theo con đường vào thôn Tân Triều, tất cả mặt đường hầu như đều bị phủ trắng bởi những lớp lông gà, lông vịt được đem phơi, mùi khăn khẳn đặc trưng bao phủ bay theo gió khiến cho dù đã được chuẩn bị với khẩu trang kín mít nhưng chúng tôi vẫn không khỏi rùng mình khi nhìn thấy những cảnh tượng mất vệ sinh đập vào trước mắt. Không chỉ vậy, theo quan sát của chúng tôi, tại hai bên vệ đường cùng những khu đất trống là các bãi tập kết vỏ nhựa, can nhựa đã qua sử dụng được nhét vào bao tải chất thành từng đống với hàng trăm bao tải phế liệu xếp ngổn ngang cao chót vót nhìn chẳng khác gì như những đống “núi”. Phía dưới nền đất, nước bẩn từ bên trong các chai, lọ đóng trong bao đang ròng ròng chảy xuống tạo thành từng vũng đặc quánh màu đen kịt, xung quanh đó, lũ ruồi nhặng đang thi nhau bu đậu. Dưới cái nắng gay gắt của tiết trời mùa hè khiến mùi ô uế bốc ra càng thêm nồng nặc, vì vậy, dù chỉ có mặt ở đây khoảng 15 phút nhưng trực tiếp chứng kiến và hít đủ các loại mùi khiến chúng tôi không thể chịu nổi và phần nào cảm nhận được sự quá sức khi phải căng mình chịu đựng ô nhiễm của những người dân nơi đây suốt nhiều năm qua. Tâm sự với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Thắng chia sẻ: “Vẫn biết sống như thế này là không đảm bảo cho sức khỏe nhưng bây giờ chúng tôi cũng chẳng biết làm nghề gì khác ngoài nghề tái chế đồng nát này, cả ngày tay chân tiếp xúc với nhựa bẩn, lông gà, lông vịt hôi thối khiến có lúc cứ nghĩ đến mùi mà đã thấy sợ đến ốm cả người, nhiều khi nhìn thấy cơm mà không sao nuốt nổi”. Qua tìm hiểu được biết, trong quá trình xay chế và tạo nhựa các loại chất tẩy màu cùng phẩm nhuộm cũng được người dân vô tư xả thẳng ra môi trường khiến cho nguồn nước nơi đây vì thế cũng đang bị xâm hại nghiêm trọng. Tại các kênh mương cùng những chân ruộng dùng để trồng rau muống gần đó, mặt nước luôn nổi lên những váng xanh, váng vàng... bốc mùi làm cho cá tôm cùng các loài thủy sinh không thể sinh sống được. Hệ lụy của việc môi trường sống không đảm bảo cũng là nguyên nhân tác động không nhỏ làm nhiều năm qua có rất nhiều người dân của làng nghề nơi đây mắc phải các loại bệnh như ho, hen, viêm phế quản..., đặc biệt còn có những trường hợp mắc các bệnh nguy hiểm như ung thư gan, ung thư dạ dày. Rất mong chính quyền sở tại sớm có những biện pháp quan tâm khắc phục như đầu tư công nghệ và các quy hoạch tập trung một cách hợp lý để làng nghề phát triển theo hướng bền vững an toàn, bên cạnh đó, người dân cũng cần nâng cao ý thức chấp hành nghiêm chỉnh các quy định trong việc sản xuất nhằm tạo ra môi trường sống trong sạch để bảo vệ sức khỏe cho chính mình.
Xuân Nhuận