Hà Nội

Hệ lụy từ giấy tờ giả

09-03-2018 08:22 | Thời sự
google news

SKĐS - Hiện nay, nhiều trường hợp sử dụng giấy tờ, tài liệu giả hoặc mạo danh người khác ký tên trên hợp đồng, giao dịch liên quan đến các tài sản như nhà ở, quyền sử dụng đất, mua bán xe... có giá trị lớn, tại các tổ chức hành nghề công chứng để lừa đảo. Điều này gây bất an cho các công chứng viên và cũng là nỗi ám ảnh cho người dân khi thực hiện giao dịch vì họ rất dễ trở thành nạn nhân.

Trong thời gian qua, rất nhiều vụ việc các đối tượng làm giả với hành vi và thủ đoạn ngày càng tinh vi khiến công chứng viên bị qua mặt, trong khi việc xử lý hình sự không hề dễ dàng. Thậm chí khi phát hiện việc giả mạo giấy tờ, mạo danh người khác thì các công chứng viên và các phòng công chứng đều lập biên bản tạm giữ giấy tờ để xác minh tại các cơ quan có thẩm quyền. Nhưng việc này không thể làm ngay mà phải mất vài ngày, chưa kể thiếu sự hỗ trợ của các cơ quan. Bên cạnh đó, khó khăn khác là tổ chức hành nghề công chứng không có thẩm quyền tạm giữ người sử dụng giấy tờ giả hoặc người giả mạo. Khi lập biên bản, người vi phạm thường từ chối ký biên bản mà tự ý ra về. Do không chắc chắn về nhân thân và địa chỉ người vi phạm nên công chứng chỉ dừng ở việc trình báo và chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền. Cùng lắm là đề nghị lưu ý thông tin giả mạo trên mạng ngăn chặn của Sở Tư pháp để tổ chức hành nghề công chứng khác biết để kiểm tra, giám sát.

Tình trạng giả mạo giấy tờ, giả mạo người khác khi công chứng, chứng thực đang là vấn đề nghiêm trọng ở nhiều địa phương với số vụ việc đã phát hiện hoặc tiềm ẩn dấu hiệu giả mạo ngày càng tăng với thủ đoạn tinh vi, phức tạp. Điều này ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội, tạo tâm lý lo lắng, bất an cho công chứng viên, cơ quan chứng thực, doanh nghiệp và người dân. Nó còn tác động tiêu cực đến việc bảo đảm an toàn pháp lý trong giao dịch, giải quyết thủ tục hành chính. Hậu quả là nhiều tổ chức, cá nhân bị lừa, bị chiếm đoạt hàng tỷ đồng và gây áp lực cho công chứng viên. Đã có trường hợp công chứng viên bị truy tố vì có sai sót về trình tự, thủ tục công chứng do không phát hiện được giấy tờ giả.

Ngoài việc mất mát tài sản thì người bị chiếm đoạt tài sản còn rơi vào cảnh suy sụp tinh thần, ảnh hưởng sức khỏe... Trước thực trạng đó, các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp như chủ động phối hợp với UBND quận, huyện, tổ chức hành nghề công chứng rà soát những bất cập về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng giấy tờ giả để đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định mới. Phối hợp tổ chức các đợt bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chứng viên về kỹ năng nhận diện, phát hiện giấy tờ giả, giả mạo người khác. Trang bị máy soi dấu vân tay, giấy tờ, kính lúp để hỗ trợ kiểm tra giấy tờ... Tuy nhiên, trong khi các đối tượng làm giả giấy tờ và người sử dụng giấy tờ giả ngày càng tăng do trình độ giả mạo vô cùng tinh vi, phức tạp, đòi hỏi phải có các phương tiện máy móc của cơ quan chuyên ngành mới phát hiện được. Bên cạnh đó, cần phải tăng cường sự phối hợp xử lý giữa các cơ quan, đặc biệt, giữa các tổ chức hành nghề công chứng (đơn vị phát hiện) với công an (đơn vị tiếp nhận, xử lý) và một số cơ quan công an phường/xã/thị trấn nhằm phát hiện, xử lý quyết liệt các vụ việc giả mạo giấy tờ để lừa đảo, có như vậy, các giải pháp phòng chống mới, hiệu quả thực sự.


Minh Khôi
Ý kiến của bạn