Theo Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, những vụ tấn công như thế này đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với giao thông hàng hải và nguồn cung năng lượng. Tuyên bố nhấn mạnh, đây là một sự vi phạm các quy tắc quốc tế về tự do hàng hải và giao thông hàng hải, đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế. Các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng hối thúc các bên giải quyết căng thẳng một cách hòa bình và thông qua đối thoại. Cuộc họp diễn ra theo yêu cầu của Mỹ, trong bối cảnh căng thẳng không ngừng leo thang với Iran. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã cáo buộc Iran là “thủ phạm” các vụ tấn công, bất chấp việc nước này bác bỏ mạnh mẽ.
Mỹ - Iran cận kề miệng hố chiến tranh.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố các biện pháp trừng phạt bổ sung của Mỹ đối với Iran, trong đó mục tiêu chính là nhằm vào Lãnh tụ tối cao của Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei. Ông Trump gọi các biện pháp trừng phạt mới là sự phản ứng “mạnh mẽ và tương xứng” với các hành động khiêu khích ngày càng gia tăng của Iran, bao gồm vụ bắn hạ máy bay do thám không người lái của Mỹ gần không phận Iran và các vụ tấn công tàu chở dầu tại eo biển Hormuz.
Về phần mình, Iran đe dọa sẽ tiếp tục bắn hạ các máy bay không người lái của Mỹ nếu các máy bay này vi phạm không phận quốc gia của nước này. Bộ Ngoại giao Iran hôm qua tuyên bố, nước này sẽ xem xét một cách nghiêm túc các lệnh trừng phạt mới của Mỹ và coi đây như một “hành vi thù địch, tương tự như khủng bố kinh tế và chiến tranh kinh tế chống lại Iran”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Moussavi đồng thời nhấn mạnh, các lệnh trừng phạt sẽ không mang lại kết quả.
Iran và Mỹ vốn không còn duy trì các mối quan hệ ngoại giao từ năm 1980. Căng thẳng Mỹ - Iran bị đẩy lên đỉnh điểm với những tranh cãi sau vụ Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) bắn hạ máy bay do thám chiến lược không người lái Global-Hawk BAMS-D của Mỹ trên vùng trời eo biển Hormuz ngày 20/6, cáo buộc máy bay Mỹ đã vi phạm không phận Iran, gây hấn và việc bắn hạ thể hiện chính sách của Tehran. Trái lại, Mỹ tuyên bố máy bay do thám bị bắn rơi khi đang hoạt động trong không phận quốc tế. Trung tướng Joseph-Guastella Chỉ huy không quân Mỹ tại Trung Đông, lập luận máy bay của Mỹ đang hoạt động trong các hành lang không phận đã được thiết lập trước đó và chưa từng tiếp cận dưới 34km cách bờ biển Iran. Các nguồn tin cho biết Tổng thống Trump đã chỉ thị hủy kế hoạch tấn công chỉ 10 phút trước khi máy bay Mỹ tấn công các mục tiêu của Iran với lý do tránh gây thương vong cho khoảng 150 người và Washington “không vội tấn công” Tehran. Về phần Iran, giới chức nước này tuyên bố đã lựa chọn phương án không bắn hạ máy bay trinh sát P-8 có người lái của Mỹ đang hoạt động gần với máy bay không người lái trên, chỉ buộc máy bay quân sự P-8 đổi hướng, có vẻ phần nào tránh để xung đột bị đẩy cao hơn nữa.
Giới chuyên gia cho rằng những động thái leo thang căng thẳng gần đây từ cả Mỹ và Iran tiếp tục là những “đòn cân não” để nắn gân, gây sức ép đối với đối thủ nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng. Tổng thống Trump phải phản ứng khi máy bay do thám của Mỹ bị IRGC bắn hạ, nhưng cách thức phản ứng cho thấy ông chủ Nhà Trắng không muốn có chiến tranh với Iran vào thời điểm chiến dịch vận động tranh cử nhiệm kỳ hai đã bắt đầu. Một cuộc tấn công quân sự hạn chế nhằm vào Iran có nguy cơ dẫn tới Tehran trả đũa, có khả năng gây ra xung đột quy mô lớn trên phạm vi khu vực. Cuộc xung đột này khó tránh kéo theo sự tham gia của các đồng minh của Mỹ và là “đối thủ” của Iran như Saudi Arabia hay Israel, cũng như các lực lượng lâu nay Washington vẫn cho rằng “có quan hệ với Iran” như Hezbollah tại Liban, Al-Houthi tại Yemen và một số nhóm dân binh Shiite tại Iraq. Rủi ro từ cuộc chiến lan rộng ở Trung Đông khiến các lợi ích của Mỹ và đồng minh khu vực chắc chắn bị ảnh hưởng, chưa kể Washington có thể bị “sa lầy” vào một cuộc phiêu lưu quân sự mới. Trung Đông rơi vào khủng hoảng tất yếu làm gia tăng giá dầu thô toàn cầu, tác động tiêu cực đến sức khỏe của nền kinh tế thế giới, qua đó làm giảm tăng trưởng kinh tế Mỹ, vốn là yếu tố quyết định lá phiếu cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử tổng thống 2020.
Việc Tổng thống Trump công khai rút lại quyết định tấn công Iran và tuyên bố về “sự thịnh vượng cho Iran nếu quốc gia Hồi giáo này chấp nhận hợp tác với Mỹ để phi hạt nhân hóa”, được đánh giá là nhằm thực hiện chiến tranh tâm lý với Tehran, cũng như truyền tải thông điệp muốn đàm phán và tạo dư luận ông đang “trao cơ hội hòa bình” cho Iran, tháo ngòi nổ chiến tranh đã rất cận kề. Đây có thể coi là bước đi đầy tính toán của Tổng thống Trump khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang tới gần vào năm tới.