Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ để lại hệ lụy nghiêm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần cho người bệnh.
Với các bệnh nhân SNTK, não không hề xảy ra thay đổi bệnh lý mà bệnh là do thiếu cân bằng chức năng sinh lý của hệ thống thần kinh trong trạng thái quá căng thẳng, mệt mỏi. Đặc trưng chủ yếu của bệnh là tinh thần dễ hưng phấn nhưng cũng dễ mệt mỏi, dễ trầm cảm; cơ thể hay khó chịu, nhưng khi kiểm tra sức khỏe lại không thấy bệnh tật gì. Người bệnh hay đau đầu, trí nhớ kém đi, ăn không ngon, hiệu quả học tập, làm việc suy giảm, ngủ nhiều mộng mị, có thể gặp ảo giác, ban ngày buồn ngủ nhưng đêm lại khó ngủ… gây tâm lý hoang mang, tinh thần mỏi mệt. Bệnh là một trạng thái rối loạn của hệ thần kinh trung ương, thường hay gặp ở lứa tuổi trung niên; tuy nhiên, có vài trường hợp gặp ở cả lứa tuổi thanh niên.
Nguyên nhân
Nguyên nhân bên trong: Do những nhược điểm về tính cách và tố chất tâm lý của con người. Những người thể chất yếu, tính cách yếu đuối tự ti; hoặc ngược lại là quá tự tin thậm chí ngạo mạn, ảo tưởng, tâm lý hay căng thẳng; người sống nội tâm, đa sầu đa cảm… khả năng chống chịu với những áp lực tinh thần không tốt.
Nguyên nhân bên ngoài: Do những kích thích tinh thần mạnh và liên tục trong cuộc sống, như chuyện buồn trong gia đình, trắc trở trong tình yêu, thất bại trong sự nghiệp, căng thẳng với đồng nghiệp hay hàng xóm, chịu áp lực quá nặng nề trong công việc hay thi cử, bị hiểu nhầm tai hại, ân hận, dằn vặt quá mức... Mặt khác, quá lạm dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá hoặc một số loại tân dược cũng có thể gây suy nhược thần kinh. Lao động trí óc quá sức và kéo dài, mất ngủ, mất cân bằng giữa hưng phấn và ức chế của vỏ não sẽ dẫn tới bệnh này.
Các dấu hiệu của SNTK
- Mệt mỏi là dấu hiệu thường gặp của SNTK, nhưng trong một số trường hợp có thể do vận động thể lực quá độ hay lao động nặng nề dẫn đến mệt mỏi. Tuy nhiên, trong trường hợp bình thường, khi mệt mỏi, thì chỉ cần nghỉ ngơi là có thể hồi phục. Nhưng mệt mỏi do SNTK mặc dù được nghỉ ngơi, bồi dưỡng cũng không phục hồi thể lực, thậm chí càng ngủ thì càng cảm thấy suy yếu, không có sức. Song song với mệt mỏi là trạng thái bực bội khó chịu, không yên.
- Ngoài ra, còn có một số biểu hiện khác rất thường gặp ở người bị bệnh SNTK, đó là, cứ luôn nghi ngờ mình có bệnh gì đó nặng lắm. Bởi vì, từ cảm giác mệt mỏi không giải thích được, do những cảm giác khó chịu trong cơ thể, hoặc từ những kiến thức đọc được trong sách báo y học hay từ những người bệnh trước đó rồi lo sợ mình mắc bệnh. Chẳng hạn như khi đau đầu thì cho rằng bị khối u ở não, hay hồi hộp thì cho là bị bệnh tim hoặc khi đầy hơi khó chịu trong dạ dày thì cho là bị viêm loét hoặc bị ung thư dạ dày… Mặc dù đã được khám toàn diện với kết quả bình thường nhưng vẫn không chấp nhận, không từ bỏ hoài nghi về một căn bệnh nào đó, và cứ cho rằng bệnh của mình rất đặc biệt hoặc kết quả kiểm tra có thể bị nhầm, cho nên cứ tiếp tục khám và tìm cách chữa trị bằng những phương pháp kỹ thuật cao rất tốn kém, với hy vọng có thể biết được mình mắc bệnh gì.
- Mất ngủ cũng là một trong những biểu hiện chủ yếu của bệnh SNTK. Một số trường hợp tuy ngủ ít vào ban đêm nhưng ban ngày họ vẫn có thể tràn trề tinh thần làm việc, học tập, đầu óc rất sáng suốt, tình cảm ổn định, ít bực bội, tức giận. Nhưng trường hợp mất ngủ do SNTK thì thời gian ngủ ban đêm không nhiều để rồi ban ngày rất mệt mỏi, ngủ gật, ngồi đâu cũng muốn ngủ. Nhưng khi được ngủ thì lại không ngủ được và dùng thuốc an thần cũng không có kết quả.
Cần được khám và điều trị sớm
SNTK là một dạng bệnh lý về tâm thần, thể nhẹ, không có biểu hiện gây rối loạn hành vi theo kiểu dị kỳ, xa lạ. Tuy nhiên, nếu những biểu hiện của SNTK ở mức độ nặng hơn như hoang tưởng hay ảo giác thì trở nên bệnh tâm thần loại nặng. Người bệnh thường không được can thiệp sớm, do đó dễ bị hậu quả tâm lý nặng nề và gây tốn kém cho người bệnh. Mặt khác, nếu điều trị không đúng hoặc không được điều trị khi bị suy nhược cơ thể, bệnh nhân có nguy cơ mất khả năng lao động và tình trạng này lại làm nặng thêm, nói cách khác là dẫn đến trầm cảm lo âu. Nếu không chữa trị, các triệu chứng sẽ nặng thêm, dễ dẫn đến tự tử. Các rối loạn ám ảnh khác dễ dẫn đến nghiện rượu và nghiện các thuốc an thần do tự điều trị... Cuối cùng, bệnh nhân có nguy cơ mất khả năng lao động và tình trạng này lại làm nặng thêm các diễn tiến trên.