Hà Nội

Hệ lụy khôn lường từ việc công chứng, chứng thực 'ẩu'

07-04-2022 12:21 | Pháp luật
google news

SKĐS - Đã có không ít vụ việc liên quan đến các sai phạm của công chứng viên, gây thiệt hại nghiêm trọng bị Cơ quan Công an điều tra, xử lý. Những vụ việc này khiến dư luận xã hội không khỏi lo ngại về hoạt động công chứng, chứng thực hiện nay.

Những vụ công chứng viên làm liều

Mới đây, Sở Tư pháp TP Hà Nội đã có Kết luận số 637/KL-STP giải quyết tố cáo của người dân đối với công chứng viên Nguyễn Văn Thu thuộc Văn phòng Công chứng Nguyễn Thu (địa chỉ tại phường Giảng Võ, quận Ba Đình, TP Hà Nội) trong việc chứng nhận Hợp đồng ủy quyền số công chứng 1261/2020/HĐUQ.

Sai phạm trong hoạt động công chứng góp phần tạo điều kiện để hoàn thành hợp đồng, giao dịch vi phạm pháp luật.

Sai phạm trong hoạt động công chứng góp phần tạo điều kiện để hoàn thành hợp đồng, giao dịch vi phạm pháp luật.

Kết luận khẳng định, mặc dù trường hợp hồ sơ yêu cầu công chứng này không đầy đủ, không phù hợp với quy định của pháp luật, nhưng công chứng viên Nguyễn Văn Thu đã cố tình làm trái thủ tục, nguyên tắc hành nghề công chứng, nghĩa vụ của công chứng viên theo quy định của Luật Công chứng.

Do vậy, việc công chứng Hợp đồng ủy quyền số 1261/2020/HĐUQ là không hợp pháp, không xác thực, vi phạm pháp luật, góp phần tạo điều kiện để hoàn thành hợp đồng, giao dịch vi phạm pháp luật.

Tại phần giải trình, công chứng viên Nguyễn Văn Thu thừa nhận, thời điểm công chứng, bên ủy quyền chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không có quyết định giao đất của cơ quan có thẩm quyền. Việc thực hiện công chứng khi hồ sơ không có giấy tờ để xác định bên ủy quyền là chủ sở hữu hợp pháp quyền sử dụng đất là chưa đảm bảo quy định của pháp luật.

Trước những sai phạm trên, Sở Tư pháp TP Hà Nội đề nghị Công an TP Hà Nội chỉ đạo điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định.

Trước đó, Công an tỉnh Quảng Nam cũng đã quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Bùi Văn Ẩn (67 tuổi, công chứng viên, trú tại phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) để điều tra hành vi "Thiếu trách nhiệm trong công việc gây hậu quả nghiêm trọng".

Cơ quan công an thi hành lệnh khởi tố, bắt tạm giam đối với công chứng viên Bùi Văn Ẩn.

Cơ quan công an thi hành lệnh khởi tố, bắt tạm giam đối với công chứng viên Bùi Văn Ẩn.

Theo Cơ quan Công an, bị can Bùi Văn Ẩn liên quan đến vụ án làm giả sổ đỏ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Phan Đình Tín (33 tuổi, trú tại thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) - Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn vận tải Tín Rin và Công ty TNHH MTV Du lịch Ding Dong - cầm đầu.

Cụ thể, bị can Ẩn với vai trò là công chứng viên đã không yêu cầu bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng; người ủy quyền và người được ủy quyền có mặt tại phòng công chứng để chứng kiến việc ký kết hợp đồng. Trong khi ấy, hợp đồng ủy quyền và hợp đồng chuyển nhượng tài sản đã bị Phan Đình Tín giả chữ ký của các chủ đất.

Chữ ký công chứng của bị can Ẩn là yếu tố để một số bị hại tin tưởng đủ thủ tục pháp lý nên đã đưa tiền cho Phan Đình Tín. Hành vi thiếu trách nhiệm của Bùi Văn Ẩn trong quá trình thực hiện quy trình công chứng đã tạo điều kiện cho Tín chiếm đoạt tài sản với số tiền 13,7 tỉ đồng.

Văn phòng công chứng phải bồi thường nếu gây thiệt hại

Theo luật sư Nguyễn Tiến Thủy – Văn phòng luật sư Việt Lý (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, công chứng là loại hình dịch vụ công được Nhà nước ủy nhiệm cho các tổ chức hành nghề công chứng; có ý nghĩa rất lớn trong giao dịch dân sự và đời sống xã hội.

Thực tế cho thấy, khi thực hiện giao dịch hoặc thực hiện thủ tục hành chính trong trường bắt buộc phải công chứng, chứng thực, hầu hết người dân đều tin tưởng chữ ký của công chứng viên cùng dấu đỏ của phòng công chứng là chuẩn mực.

Người dân tin tưởng gần như tuyệt đối vào các hợp đồng, giao dịch đã được công chứng. Tuy nhiên, đã có không ít người dân bị thiệt hại nặng nề về tài sản và nhiều hệ lụy khác khi thực hiện giao dịch với công chứng trái luật.

Mọi vi phạm trong hoạt động công chứng, chứng thực đều phải bị xem xét, xử lý. Cao nhất là xử lý hình sự nếu sai phạm của công chứng viên gây nguy hiểm đối với xã hội.

Trường hợp công chứng viên biết rõ người tham gia giao dịch sử dụng tài liệu giả, chữ ký giả, người giả hoặc dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác thông qua giao dịch này mà vẫn công chứng và cùng chung ý chí, mục đích chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị xem xét, xử lý với vai trò đồng phạm.

Trường hợp hành vi của công chứng viên độc lập mà gây thiệt hại cho người tham gia giao dịch và gây nguy hiểm đối với xã hội thì sẽ bị xem xét, xử lý với những tội danh tương được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 38 - Luật Công chứng 2014: Tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi mà công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng.

Liên quan đến hậu quả pháp lý của những văn bản, hợp đồng, giao dịch vi phạm pháp luật về công chứng, về nguyên tắc mọi giao dịch này đều vô hiệu. Cụ thể, tất cả những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng, giao dịch ấy đều có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu.

Cùng đó, cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động công chứng, chứng thực cũng có thể đề nghị Tòa án giải quyết khi phát hiện ra những giao dịch, hợp đồng được công chứng trái pháp luật.


H.P
Ý kiến của bạn