Hệ lụy khôn lường từ làm đẹp cho mắt

27-11-2020 09:15 | Thẩm mỹ
google news

SKĐS - Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn vì vậy việc làm đẹp cho mắt là nhu cầu tất yếu. Phẫu thuật cắt mí mắt được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên mắt cũng là bộ phận cực kỳ nhạy cảm, mọi phẫu thuật ở vùng mắt đòi hỏi phải thật tinh vi để tránh hậu quả đáng tiếc.

Một trong những kiểu phẫu thuật thẩm mỹ được ưa chuộng nhất ở nước ta hiện nay chính là cắt mí mắt. Cắt mí chính là giải pháp "cứu cánh" cho những cô nàng không thích đôi mắt 1 mí trời cho, hay chẳng may bị sụp mi. Bình thường mi mắt trên có 2 mí, là do sự kết dính của cơ nâng mi với da mi mắt. Người châu Á chúng ta do gene, nên nhiều người không có sự kết dính đó và do vậy mắt chỉ có 1 mí. Tuy nhiên không chỉ người có mắt 1 mí hay bị sụp mi mới đi cắt mí, mà nhiều người, mắt 2 mí cũng cắt mí để mi mắt to hơn, mắt tròn hơn. Phẫu thuật mí mắt cũng có nhiều kiểu.

Cắt mí mắt là thủ thuật tạo mí đôi, các bác sĩ sẽ đo và vẽ viền mi mắt rồi dùng dao, kéo rạch theo đường viền vừa vẽ. Tiếp theo, bác sĩ cắt bỏ một phần mô ở mi mắt, rồi tạo sự liên kết bằng cách khâu cân cơ nâng mi với da. Cách cắt mi này tuy đau đớn nhưng sẽ mang lại hiệu quả lâu dài, phần sẹo sẽ bị che khuất bởi nếp gấp mí. Tuy nhiên, nó còn phải tùy thuộc vào tay nghề của bác sĩ, nếu phẫu thuật thành công, mắt bạn sẽ có 2 mí đều, tự nhiên, còn nếu sơ sảy một chút, nguy cơ trợn mí, mí lệch xảy ra là rất lớn.

Phẫu thuật cắt mí mắt cũng dễ để lại biến chứng.

Phẫu thuật cắt mí mắt cũng dễ để lại biến chứng.

Bấm mí là thủ thuật đơn giản hơn, các bác sĩ sẽ gây tê, sau đó vẽ lằn mi mắt. Tiếp đó, bác sĩ sẽ lựa chọn hoặc rạch một đường rất nhỏ trên da mi mắt rồi luồn chỉ vào, khâu liên tục tạo thành 2 mí mắt, hoặc đưa chỉ vào bên trong mi mắt và khâu rời. Cách này vì không cắt mô, lọc da nên không gây nhiều thương tổn tới mắt, không để lại sẹo rõ. Tuy nhiên, mi mắt tạo bởi phương pháp này không tồn tại được lâu. Nếp lằn có thể biến mất sau 2 - 3 năm. Nhưng có một điều lưu ý nữa, đó là cho dù ca phẫu thuật có thành công thì rất có thể sau khi cắt mí, con ngươi của bạn vẫn sẽ bị "trừng" chứ không thể tự nhiên như lúc đầu.

Phẫu thuật thẩm mỹ cắt mí mắt hay tạo mắt 2 mí không mấy phức tạp, nhưng không vì thế mà chủ quan. Điều quan trọng nhất trong phẫu thuật thẩm mỹ cắt mí mắt cũng như bất cứ ca phẫu thuật thẩm mỹ thuộc bộ phận nào là đòi hỏi tay nghề của bác sĩ có chuyên môn sâu, được thực hiện tại những cơ sở, bệnh viện có uy tín hàng đầu. Nếu không, việc gặp phải những biến chứng là điều bạn sẽ không lường trước được. Trên thực tế tất cả các ca cắt mí đều có nguy cơ rủi ro, gây nguy hiểm, điều này ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ và sức khỏe của người làm. Cắt mí gây nguy hiểm ở một số trường hợp như: Dị ứng thuốc tê khi cắt mí. Mắt bị nhiễm trùng sau khi phẫu thuật cắt mí. Sau cắt mí mắt không nhắm được, mắt bị sụp mí nặng…

Ở phương diện y khoa, phẫu thuật thẩm mỹ mí mắt là một thủ thuật nhằm thay đổi cấu trúc, chức năng và tính thẩm mỹ của mắt thông qua việc loại bỏ các tổ chức da, mỡ, cơ dư thừa ở mi trên, mi dưới hay thủ thuật tạo nếp mí. Tuy nhiên, phẫu thuật cắt mí lại tiềm tàng nhiều hiểm họa hơn cả. Vùng mi mắt tập trung nhiều mạch máu, dây thần kinh quan trọng, cũng như việc con ngươi mắt ở ngay bên trong, tất cả đòi hỏi bác sĩ phải thật chính xác khi thao tác, nếu không bệnh nhân sẽ phải chịu nhiều biến chứng khủng khiếp. Đó có thể là những biến chứng sớm như: sưng bầm quanh mắt do chảy máu nơi mổ, mi mắt 2 bên xếp không đều, chảy nước mắt nhiều do phẫu thuật đã làm xáo trộn bộ máy bài tiết, sụp mi mắt trên...

Ngoài ra, những hậu quả khác như: bị sẹo do cơ địa dữ, bờ mi mắt bị lật ngược ra ngoài, không nhắm được mắt do cắt da quá nhiều, phù nề mắt kéo dài... đều có thể xảy ra và hậu quả là mắt bạn sẽ bị sưng phồng, phù nề, nó tạo nên di chứng vĩnh viễn với đôi mắt cứng và bị trợn, không tự nhiên, tệ nhất nó có thể ảnh hưởng rất lớn tới thị giác. Nguy hiểm nhất vẫn là tụ máu sau nhãn cầu, gây chèn ép dây thần kinh thị giác hay do cơ chế phản xạ gây co thắt động mạch trung tâm mắt có thể sẽ gây mù mắt vĩnh viễn. Vậy nên, trước khi quyết định phẫu thuật cắt mí mắt, bạn hãy suy nghĩ thật kỹ.


BS. Phương Huyền
Ý kiến của bạn