Thuốc dùng để chữa bệnh và người ta chỉ sử dụng thuốc khi mắc một bệnh nào đó. Tuy nhiên, nếu bạn sử dụng phải thuốc giả hoặc thuốc kém chất lượng, thì việc điều trị bệnh không mang lại hiệu quả và còn để lại những hậu quả khôn lường.
Tình hình kiểm soát thuốc giả trên thế giới và Việt Nam
Với sự phát triển của mạng lưới buôn bán thuốc trên mạng internet giữa các quốc gia, các cơ sở sản xuất nguyên liệu, hóa chất không được kiểm soát, số lượng thuốc giả ngày càng tăng lên không chỉ ở một số nước đang phát triển ở châu Á mà còn ở các nước công nghiệp phát triển. Buôn bán, sử dụng thuốc giả đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng. Để bảo vệ sức khỏe người dân và cộng đồng, nhiều quốc gia đã thông qua luật pháp nghiêm ngặt hơn. Mặc dù có rất nhiều cố gắng của các cơ quan tại nhiều nước cũng như các tổ chức quốc tế nhằm ngăn chặn nạn thuốc giả, nhưng một vài quốc gia chưa thực sự hành động. Tại các quốc gia này chính phủ và cơ quan quản lý vẫn xem nhẹ việc làm giả thuốc và coi việc đó như làm giả quần áo, đồng hồ, trang sức dù thuốc giả tác động trực tíếp đến sức khỏe và tính mạng người dân.
Theo PGS.TS. Lê Văn Truyền nguyên Thứ trưởng bộ Y tế, cố vấn của WHO cho biết: “Thuốc giả và thuốc kém chất lượng về cơ bản đã được kiểm soát. Những năm đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước, tỷ lệ thuốc giả và thuốc kém chất lượng khoảng 8-9% (do không kiểm soát được nguồn nhập qua quà biếu gia đình, xách tay...). Giữa thập kỷ 90 tỷ lệ này tương đương với các nước trong khu vực theo báo cáo kết quả điều tra độc lập của WHO tiến hành tại Việt Nam năm 1995. Kết quả này ngày càng được cải thiện trong những năm gần đây. Năm 2010, đã đưa được tỷ lệ thuốc kém chất lượng xuống dưới 3% và khống chế tỷ lệ thuốc giả dưới 0,1% là những chỉ tiêu ấn tượng so với các nước Đông Dương và khối ASEAN. Có được các kết quả đáng mừng nói trên là nhờ chủ trương của Bộ Y tế tăng cường hệ thống Viện và các Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, tăng cường và nâng cao năng lực cán bộ, nâng cao trình độ khoa học - công nghệ của hệ thống kiểm nghiệm thuốc…”.
Các chiêu trò làm thuốc kém chất lượng, thuốc giả
Một số thuốc kém chất lượng là các sản phẩm thuốc thật đã hết hoặc gần hết hạn dùng có nguồn gốc từ các nhà sản xuất, nhà thuốc, công ty phân phối. Các sản phẩm thuốc không còn hạn sử dụng được xóa bỏ hạn cũ và đóng bao bì với hạn dùng mới. Cách thức này khiến người bệnh không nghi ngờ về sản phẩm. Tuy nhiên, độ ổn định và nồng độ hoạt chất giảm đáng kể theo thời gian. Hơn nữa, các sản phẩm tạo ra khi thuốc bị phân hủy rất dễ gây phản ứng có hại cho người bệnh.
Nguồn thuốc giả có thể chứa đúng thành phần hoạt chất nhưng sản xuất trái phép tại một số cơ sở sản xuất nước ngoài. Ở các quốc gia này luật bản quyền rất khó áp dụng. Bởi vì các cơ sở sản xuất thuốc giả không đầu tư chi phí vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và có nguồn nguyên liệu, nhân công rẻ, thuốc được bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với thuốc thật.
Một nguồn lớn thuốc giả không chứa hoạt chất mà chỉ chứa tinh bột hay các thành phần thảo dược hoặc các chất hóa học có thể gây độc cho cơ thể. Thuốc chứa hoạt chất ở nồng độ biến đổi, nếu nồng độ thuốc quá cao có thể gây phản ứng bất lợi nghiêm trọng.
Những loại thuốc hay bị làm giả
Với công nghệ tinh vi như hiện nay, hầu hết các thuốc đều có nguy cơ bị làm giả với hình dạng, bao bì, nhãn mác giống như thuốc thật. Rất nhiều loại thuốc chữa bệnh mạn tính hay bị làm giả như thuốc chữa bệnh tăng huyết áp, bệnh đái tháo đường, thuốc kháng sinh, corticoid, thuốc ung thư, thuốc ức chế virut.
Một lượng lớn thuốc giả được phát hiện trên thị trường.
Cách đây không lâu, ở một số nước châu Phi đã xảy ra tình trạng thuốc dành cho trẻ chứa propylen glycol độc hại (trộn vào glycerin giả mạo tá dược này) làm nhiều trẻ bị tử vong tại một số quốc gia.
Heparin là một loại thuốc chống đông máu dùng trong phẫu thuật tim, truyền máu, mổ tĩnh mạch cho đến chạy thận nhân tạo. Các nhà sản xuất thuốc không có lương tâm đã thêm một chất tương tự heparin nhưng rẻ tiền và có thể gây chết người là chondritin sulfat có hàm lượng sulfat vượt mức. Chất độc này có thể gây ra những phản ứng nghiêm trọng, đôi khi gây chết người, hạ huyết áp và thở gấp hoặc nôn mửa và tiêu chảy. Heparin giả có cấu trúc hóa học rất gần với heparin thật nên rất khó bị phát hiện. Giá của heparin giả rẻ hơn heparin thật 100 lần. Heparin kém chất lượng đã xuất hiện ở 11 nước khác nhau và vẫn có mặt ở các phòng mổ và trung tâm phẫu thuật.
Tác hại của thuốc giả - thuốc kém chất lượng
Kể cả thuốc sản xuất chính hãng vẫn có các tác dụng phụ, tuy nhiên nếu bác sĩ, dược sĩ nhận thức đầy đủ về tiền sử bệnh và tình trạng sức khỏe hiện tại của bệnh nhân, tỷ lệ xảy ra tác dụng phụ giảm xuống. Với thuốc giả, những tác dụng phụ có khả năng xảy ra thường xuyên do không biết chính xác thành phần hoạt chất trong thuốc giả.
Thuốc giả có nhiều dạng khác nhau, nhưng kết quả cuối cùng là khi sử dụng cả bác sĩ và người bệnh đều thất bại trong điều trị, tăng độc tính, tăng tình trạng kháng thuốc, thậm chí người bệnh tử vong. Nếu tác dụng phụ của thuốc thật nằm trong khoảng 1/100.000 đến 1/10.000 thì nguy cơ độc hại của thuốc giả lên tới 1/10. Trong đó nguy hiểm nhất là ngộ độc thuốc và dị ứng thuốc, đặc biệt nghiêm trọng là sốc phản vệ. Phản ứng dị ứng và biểu hiện rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn, tiêu chảy là các biểu hiện của tác dụng phụ phổ biến.
Thuốc giả có thể gây chết người: Thuốc không chứa thành phần hoạt chất hoặc chứa các chất hóa học khác không có hiệu lực điều trị bệnh mà còn làm bệnh nặng hơn. Ngoài ra sử dụng thuốc giả đẩy mạnh quá trình phát triển bệnh tật khi cả bác sĩ và người bệnh đều cho rằng đã sử dụng đúng loại thuốc. Một số thuốc sản xuất tại cơ sở không hợp vệ sinh chứa nhiều vi khuẩn và nấm mốc.
Đối với người bị tăng huyết áp, đái tháo đường hay những người mắc bệnh mạn tính nói chung gần như phải dùng thuốc suốt đời. Thế nhưng nếu người bệnh dùng phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng thì tính mạng bị đe dọa nghiêm trọng. Nguy hại hơn, hoạt chất, thậm chí tá dược chứa trong thuốc kém chất lượng, không tinh khiết và lẫn độc chất thì người dùng thuốc có thể tử vong.
Thuốc kháng sinh kém chất lượng, không đủ hàm lượng hoạt chất, khi dùng không tiêu diệt được vi khuẩn gây bệnh, vi khuẩn trở thành chủng đề kháng mà kháng sinh đã sử dụng trước đó không còn tác dụng. Điều này dẫn đến tình trạng tỷ lệ vi khuẩn kháng kháng sinh ngày càng cao.
Đánh giá về mức độ gây hại của thuốc giả, thứ nhất thuốc giả gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh, thứ hai thuốc giả ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của nhà sản xuất, của các hãng dược phẩm chân chính.
Làm sao để chống thuốc giả, thuốc kém chất lượng?
Hầu hết các sản phẩm của hãng có uy tín, có thương hiệu, được nhiều bác sĩ, dược sĩ biết đến đều có nguy cơ bị làm giả do thuốc giả đem lại lợi nhuận khổng lồ.
Để chống nạn hàng giả các ngành công nghiệp dược phẩm, thực phẩm và hàng tiêu dùng sử dụng bao bì chống giả mạo (đóng gói ba lớp niêm phong: Miệng lọ, nắp bảo hiểm, màng có in chữ bao lấy cổ lọ), tem chống hàng giả, mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên điện thoại thông minh hoặc tin nhắn điện thoại.
Đối với người tiêu dùng, có thể tránh việc dùng thuốc giả bằng cách:
Nên mua thuốc tại địa chỉ tin cậy, tuyệt đối không mua thuốc xách tay, các thuốc được bán trên mạng internet tại các quốc gia chưa có luật pháp kiểm soát loại hình bán thuốc này.
Khi mua thuốc cần quan sát kỹ thuốc. Nếu là loại thuốc đã quen dùng, cần xem kỹ bao bì, dạng bào chế (dạng viên nén, viên nang…), mùi vị thuốc khi uống. Nếu có sự nghi ngờ nên nhờ các dược sĩ, bác sĩ tư vấn.
Luôn luôn kiểm tra hạn sử dụng của thuốc để tránh dùng thuốc hết hạn, cảnh giác với những thuốc có giá thấp bất thường.
Tìm hiểu và sử dụng các công nghệ xác minh, tem chống hàng giả để tránh mua phải hàng giả, chủ động bảo vệ sức khỏe và tính mạng của bản thân và gia đình. Về phía cơ quan chức năng, viện kiểm nghiệm nên tăng cường lấy mẫu kiểm tra đánh giá chất lượng thuốc, phát hiện và thu hồi kịp thời thuốc kém chất lượng, đảm bảo quyền lợi chính đáng được sử dụng thuốc chất lượng để điều trị bệnh của người dân.
Theo Luật Dược sửa đổi năm 2016 định nghĩa thuốc giả, thuốc kém chất lượng như sau:
a) Không có dược chất.
b) Có dược chất không đúng với dược chất ghi trên nhãn hoặc theo tiêu chuẩn đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu.
c) Có dược chất, nhưng không đúng hàm lượng, nồng độ hoặc khối lượng đã đăng ký lưu hành, trừ thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định nhà sản xuất đã đăng ký với cơ quan quản lý xảy ra trong quá trình bảo quản, lưu thông phân phối.
d) Sản xuất, trình bày, dán nhãn nhằm mạo danh nhà sản xuất, nước sản xuất hoặc nước xuất xứ.