Hệ lụy khi nam giới tự ý bổ sung testosterone

02-12-2023 13:30 | Giới tính
google news

SKĐS - Một số nam giới khi bị giảm ham muốn đã vội nghĩ rằng mình bị suy giảm testosterone, nghe lời mách bảo hoặc tin theo quảng cáo trên mạng, tự ý mua thuốc bổ sung testosterone về dùng mà không lường trước được hậu quả nguy hiểm.

Testosterone là hormone sinh dục nam quan trọng trong cơ thể. Sau tuổi 30, nồng độ testosterone ở nam giới giảm khoảng 1% mỗi năm. Ở độ tuổi ngoài 50, khi mức testosterone giảm xuống, nam giới có thể bị giảm ham muốn tình dục, giảm năng lượng, khối lượng cơ bắp và sức mạnh thể chất. Họ cũng có thể bị tăng cân và rối loạn chức năng tình dục. Những triệu chứng này là sự tiến triển tự nhiên theo tuổi tác.

1. Tự ý bổ sung testosterone ảnh hưởng xấu tới sức khỏe

Tiến sĩ Raj Laungani, bác sĩ tiết niệu tại Chuyên gia Tiết niệu Piedmont (Hoa Kỳ) cho biết: Thiếu hụt testosterone dẫn đến nhiều hệ lụy không tốt cho sức khỏe. Việc bổ sung testosterone là liệu pháp để điều trị việc suy giảm làm thiếu hụt loại hormone này. Tuy nhiên, sử dụng thuốc bổ sung testosterone không qua kê đơn đặc biệt đáng báo động khi xét đến những nguy cơ sức khỏe của những loại thuốc này.

Tiến sĩ Raj Laungani nói: Thông thường, sẽ chỉ kê đơn những chất bổ sung này cho những người đàn ông trên 50 tuổi. Đối với nam giới trong độ tuổi sinh sản, những loại thuốc chứa hormone có thể làm thay đổi vĩnh viễn quá trình sản xuất nội tiết tố tự nhiên của họ khi cơ thể họ phụ thuộc vào những chất bổ sung này.

Tiến sĩ Raj Laungani cho biết các tác dụng phụ tiềm ẩn của việc bổ sung testosterone bao gồm:

  • Rụng tóc
  • Vú to ở nam giới
  • Mụn
  • Teo tinh hoàn
  • Phì đại tuyến tiền liệt
  • Suy giảm ham muốn tình dục
  • Gia tăng căng thẳng
Hệ lụy khi nam giới tự ý bổ sung testosterone- Ảnh 1.

Liệu pháp bổ sung testosterone chỉ thích hợp cho những người bị thiếu hụt do không sản xuất được testosterone.

Cũng theo chuyên gia Laungani, tự ý bổ sung testosterone quá liều hoặc trong thời gian dài dễ dẫn đến các dụng phụ nguy hiểm hơn, như:

Tăng huyết áp: Tăng huyết áp làm tăng áp lực cho tim. Từ đó dẫn đến bệnh tim, tăng huyết áp và bệnh động mạch vành, đồng thời là yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ, chứng phình động mạch và bệnh động mạch ngoại biên. Tăng huyết áp cũng có thể dẫn đến bệnh thận mạn tính.

Số lượng hồng cầu cao hơn: Testosterone có thể khiến cơ thể bạn tạo ra quá nhiều hồng cầu. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, dễ dẫn đến đau tim hoặc đột quỵ.

Phì đại tuyến tiền liệt: Tuyến tiền liệt có thể bị phì đại khi dùng những thuốc tăng cường hormone này. Căn bệnh này khiến việc đi tiểu trở nên khó khăn và đau đớn. Nếu bạn đã bị ung thư tuyến tiền liệt, hormone sẽ tăng tốc độ phát triển của nó. Đây là lý do tại sao việc kiểm tra tuyến tiền liệt là điều bắt buộc trước khi bạn bắt đầu dùng thuốc tăng cường testosterone.

Nồng độ PSA tăng cao: Xét nghiệm PSA là xét nghiệm máu dùng để đo một chất gọi là kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt trong máu. Nó được sử dụng như một công cụ sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt. Ở một người đàn ông khỏe mạnh, mức PSA phải dưới 4 nanogram/ml máu. Bất cứ khi nào PSA cao hơn 4 đều được coi là bất thường và có thể là dấu hiệu chỉ điểm ung thư tuyến tiền liệt.

Tổn thương gan: Các sản phẩm testosterone, đặc biệt là những sản phẩm dùng qua đường uống làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề nghiêm trọng về gan.

2. Việc dùng testosterone cần có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ

Theo Tiến sĩ Laungani, bất kỳ nam giới nào sử dụng các chất bổ sung testosterone đều cần biết những rủi ro liên quan. Để tăng sản xuất testosterone trong cơ thể, có nhiều lựa chọn thay thế khác có hiệu quả, như tăng cường tập thể dục, thay đổi chế độ ăn uống và kiểm soát căng thẳng. Thuốc bổ sung testosterone phải là biện pháp cuối cùng và chỉ được thực hiện dưới sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa.

Hệ lụy khi nam giới tự ý bổ sung testosterone- Ảnh 2.

Chỉ sử dụng chất bổ sung testosterone khi có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa.

Việc bổ sung testosterone chỉ thích hợp cho những người bị thiếu hụt testosterone, khi đã xuất hiện các triệu chứng do suy giảm nội tiết tố sinh dục (mệt mỏi, giảm ham muốn tình dục...). Ngoài ra, việc bổ sung hormone này khi cơ thể không thiếu có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Trong trường hợp đã được thăm khám cẩn thận và được kê đơn dùng thuốc, bác sĩ cũng cần theo dõi chặt chẽ liều dùng căn cứ vào tình trạng cụ thể của từng người bệnh. Trong quá trình điều trị cần có sự theo dõi sát sao về lâm sàng và làm các xét nghiệm cần thiết.

Tiến sĩ Laungani khuyến cáo:
Trong bất kỳ trường hợp nào, khi bổ sung testosterone, nam giới cũng cần nắm được những rủi ro liên quan. Đây nên được coi là biện pháp cuối cùng và phải được thực hiện dưới sự chăm sóc của bác sĩ.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp nam giới khi dùng đúng chỉ định vẫn gặp phải một số bất lợi như: rối loạn nước, điện giải (gây phù), rối loạn cương dương, thay đổi tính dục,... Ngoài ra, người dùng thường gặp các tác dụng không mong muốn như bị trứng cá, rậm lông, hói đầu, vú to ở nam giới... Khi xuất hiện các triệu chứng và dấu hiệu của tác dụng không mong muốn thì phải ngừng thuốc và tới gặp bác sĩ chuyên khoa ngay.

Nam giới nên làm gì khi bị thiếu testosterone?Nam giới nên làm gì khi bị thiếu testosterone?

SKĐS - Khi nam giới bị suy giảm testosterone sẽ làm chất lượng tình dục suy giảm, ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ, giảm lượng cơ, mật độ xương, sức mạnh và khối lượng cơ bắp nhưng lại tăng lượng mỡ trong cơ thể.

Xem thêm video đang được quan tâm:

3 loại hải sản đàn ông nên ăn để tăng cường sinh lực.


Thiên Châu
Ý kiến của bạn