Hà Nội

Hệ lụy khi dùng thuốc ức chế bơm proton kéo dài

16-09-2016 13:42 | Dược
google news

SKĐS - Thuốc ức chế bơm proton (PPI) bao gồm nhiều loại như omeprazol, lansoprasol, esomeprasol pantoprasol, rabeprazol...

Thuốc ức chế bơm proton (PPI) bao gồm nhiều loại như omeprazol, lansoprasol, esomeprasol pantoprasol, rabeprazol... được dùng trong hầu hết các bệnh liên quan đến tăng tiết acid dạ dày - tá tràng. Trước đây, thuốc được coi là ít tác dụng không mong muốn. Tuy nhiên, trong quá trình dùng, nhược điểm của thuốc đã dần bộc lộ, nhất là khi dùng liều cao, dài ngày...

Giảm hấp thu canxi và magie

- Giảm hấp thu canxi: PPI làm giảm môi trường acid nên muối canxi khó chuyển thành ion canxi (Ca 2 ) để cơ thể hấp thu. Nghiên cứu đa trung tâm về loãng xương Nga cho thấy, việc dùng PPI có liên quan đến giảm mật độ xương, đặc biệt là xương hông, cổ xương đùi, mặc dù sự giảm này không xảy ra đột ngột. Những nghiên cứu trước đó cũng cho thấy, người dùng PPI liều cao có nguy cơ gãy xương cao hơn người dùng liều thấp, dùng trên 1 năm có nguy cơ cao về gãy xương. Tháng 4/2013, cơ quan quản lý thuốc Canada yêu cầu người có nguy cơ loãng xương chỉ dùng PPI theo phác đồ ngắn ngày với liều thấp nhất có hiệu lực. FDA cũng có khuyến cáo tương tự và khuyên, nếu dùng PPI thì nên kết hợp dùng canxicitrat vì dạng canxi này có thể hấp thu trong môi trường acid yếu.

Cần thận trọng khi dùng các thuốc PPI dài ngày.

Cần thận trọng khi dùng các thuốc PPI dài ngày.

- Giảm hấp thu magie: Tháng 3/2011, FDA cảnh báo, dùng PPI dài ngày gây giảm magie-máu. Báo cáo về phản ứng không có lợi (AERS) thuộc FDA cho biết có 1% người dùng PPI dài ngày bị giảm magie-máu đến mức có triệu chứng lâm sàng như co giật, rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp, co cơ kiểu tetany, có thể dẫn đến tử vong. Việc dùng PPI đồng thời với thuốc lợi tiểu làm tăng 55% sự giảm magie-máu so với người chỉ dùng PPI. Vì vậy, cần kiểm tra magie-máu trước và định kỳ khi dùng PPI. Nếu giảm magie-máu có triệu chứng lâm sàng rõ, phải bù magie bằng cách tiêm hay uống, phải ngừng dùng PPI thay bằng nhóm thuốc khác.

Tăng nguy cơ nhiễm khuẩn

- Tăng nguy cơ tiêu chảy do Clostridium difficile: PPI làm giảm tiết dịch vị, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập, phát triển. Một nghiên cứu hồi cứu (2005) nhận thấy, người dùng PPI tăng nguy cơ nhiễm C.difficile lên 2,9 lần so với người không dùng. 75% số người này ở diện trên 65 tuổi. Người điều trị nhiễm C. difficile mà dùng PPI thì nguy cơ tái nhiễm tăng lên 42% so với người không dùng PPI.

Năm 2012, FDA đã ban hành một văn bản chi tiết về mối liên hệ gữa C.difficile gây tiêu chảy với việc dùng PPI, đưa ra cảnh báo, cần cảnh giác khi người dùng PPI bị tiêu chảy do C.difficile kéo dài. Hướng dẫn của Hội Tiêu hóa Mỹ (2013) cũng nêu rõ: Cần thận trọng dùng PPI cho người có nguy cơ nhiễm C.difficile.

- Tăng viêm phổi mắc phải cộng đồng: Các nghiên cứu (2012-2013) cho biết, người dùng PPI ngắn ngày làm tăng nguy cơ viêm phổi mắc phải cộng đồng lên 2,23 lần so với người không dùng, tuy nhiên, việc dùng dài ngày có làm tăng cao nguy cơ này không thì chưa thống nhất. Hội Tiêu hóa Mỹ cho rằng mỗi năm tại Mỹ, riêng omeprazol có 65,7 triệu đơn được kê, vì vậy, cần cảnh giác với việc PPI làm tăng nguy cơ viêm phổi mắc phải cộng đồng là cần thiết.

Gây tương tác thuốc

Tương tác với các kháng viêm không steroid: Các PPI làm giảm tiết acid đồng thời cũng làm giảm tạm thời chất bảo vệ dạ dày (gastrin). Các kháng viêm không steroid do ức chế cyclo-oxydase-1 nên làm giảm tiết các chất bảo vệ dạ dày. Không nên dùng kháng viêm không steroid khi dùng PPI. Khi cơ thể đã quen dùng PPI liều cao thì không giảm liều nhanh hay ngừng PPI đột ngột.

Tương tác với các thuốc chống tập kết tiểu cầu: Sau hội chứng mạch vành cấp, người bệnh được cho dùng kháng tập kết tiểu cầu (aspirin, clopidogrel), đồng thời cho dùng thêm PPI nhằm ngăn ngừa nguy cơ xuất huyết tiêu hóa do dùng kháng tập kết tiểu cầu. Tuy nhiên, người ta thấy ở những người dùng kháng tập kết tiểu cầu clopidogrel có dùng cùng kèm PPI có các bệnh tim mạch thứ cấp cao hơn có ý nghĩa thống kê so với người không dùng kèm PPI.

Nguyên nhân là do PPI trực tiếp làm giảm sự ức chế kết dính tiểu cầu hoặc cản trở tác dụng của clopidogrel tại gan thành các chất có hoạt tính ức chế tập kết tiểu cầu. Từ đó, khuyến cáo: Giữa PPI và kháng tập kết tiểu cầu thực sự có sự tương tác. Tương tác này tuy không dẫn đến tăng có ý nghĩa tử vong chung nhưng đều nguy hiểm. Trong khi đó, trong thực hành điều trị, việc dùng PPI dự phòng xuất huyết dạ dày quá rộng rãi (khoảng trên 50%). Khi dùng kháng tập kết tiểu cầu có thể dùng PPI nhưng chỉ lúc thật cần thiết (có nguy cơ xuất huyết tiêu hóa). Với một số người nên chống tiết acid bằng kháng thụ thể histamin H2 ( ranitidin, famotidin) sẽ an toàn hơn.

Tóm lại, PPI là một nhóm thuốc ức chế bơm proton tương đối hiệu quả và an toàn. Tuy nhiên, việc dùng những thuốc này dài ngày cũng có thể dẫn đến những hậu quả lâu dài như đã nói ở trên. Vì vậy, cần nắm vững những lợi ích và nguy cơ của thuốc để dùng thuốc được đúng đắn và an toàn.

DS. Hà Thủy Phước


Ý kiến của bạn