Hệ lụy do suy giãn tĩnh mạch

04-01-2021 08:52 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Bệnh suy giãn tĩnh mạch chủ yếu gặp ở người trên 30 tuổi, trong đó nữ giới chiếm tỷ lệ cao hơn nam giới và hay gặp nhất là suy giãn tĩnh mạch chân. Bệnh tuy lành tính nhưng sẽ có biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.

Khối máu đông dài 20cm làm tắc mạch chân cụ ông

Bắp chân phải đau nhiều, cụ ông 76 tuổi lấy tay bóp thật chặt để làm dịu. 10 ngày sau, ông nhập viện, động mạch chân bị tắc.

Theo lời kể của ông, cách đây 2 năm ông bị giãn tĩnh mạch chân phải, điều trị bằng thuốc và mang tất áp lực. Đầu tháng 12 vừa qua, ông đột ngột đau chân phải, không đi khám, cho rằng chỉ đau một lúc rồi hết. Song cơn đau tăng dần, đôi lúc không thể đi lại được, ông nhập viện ngày 7/12. Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị cho biết, ông bị tắc hoàn toàn động mạch đùi giữa và động mạch khoeo, cẳng chân. Kết luận, bệnh nhân tắc động mạch chi dưới do huyết khối (cục máu đông) bán cấp. Ban đầu, bệnh nhân được điều trị bảo tồn bằng thuốc chống đông và giảm đau. Tuy nhiên kết quả không khả quan, cục máu đông không suy chuyển. Sau đó các bác sĩ phẫu thuật lấy ra cục huyết khối dài tới hơn 20cm.

Hình ảnh suy giãn tĩnh mạch chi.

Hình ảnh suy giãn tĩnh mạch chi.

Vì sao bị suy giãn tĩnh mạch?

Trong suy giãn tĩnh mạch thì tĩnh mạch chân thường bị suy giãn nhiều hơn cả, bởi vì nó có những đặc thù riêng. Giãn tĩnh mạch chân do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên nhưng khi chức năng của thành mạch và các van của tĩnh mạch bị suy yếu đóng vai trò đáng kể, trong khi áp lực máu trong lòng tĩnh mạch lại tăng. Sự lặp lại càng nhiều lần và thời gian càng lâu thì tĩnh mạch sẽ bị giãn ra. Trong một số trường hợp, giãn tĩnh mạch có thể là do hiện tượng rò động mạch - tĩnh mạch làm áp lực tĩnh mạch tăng cao đột biến gây nên giãn tĩnh mạch (tỷ lệ gặp thấp). Giãn tĩnh mạch còn gặp ở người béo phì, ít vận động, ăn ít chất xơ, vitamin và lão hóa do tuổi tác.

Biểu hiện suy giãn tĩnh mạch

Bệnh suy giãn tĩnh mạch thường thấy những đám tĩnh mạch nổi lên ngoằn ngoèo, tạo thành từng búi nằm ngay sát dưới da chi dưới (khoeo chân, cẳng chân, bắp chân, cổ chân, có khi gặp cả vùng đùi). Màu da của vùng tĩnh mạch bị giãn thường có màu xanh. Giãn tĩnh mạch nặng hay nhẹ không liên quan nhiều đến kích thước cũng như số lượng tĩnh mạch bị giãn. Nếu ở chân thì biểu hiện hay gặp nhất là có cảm giác nặng chân, mỏi chân, đứng lên hoặc ngồi xuống rất khó khăn. Một số trường hợp người bệnh cảm thấy rát, đau âm ỉ ở vùng da có tĩnh mạch bị giãn. Một số người bị chuột rút về đêm nhưng không phải hễ chuột rút là bị suy giãn tĩnh mạch, bởi vì, chuột rút còn do nhiều nguyên nhân khác như cơ thể thiếu nước, thiếu chất điện giải (natri, magiê, canxi, kali...), hoặc do đái tháo đường,...

Phải làm gì?

Thống kê cho thấy giãn tĩnh mạch ảnh hưởng đến hơn 20% người trưởng thành. Trong giai đoạn đầu, có nhiều cách để giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và ngăn ngừa sự tiến triển của chứng giãn tĩnh mạch. Hầu hết các phương pháp này có thể được áp dụng tại nhà bằng các phương pháp như:

Nâng cao chân có thể làm giảm đáng kể các triệu chứng giãn tĩnh mạch và sưng phù chân nếu bạn bị ở giai đoạn đầu. Để điều trị nâng cao chân có hiệu quả, cần phải nâng cao chân trên mức tim. Cố gắng giữ chúng ở vị trí này trong ít nhất 20 phút từ 3 - 4 lần mỗi ngày.

Điều chỉnh chế độ ăn và kiểm soát cân nặng là một biện pháp hữu hiệu, tập thể dục thường xuyên, chế độ ăn uống là biện pháp giải quyết tốt nhất các vấn đề sức khỏe. Các loại thực phẩm chứa vitamin C và E là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa tuyệt vời. Vitamin C cần thiết cho việc sản xuất collagen và elastin để giữ cho tĩnh mạch khỏe hơn. Vitamin E có thể làm cho các tĩnh mạch ít bị giãn hơn.

Trong trường hợp giãn tĩnh mạch, đặc biệt là những người được chẩn đoán ở giai đoạn đầu, hoạt động thể chất là một biện pháp phòng ngừa tốt. Tuy nhiên, đừng chọn một bài tập gây quá nhiều áp lực cho đôi chân. Chạy bộ thường không được khuyến khích vì nó có thể làm nặng thêm tình trạng giãn tĩnh mạch. Bạn càng di chuyển, máu lưu thông càng nhanh. Các bài tập thể chất giúp tăng cường lưu thông máu và có hiệu quả để điều trị là đạp xe hàng ngày, yoga hoặc xoay cổ chân. Những thay đổi trong lối sống có thể làm giảm sự khó chịu mà chứng giãn tĩnh mạch thường gây ra. Tránh thời gian đứng hoặc ngồi lâu, massage giúp hỗ trợ lưu thông máu trong cơ thể, đặc biệt là ở chân (nơi xuất hiện hầu hết các tĩnh mạch giãn). Kỹ thuật chính để xoa bóp giãn tĩnh mạch là nhẹ nhàng, tránh áp lực lên các tĩnh mạch lớn, ép và vặn vẹo. Sử dụng áp lực toàn bàn tay nhẹ nhàng hoặc áp lực đầu ngón tay khi xoa bóp, di chuyển từ gót chân đến mắt cá chân. Nếu cảm thấy đau hoặc bất kỳ loại khó chịu nào, hãy ngừng massage và nâng cao chân hơn. Mặc dù massage nhẹ nhàng có thể không làm giảm hoàn toàn triệu chứng giãn tĩnh mạch, nhưng có thể thay đổi đáng kể khó chịu và cải thiện lưu lượng máu đến các chi.


BSCKII. Nguyễn Thị Hải
Ý kiến của bạn