Hệ lụy đau lòng!

11-01-2013 21:03 | Thời sự
google news

Những năm gần đây, số lượng trẻ em bị bỏ rơi được đưa vào các trung tâm nhân đạo tăng lên nhanh chóng, đặc biệt là tại các khu công nghiệp.

Những năm gần đây, số lượng trẻ em bị bỏ rơi được đưa vào các trung tâm nhân đạo tăng lên nhanh chóng, đặc biệt là tại các khu công nghiệp. Tại Bình Dương, hiện có đến 28 khu cụm công nghiệp đang hoạt động với hơn 800.000 công nhân lao động. Sống xa nhà, thiếu thốn tình cảm, ở trọ cùng nhau, không có thời gian tìm hiểu... nên một số công nhân tại các khu công nghiệp yêu đương khá dễ dãi. Những cuộc tình chóng vánh, sớm tàn cùng với hoàn cảnh khó khăn khiến cho họ phải bỏ rơi chính những đứa con do mình sinh ra. Việc công nhân dăm bữa nửa tháng lại dắt nhau đi “giải quyết hậu quả” là chuyện thường ngày ở các khu công nghiệp. Mầm sống bị bức tử từ khi còn trứng nước đã đáng bị lên án nhưng những đứa bé sau 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau vẫn bị mẹ chúng vứt bỏ một cách tàn nhẫn thì chẳng lời nào có thể diễn tả được. Trung tâm Nhân đạo Quê hương, trong 2 tháng 11 và 12/2012, đã tiếp nhận đến 5 trẻ chưa đầy 1 tháng tuổi bị mẹ vứt bỏ. Đa số các bé còn non yếu và bị các bệnh viêm phế quản, bệnh phổi, thậm chí nhiễm trùng máu. Anh Nguyễn Quốc Hiếu - Quản lý Trung tâm Nhân đạo Quê hương cho biết, nhìn những cảnh này rất đau lòng nên trung tâm phải cưu mang các cháu nhỏ. Do nằm giữa các cụm, khu công nghiệp nên Trung tâm Nhân đạo Quê hương (ngụ ở phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) đã trở thành địa chỉ xã hội tiếp nhận trẻ bỏ rơi. Chỉ riêng trong tổng số 170 trẻ sơ sinh từ 1 tháng tuổi đến 3 tuổi tại Trung tâm Nhân đạo Quê hương, có đến 80% là trẻ nhặt từ thùng rác, khu nhà vệ sinh, gốc cây... Nhiều em bị kiến bu, chuột gặm nát một phần cơ thể. Y sĩ Nguyễn Thị Bửu - Trung tâm Nhân đạo Quê hương tâm sự, chúng tôi mới lượm được một số em vừa mới đẻ, có em bị kiến cắn, có em bị chuột cắn… rất đau lòng!

Cuộc sống khó khăn, nếu lỡ sinh con vướng phải dị tật, nhiều người đã thẳng tay rũ bỏ cho nhẹ nợ. Bé Huỳnh Tiểu Hằng năm nay đã 2 tuổi, bị bại não là một trường hợp như thế. Thiếu vắng hơi ấm người thân, thiếu vắng sự chăm sóc của cha mẹ, rồi đây, số phận của những đứa trẻ này lớn lên sẽ như thế nào?

Còn tại huyện Long Hồ (Vĩnh Long) có Khu công nghiệp Hòa Phú thu hút hơn 30.000 công nhân. Đối diện khu công nghiệp này là Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Vĩnh Long, nơi nổi tiếng mỗi năm nhận hàng trăm trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Trung tâm hoạt động từ năm 1998, lúc đầu trẻ bị bỏ rơi rất ít, một năm chỉ có vài trẻ được đưa vào Trung tâm. Từ khi có Khu công nghiệp Hòa Phú, số trẻ bị bỏ rơi tăng lên gấp nhiều lần. Từ năm 2004 đến năm 2009, Trung tâm tiếp nhận 100 trẻ bị bỏ rơi. Mỗi năm trên dưới 20 trẻ bị bỏ rơi trước cổng Trung tâm.

Những năm gần đây, dường như người ta nghe nhiều hơn những câu chuyện về trẻ em bị bỏ rơi: vứt con ngoài bãi cỏ; cho con vào bọc đen rồi bỏ… thùng rác; đẻ con trong nhà vệ sinh công ty… Những câu chuyện tưởng như đã nghe thành quen trên các phương tiện thông tin đại chúng đã và đang là vấn đề nhức nhối và là hệ lụy đau lòng cho xã hội khi vấn đề đạo đức, tình người không còn giá trị.

Thanh Hùng


Ý kiến của bạn