Tìm hiểu và bày tỏ ý định muốn tự tử trên mạng xã hội
Gần đây đã xảy ra nhiều vụ tự tử của các bạn trẻ là học sinh, sinh viên khiến dư luận bàng hoàng, đau xót. Như vụ việc nam sinh Nguyễn Văn N (ở Bình Định) đến TP. HCM nhập học. Sau đó mất tích, tử vong và được kết luận do tự tử.
Sau đó ít ngày, một nữ sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4, TP. HCM) cũng đã tự tử bằng cách nhảy từ tầng 3 xuống đất.
Đáng lo ngại khi hiện nay không khó để tìm kiếm trên mạng xã hội về hội nhóm những người muốn tự tử. Tìm kiếm cho kết quả chỉ trong vài giây, các hội nhóm như "Hội những người muốn tự tử", "Những người muốn chết"… đã xuất hiện. Đáng chú ý những hội nhóm này có từ hàng trăm, hàng nghìn đến cả chục nghìn thành viên tham gia.
Trong các hội nhóm này, rất nhiều thành viên đã chia sẻ những câu chuyện áp lực trong cuộc sống của mình đồng thời không ngại ngần bày tỏ ý định muốn tự tử.
Trong hội nhóm có tên "Hội những người muốn tự tử" có tới hơn 15.000 thành viên đã có không ít thành viên đang tải bài viết tìm hiểu về cách tự tử. Tài khoản Trần N. đăng tải câu hỏi: "Có ai biết cách nào mà tự tử không đau không chứ em áp lực quá. Áp lực việc học. Áp lực gia đình. Áp lực bạn bè". Một tài khoản khác lại đăng tải: "Ai uống thuốc j để đi nhẹ nhàng k…thực sự rất cần. Nghiêm túc".
Một số thành viên khác thì lại chia sẻ những câu chuyện cá nhân, bày tỏ những suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống. Tài khoản D.N. chia sẻ: "Ban đêm lúc người khác đang ngủ ngon thì bán mạng kiếm tiền cho gia đình. Lúc bị tai nạn thì bị chửi là ăn hại. Hy sinh con đường đại học vì mẹ muốn dành hết tiền để đứa em sau này đi du học. Ý kiến thì bị chửi là thằng khốn nạn, ganh tị từng tí với em mình. Chẳng hiểu cuộc sống có ý nghĩa gì nữa".
Trong các hội nhóm, những thông tin chia sẻ đã nhận được khá nhiều bình luận của các thành viên. Bên cạnh những lời động viên, đồng cảm, có không ít ý kiến khá tiêu cực như "đừng hi vọng thay đổi phụ huynh, họ chỉ quan tâm sĩ diện của bản thân mình", "thích chết thì thiếu gì cách, sống mà như chết thì chết quách cho xong"…
Áp lực nào dẫn đến người trẻ muốn tự tử?
Dưới góc độ tâm lý, TS. Tâm lý Hoàng Cẩm Tú chia sẻ, nhiều người đặt ra câu hỏi phải chăng giới trẻ hiện này đang "thiếu sức đề kháng", ít có khả năng đương đầu với khó khăn do được nuông chiều, chưa được dạy dỗ đúng cách?
Nhận định trên chưa hẳn đúng bởi nhiều bạn trẻ không phải vô tư như người lớn nghĩ. Hàng ngày, họ phải đối mặt với những áp lực về học tập, thi cử, những bế tắc trong các mối quan hệ tình cảm, bạn bè…
Những vấn đề tưởng chừng như rất nhỏ nhưng nếu cứ chất chứa, không được giải tỏa. Cộng thêm việc không được trang bị đầy đủ kỹ năng để đối diện sẽ dần khiến các bạn trẻ rơi vào trạng thái mệt mỏi, căng thẳng, thậm chí tiến triển thành bệnh trầm cảm. Những cái kết đau thương của một số bạn trẻ muốn giải thoát chính mình có phần lớn nguyên nhân từ đây.
Để hạn chế những hậu quả đáng tiếc, khi gặp khó khăn, thay vì cố chịu đựng, các bạn trẻ hãy mạnh dạn chia sẻ, tâm sự với những người mà mình tin tưởng. Cùng đó, có thể đến các trung tâm tư vấn tâm lý uy tín nếu cảm thấy tinh thần, cảm xúc khó kiểm soát và ngày càng bất ổn. Tập cách suy nghĩ và xây dựng cảm xúc tích cực hằng ngày, học cách đối diện với khó khăn.
Về phía gia đình, các bậc cha mẹ cần quan tâm đến cảm xúc của con trẻ. Thường xuyên trò chuyện, lắng nghe, tôn trọng suy nghĩ của con trẻ. Đặc biệt, không nên đặt kỳ vọng quá lớn, vô tình sẽ trở thành áp lực đè nặng lên con trẻ.
Theo Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, hiện nay, việc thành lập các nhóm, hội trên mạng xã hội đang trở nên rất dễ dàng. Mặc dù pháp luật hiện hành không nghiêm cấm tổ chức, cá nhân thành lập các hội nhóm trên mạng xã hội. Tuy nhiên, những hội nhóm này phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật quy định.
Hoạt động của mạng xã hội đang được điều chỉnh bởi Luật Viễn thông; Luật Công nghệ thông tin; Luật An ninh mạng; Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và một số văn bản pháp lý liên quan.
Về quyền và nghĩa vụ của chủ sử dụng mạng xã hội, Điều 26, Khoản 4, Nghị định 72/2018 quy định: "Người dùng mạng xã hội chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội, phát tán thông tin qua đường liên kết trực tiếp do mình thiết lập". Như vậy, mỗi người sử dụng sẽ phải chịu trách nhiệm với phát ngôn, hành vi của mình trên mạng xã hội.
Mỗi cá nhân khi sử dụng mạng xã hội cần tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Kiên quyết phê phán, lên án, tẩy chay các thông tin độc hại, góp phần xây dựng và bảo đảm một môi trường mạng an toàn, lành mạnh, lan tỏa các giá trị tốt đẹp trong cộng đồng.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Dịch căng thẳng ở nhiều tỉnh thành, 3 triệu học sinh phải dừng đi học trực tiếp