Hà Nội

Hệ lụy bệnh tật từ biến đổi khí hậu

15-09-2019 09:24 | Y học 360
google news

SKĐS - Con người là “tiểu vũ trụ” do tự nhiên sinh ra và đương nhiên phụ thuộc chặt chẽ vào “đại vũ trụ” mà cụ thể là môi trường sống trên trái đất. Khí hậu nước ta có đặc điểm là mùa hè rất nóng nực với nhiệt độ ngoài trời có khi lên đến 55-60oC và cũng là mùa bão lũ nên gây nhiều hệ lụy đến sức khỏe mỗi người.

Nắng nóng và những hệ lụy tới sức khỏe

Cơ thể có thể chịu đựng được nhiệt độ cao từ 41,60C đến 420C từ 45 phút đến 8 giờ. Ở nhiệt độ 500C, gần như tất cả cấu trúc các tế bào (TB) đều bị phá hủy và quá trình hoại tử diễn ra trong vài phút. Ở nhiệt độ thấp hơn TB bị tổn thương do quá trình chết theo chương trình được khởi động. Cùng một điều kiện tiếp xúc với nắng nóng mà mức độ bị ảnh hưởng khác nhau từ nhẹ đến nặng ở mỗi người (có lẽ nó liên quan đến các gene quy định khả năng nhạy cảm của cơ thể đối với nắng nóng).

Bệnh cảnh do nắng nóng rất đa dạng, biểu hiện từ mức độ rất nhẹ có thể tự khỏi sau khi nghỉ ngơi đến mức độ nặng, nguy kịch có thể tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề về thần kinh (TK) cho dù được điều trị tích cực (đột quỵ do nắng nóng). Đột quỵ do nắng nóng (ĐQDNN) trên lâm sàng là một tình trạng thân nhiệt trung tâm cao trên 400C kèm theo da nóng, khô với các rối loạn về TK trung ương như run cơ, co giật và thậm chí hôn mê. ĐQDNN xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với môi trường nhiệt độ cao như ngoài trời nắng nóng hoặc trong ở gần các lò luyện kim. Đây được gọi là ĐQDNN cổ điển. Một nguyên nhân nữa là do vận động gắng sức liên tục kéo dài. Trường hợp này được gọi là ĐQDNN do vận động gắng sức. Dựa vào cơ chế sinh bệnh học, ĐQDNN được hiểu là một tình trạng tăng thân nhiệt gây đáp ứng viêm hệ thống dẫn tới tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể trong đó tổn thương TK là nổi bật. Ở nhóm BN ĐQDN không do vận động gắng sức thường có kiềm hô hấp còn ở nhóm do vận động gắng sức ngoài kiềm hô hấp còn kèm theo một tình trạng toan lactic. Hạ phốt pho và kali máu cũng thường gặp khi BN nhập viện. Hạ đường huyết hiếm khi gặp. Tăng canxi và protein máu phản ánh một tình trạng cô đặc máu. Ở BN ĐQDNN do gắng sức, tăng phốt phát, tăng kali, hạ canxi máu và tiêu cơ vân có thể xuất hiện sau liệu pháp hạ thân nhiệt. Biến chứng nặng nề nhất của ĐQDNN là hội chứng suy đa tạng với các tổn thương về TK, tiêu cơ vân, suy thận cấp, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, tổn thương cơ tim, tổn thương gan và tụy, thiếu máu hoặc nhồi máu mạc treo, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu.

Hệ lụy bệnh tật từ biến đổi khí hậuNhiều ca cấp cứu do sốc nhiệt, đột quỵ do nắng nóng.

Bên cạnh tổn thương trực tiếp của cơ thể do nắng nóng, khi nhiệt độ môi trường thay đổi đột ngột và tăng cao cũng là nguy cơ khởi phát của các loại bệnh lý mạn tính như cơn tăng huyết áp, đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), đột quỵ não, đột quỵ tim... hết sức nguy hiểm.

Và bệnh tật sau bão lũ mùa nắng nóng

Bão lũ là một trong những hiện tượng thời tiết bất thường luôn xảy ra hàng năm. Sau bão lũ, có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây phát sinh bệnh tật ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Đầu tiên phải kể đến là việc môi trường luôn bị ô nhiễm nặng nề sau bão lũ

. Sau mưa bão, lũ nhiều loại thực vật bị chết, bị rụng lá, các loại động vật nhỏ như giun, côn trùng, rắn, chuột... bị chết do ngâm lâu trong nước hoặc do thiếu thức ăn. Những “sản phẩm” này nhanh chóng bị thối rữa trong điều kiện nóng ẩm và mang mầm bệnh như vi khuẩn, virut “lang thang” khắp nơi theo nguồn nước. Hiện tượng úng ngập sau mưa bão mới thật kinh khủng bởi có lẽ không có một tác nhân nào gây ô nhiễm nguồn nước nhanh và rộng lớn như lũ lụt. Ở khu vực đô thị, úng ngập khiến nước tràn khắp nơi, đặc biệt là các hố ga, nhà vệ sinh công cộng, khu vực chứa nước thải sinh hoạt, hóa chất, dầu xăng, nước thải từ các khu công nghiệp và những dòng nước siêu bẩn này mang hàng tỷ tỷ mầm bệnh “trộn” vào các bể nước ăn, bể tắm, nhà cửa, khu vực công cộng... Ở khu vực nông thôn, tình hình ô nhiễm nguồn nước sau bão lũ còn có thêm đóng góp của thuốc trừ sâu diệt cỏ vừa mới được sử dụng từ những cánh đồng, trang trại; nước bẩn ngập lụt từ các khu chăn nuôi gia súc; từ các nghĩa địa có nhiều người chết mới được an táng (thường chỉ ở độ sâu trên dưới 1m). Các mầm bệnh này nhanh chóng nhân lên trong điều kiện dinh dưỡng tốt và thời tiết nóng ẩm của miền nhiệt đới và có thể lây lan trên diện rộng gây những trận dịch lớn. Sau bão lũ, nhiều loại động như chuột, mèo hoang, rắn rết... mất nơi cư trú nên tìm vào các khu vực người ở và mang theo vô số mầm bệnh nguy hiểm. Bên cạnh đó, thời tiết thay đổi đột ngột, điều kiện sinh hoạt bị đảo lộn, thiếu nước sạch để dùng trong sinh hoạt hàng ngày, thiếu thức ăn, thuốc men, ăn uống, đại tiểu tiện trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh, quần áo, giường chiếu không được khô ráo... cũng góp phần phát sinh.

Sau bão lũ, có 2 nhóm bệnh lớn thường bùng phát trong các khu vực dân cư. Thứ nhất là nhóm bệnh phát sinh trực tiếp từ các nguồn bệnh trong vũng bão lũ. Các bệnh này bao gồm một số bệnh da liễu như nấm kẽ chân, nấm móng; viêm kẽ ngón tay, ngón chân (dân gian gọi là “nước ăn chân”); mẩn ngứa; viêm da... với các biểu hiện như ngứa, sẩn, nổi mụn nước, loét (kẽ chân tay). Các bệnh ngoài da hầu như luôn có sau bão lũ và chiếm một tỷ lệ cao. Tiếp theo là các bệnh đường tiêu hóa hay gặp như tả, lỵ, thương hàn, nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn do các loại vi khuẩn khác (E.coli, Campylobacter...) hoặc amíp, giardia. Nhóm các bệnh này thường dễ gây dịch với các triệu chứng cơ bản như đau bụng, mót rặn, tiêu chảy cấp. Viêm gan virut A, E, một số các bệnh như đau mắt đỏ, viêm tai giữa nhiễm khuẩn... hoặc bệnh do vi khuẩn Leptospira cũng có thể xảy ra trong các khu vực bị ngập lụt mặc dù tần suất ít gặp hơn. Thứ hai là nhóm các bệnh phát sinh do các vector truyền bệnh phát sinh mạnh sau bão lũ. Đây là các bệnh rất dễ lây và bùng phát dịch trên diện rộng. Điển hình trong số này là bệnh sốt xuất huyết, sốt do virut thường và sốt rét. Nguồn nước tù đọng, thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện cho muỗi và virus sinh sôi nảy nở gây bệnh cho người.


PGS.TS.BS. Vũ Đức Định (Bệnh viện ĐKQT Vinmec)
Ý kiến của bạn