Hé lộ về 357 trang 'tâm thư' của doanh nghiệp gửi Chính phủ

26-09-2021 15:42 | Doanh nghiệp
google news

SKĐS - Trong 357 trang báo cáo kiến nghị cụ thể đến Chính phủ, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công nhấn mạnh sự khó khăn của các doanh nghiệp trước tác động của COVID-19.

Sáng 26/9, Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19 đã diễn ra.

Doanh nghiệp mong được tham gia các kế hoạch mở cửa, phục hồi kinh tế

Hé lộ về 357 trang "tâm thư" của doanh nghiệp gửi Chính phủ - Ảnh 1.

Nếu các tiêu chí, điều kiện phòng chống dịch rõ ràng, thống nhất, doanh nghiệp sẽ chủ động sản xuất an toàn

Tại Hội nghị, nhiều doanh nghiệp đề nghị được tham gia vào công tác xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh, phục hồi kinh tế.

"Cần xác định doanh nghiệp như một chủ thể chính, chứ không chỉ là đối tượng tuân thủ, bị quản lý như lâu nay. Vì doanh nghiệp cũng có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho doanh nghiệp, cho người lao động của mình', ông Phan Thông, Tổng thư ký Hiệp hội chủ hàng Việt Nam thẳng thắn.

Thậm chí, ông Thông và nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, đang có quá ít "nhân sự" kinh tế trong các ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và đây là nguyên nhân tư duy "zero COVID-19" vẫn chi phối khá nhiều các đề xuất.

Khi doanh nghiệp tham gia vào các kế hoạch phòng chống dịch bệnh, phục hồi kinh tế, theo ông Huỳnh Quang Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), doanh nghiệp sẽ cùng với chính quyền địa phương tính toán các phương án mở cửa hoạt động, nâng công suất, tăng lao động... để thực hiện một cách an toàn, thống nhất.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện tại, sự phối hợp này sẽ không để tái diễn tình trạng bị động trong hoạt động của doanh nghiệp do các quyết định giãn cách của địa phương không rõ tiêu chí, điều kiện.

Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp là việc thực thi.

Ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN đề xuất các tài liệu, điều kiện, tiêu chí thích ứng an toàn, linh hoạt với COVID-19 cần được xác định là có giá trị pháp lý cao nhất, áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Các địa phương chỉ tuyên truyền, tổ chức, giám sát thực hiện.

"Không nên để địa phương phê duyệt phương án của doanh nghiệp, mà chỉ giám sát, hỗ trợ và tư vấn doanh nghiệp thực hiện đúng quy định. Cần trao quyền chủ động cho doanh nghiệp", ông Thành đề xuất.

Các doanh nghiệp cũng nhắc lại yêu cầu mà Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra trong Nghị quyết 105/2021/NQ-CP và cho rằng cần tiếp tục được xác định rõ trong thời gian tới, đó là các địa phương không được ban hành thêm các "giấy phép con", không ban hành các quy định ảnh hưởng đến bài toán lưu thông chung, ảnh hưởng đến các địa phương khác...

Tăng tốc độ và hiệu quả thực thi Nghị quyết Nghị quyết 105/2021/NQ-CP cũng đang là điều mà doanh nghiệp chờ đợi.

Doanh nghiệp gửi 357 trang báo cáo kiến nghị cụ thể đến Chính phủ

Hé lộ về 357 trang "tâm thư" của doanh nghiệp gửi Chính phủ - Ảnh 2.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho biết, các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 là "vô cùng nhiều, vô cùng lớn". Tuy nhiên, tinh thần diễn đàn hôm nay là không phải để kêu khó, kêu khổ mà để bàn giải pháp, nên ông chỉ nêu ra một số ý chính về khó khăn, còn lại hướng đến các giải pháp.

Trước hội nghị, VCCI nhận được 357 trang báo cáo, kiến nghị đến từ 132 hiệp hội doanh nghiệp trong nước, hiệp hội nhà đầu tư nước ngoài, các liên minh hợp tác xã, doanh nghiệp. Bản báo cáo dày 52 trang đã được VCCI tổng hợp lại với phụ lục đến 192 kiến nghị cụ thể, gửi đến đại biểu dự hội nghị.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, giãn cách xã hội kéo dài, dẫn đến sản xuất, giao thương đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, lao động mất việc làm, chi phí sản xuất, kinh doanh tăng vọt.

Cụ thể, trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thủy sản, hiện nay tại các tỉnh thành phía Nam chỉ có khoảng 30% số doanh nghiệp còn hoạt động nhờ đảm bảo được điều kiện "3 tại chỗ", nhưng cũng vô cùng khó khăn vì chi phí tăng vọt và chỉ có thể huy động 30-50% số lao động, công suất giảm chỉ còn 40-50%.

Với các doanh nghiệp ngành Gỗ, tại khu vực Đông Nam Bộ đã có trên 50% số dừng sản xuất và đang đối diện nguy cơ phá sản. Trong khi đó, theo phản ánh từ các hiệp hội doanh nghiệp của các ngành hàng liên quan đến xuất khẩu và sử dụng nhiều lao động, chỉ có từ 15-20% các nhà máy sản xuất cầm chừng do theo được "3 tại chỗ", còn lại đến 80-85% số nhà máy phải ngừng sản xuất.

"Đợt bùng dịch thứ 4 tại Việt Nam diễn biến phức tạp, hiện đã ngấm sâu, lan rộng và không thể trở về trạng thái "zero COVID". Do đó nếu giãn cách xã hội mãi thì các doanh nghiệp sẽ sụp đổ", ông Công cảnh báo.

Gặp nhiều khó khăn, nhưng theo ông Phạm Tấn Công, cộng đồng doanh nghiệp thể hiện sự đồng tình, nhất trí cao với quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là "phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp". Quan điểm mới này dẫn đến cần thay đổi chiến lược ứng phó COVID-19, thay vì dồn toàn lực tập trung cho một mặt trận chính là phòng chống dịch bệnh, từ nay chúng ta cần tập trung cho cả mặt trận thứ hai là duy trì, phát triển kinh tế.

Trên quan điểm sống chung với dịch bệnh, Chủ tịch VCCI đề xuất 2 chủ trương mới.

Thứ nhất, theo ông Công cần nhìn nhận các doanh nghiệp là một chủ thể trong ứng phó COVID-19, từ đó tin tưởng giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho các doanh nghiệp.

"Trong cuộc chiến lâu dài chống COVID-19, chúng ta cần công nhận và cho doanh nghiệp chủ động tự xét nghiệm, tự điều trị các ca F0 nhẹ tuỳ theo khả năng, điều kiện của doanh nghiệp, Nhà nước chỉ cần hỗ trợ, hướng dẫn và ban hành các quy định, chính sách phù hợp", ông Công đề xuất.

Thứ hai, ông Công nhấn mạnh mặt trận kinh tế vững chắc là nền tảng cho chiến thắng trên mặt trận y tế, do vậy cần có chủ trương kiên quyết bảo vệ, hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn của doanh nghiệp trong điều kiện sống chung với dịch. Để làm được điều này cần có chủ trương, nhận thức và quyết tâm thống nhất trong toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Theo Chủ tịch VCCI, để triển khai công tác phòng chống dịch đi đôi với phục hồi, phát triển kinh tế trong điều kiện "bình thường mới", cộng đồng doanh nghiệp nhất trí cao với 6 nguyên tắc mà Thủ tướng đã nêu trong Kết luận cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 ngày 23/9/2021.

Đồng thời, ông Công nhấn mạnh nguyên tắc số 5 và 6, đó là thứ nhất, vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết.

"Nói ngắn gọn, vaccine là chìa khoá, việc mở cửa kinh tế phải đồng bộ với độ phủ về vaccine. Thứ hai, sản xuất phải an toàn. Kinh nghiệm thế giới cho thấy việc mở cửa lại nền kinh tế nếu không tuân thủ 2 nguyên tắc này, thì hậu quả là khó lường", Chủ tịch VCCI nhận định.

*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.


Anh Tuấn
Ý kiến của bạn