Phát hiện mới này không chỉ mở ra manh mối về tổ tiên đã tuyệt chủng từ hàng trăm triệu năm trước, mà còn có thể thay đổi cách chúng ta hiểu về sự tiến hóa của các loài động vật có vú nguyên thủy nhất còn tồn tại ngày nay.

Nghiên cứu mới củng cố giả thuyết rằng Kryoryctes là tổ tiên chung của cả thú mỏ vịt và thú lông nhím. (Nguồn: Peter Schouten)
Những sinh vật 'dị biệt' của thế giới động vật
Thú mỏ vịt và thú lông nhím là hai loài duy nhất còn sót lại trong nhóm động vật có vú đẻ trứng, gọi là động vật đơn huyệt (monotremes), hiện chỉ có ở Australia và New Guinea.
Thú mỏ vịt có ngoại hình như được ghép lại từ nhiều loài: mỏ và chân giống vịt, đuôi như hải ly, sống bán thủy sinh và săn mồi dưới nước. Trong khi đó, thú lông nhím, hay còn gọi là thú ăn kiến gai, sống hoàn toàn trên cạn, cơ thể phủ đầy lông nhọn, bàn chân sau quay ngược về sau để giúp nó đào đất tốt hơn.
Cả hai đều không có răng và không có núm vú. Thay vào đó, chúng tiết sữa qua da để nuôi con, những con non nhỏ xíu, gọi là puggle, sẽ liếm sữa từ lông mẹ.
Tiến sĩ Guillermo W. Rougier, chuyên gia về giải phẫu và tiến hóa động vật có vú tại Đại học Louisville (Mỹ), nhận xét: "Có vô vàn điều kỳ lạ về những sinh vật nhỏ bé này. Trên thực tế, chúng có thể đại diện cho hình mẫu ban đầu của động vật có vú thời tiền sử, thậm chí còn gần với tổ tiên chung của động vật có vú hơn cả ngựa, chó, mèo hay chính con người".
Bí mật ẩn giấu trong một mẫu xương cổ xưa
Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences đã soi sáng thêm phần nào bí ẩn này. Nhóm nghiên cứu, dẫn đầu bởi giáo sư danh dự Suzanne Hand tại Đại học New South Wales (Australia), đã phân tích cấu trúc bên trong của một hóa thạch xương cánh tay cổ đại, mẫu duy nhất được biết đến của Kryoryctes cadburyi, loài tổ tiên đơn huyệt từng sống cách đây hơn 100 triệu năm.

Xương cánh tay hóa thạch này được phát hiện vào năm 1993 tại Dinosaur Cove, Australia. (Nguồn: CNN)
Mẫu xương này được khai quật từ vùng Dinosaur Cove ở đông nam Australia từ năm 1993. Bên ngoài, nó trông giống xương của thú lông nhím, vốn sống trên cạn. Nhưng khi các nhà khoa học sử dụng kỹ thuật hình ảnh 3D hiện đại để khảo sát bên trong, họ phát hiện điều bất ngờ.
"Chúng tôi nhìn thấy những đặc điểm chưa từng được biết tới và chúng kể một câu chuyện hoàn toàn khác", Tiến sĩ Laura Wilson, đồng tác giả nghiên cứu, chia sẻ.
Bên trong, xương có cấu trúc dày, khoang giữa nhỏ, đặc trưng của loài sống bán thủy sinh như thú mỏ vịt. Cấu trúc này khiến xương nặng hơn, giúp động vật dễ chìm và lặn hơn trong nước để săn mồi. Trái lại, thú lông nhím trên cạn có xương nhẹ hơn để di chuyển linh hoạt và tốn ít năng lượng.
Tổ tiên chung của cả hai loài?
Phát hiện này củng cố giả thuyết lâu nay rằng Kryoryctes có thể là tổ tiên chung của cả thú mỏ vịt lẫn thú lông nhím. Điều này cũng đồng nghĩa: lối sống lưỡng cư của thú mỏ vịt ngày nay có thể đã xuất hiện từ thời khủng long, còn thú lông nhím chỉ chuyển hẳn lên cạn sau này.
"Phát hiện này cho thấy quá trình thích nghi từ dưới nước lên đất liền, điều rất hiếm trong lịch sử tiến hóa", giáo sư Hand cho biết. Bà cũng đưa ra giả thuyết rằng đôi chân sau quay ngược của thú lông nhím có thể là dấu vết còn sót lại từ tổ tiên từng bơi lội, dùng chân sau như bánh lái dưới nước.
Sự tiến hóa khác biệt giữa hai loài đơn huyệt này kể một câu chuyện sâu xa hơn, không chỉ về chính chúng, mà còn về sự ra đời của toàn bộ lớp động vật có vú. Những bước chuyển mình của chúng qua hàng triệu năm đã để lại dấu ấn sinh học rõ ràng.