Tờ Financial Times đã công bố một bức ảnh mà theo họ là bằng chứng rõ ràng chứng tỏ MH17 đã bị tên lửa đất đối không bắn hạ.
Bức ảnh họ công bố cho thấy một mảnh vỡ khoảng 1m vuông của máy bay Boeing 777, với một lỗ thủng tròn lớn ở giữa và các lỗ thủng nhỏ hơn xung quanh. Ngoài ra, trên mảnh vỡ còn có dấu vết bị cháy. Theo tờ báo tất cả những dấu hiệu này cho thấy nguyên nhân máy bay rơi nhiều khả năng là do bị tên lửa tấn công.
Mảnh vỡ được người dân ở Petropavlovka tìm thấy ở trong vườn nhà vào thứ năm tuần trước. Mảnh vỡ sau đó được di chuyển ra vệ đường, do họ tin rằng có thể đây là bằng chứng quan trọng.
Hai nhà phân tích quân sự ở London và một cựu phi công quân sự sau khi xem bức ảnh chụp mảnh vỡ đều cho rằng, mảnh vỡ có nhiều đặc điểm cho thấy MH17 đã bị tấn công bằng tên lửa.
Hồi cuối tuần qua, các cơ quan tình báo phương Tây cho rằng có nhiều bằng chứng khẳng định cho cáo buộc của Ukraine, rằng máy bay với 298 người trên khoang bị lực lượng nổi dậy ở miền đông Ukraine bắn hạ do nhầm lẫn. Loại tên lửa được sử dụng là SA-11, được phóng từ hệ thống Buk-M1 SAM.
Justin Bronk, nhà phân tích của Viện dịch vụ Hoàng gia London cho hay: “Kích thước của các lỗ đạn trùng hợp với dấu vết để lại của một vụ trúng tên lửa SA-11. Tuy nhiên, rất khó có thể đánh giá toàn bộ vụ nổ chỉ bằng một mảnh nhỏ của thân máy bay .”
Nhà phân tích Douglas Barrie, thuộc viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế, cũng có cùng quan điểm.
Tuy nhiên cả hai nhà phân tích đều cho rằng cần phải tìm hiểu thêm xem thực sự điều gì đã xảy ra với máy bay và cần phải tiến hành xét nghiệm hóa học đối với thuốc nổ dính trên thân máy bay.
Trong khi đó, một cựu phi công Không quân hoàng gia Anh cho rằng mảnh vỡ cho thấy có vẻ như máy bay đã trúng mảnh vỡ bắn ra từ một vụ tấn công tên lửa ở một căn cứ không quân.
Cả ba chuyên gia đều cho rằng lỗ thủng lớn ở giữa mảnh vỡ chắn chắn là do bị xuyên thủng, khi máy bay bị giảm áp suất đột ngột do trúng tên lửa ở độ cao 33.000 feet vào chiều ngày 17/7 vừa qua.
Tất cả đều khẳng định mảnh vỡ là ô cửa ở mạn sườn buồng lái của MH17. Cựu phi công Hoàng gia Anh nhận định dựa vào các bằng chứng được thấy, tên lửa có vẻ như đã phát nổ ở phía trước hoặc bên trái máy bay.
Tên lửa phòng không không được thiết kế bắn thẳng vào mục tiêu, nếu muốn phá hủy mục tiêu nhanh. Thay vào đó, chúng được thiết kế phát nổ trong vòng bán kính cách mục tiêu 20m, để gây ra một đám mây kim loại nóng đỏ, làm gia tăng khả năng gây hư hại cho mục tiêu.
Phi công Hoàng gia Anh cho biết trong một cuộc đánh chặn thì tên lửa SAM nổ phía trước mục tiêu.