Nhiều tháng qua, hàng trăm hộ dân ở hai tòa CT15 và CT16 Khu đô thị Hồng Hà Eco City còn gọi là Khu đô thị mới Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) tỏ ra rất bức xúc và hoang mang vì nguồn nước sinh hoạt bỗng có đầy cặn với giun, bọ gậy.
Theo các hộ dân, hiện tượng này bắt đầu từ tháng 8/2016. Nước sinh hoạt xả ra từ vòi bỗng chuyển màu đen xì vào sáng sớm. Ban ngày thì nước chuyển màu nâu vàng, nhiều cặn lợn cợn, đồng thời có lẫn cả giun và bọ gậy xuất hiện cùng lớp cặn lắng dưới đáy giống như thể nước tù đọng lâu ngày trong các chum vại.
Được biết, nguồn nước này do Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Hoàng Mai cung cấp, còn việc phân phối tới từng hộ gia đình thì do ban quản lý tòa nhà thực hiện. Đáng chú ý là dù có lắp máy lọc nước thì nước vẫn bẩn đến nỗi quả lọc chỉ chịu đựng được tối đa là 1 tuần cũng trở nên mất tác dụng. Chị Đ.T.M (nhà CT16) cho biết, gia đình đã phải lập tức lắp máy lọc, tuy nhiên chỉ trong vài ba ngày, quả lọc nước ở một số vị trí cũng biến thành màu đen. Rất nhiều lần vòi nước chảy ra thứ màu đen xì nhìn ghê người. Khi thì lại có màu ngả vàng đục và nhiều cặn. Đặc biệt là nước tắm không có máy lọc, đôi khi khiến người dân rợn người vì lẫn sâu bọ bám lên da.
Nước sinh hoạt có màu vàng và cặn bẩn khiến nhiều hộ dân rất lo lắng.
Dịch vụ lắp máy lọc, bình lọc nước cho các gia đình ở đây bỗng dưng phát đạt. Các thợ lắp máy làm luôn chân tay mà không hết việc. Họ cho biết phải thường xuyên đến từng hộ để thay quả lọc vì chỉ trong ít ngày đã mất tác dụng, đến nỗi những người lắp máy không dám đưa ra cam kết bảo hành ngắn hạn nữa bởi máy cũng quá tải. Giá cho mỗi quả lọc trung bình là 200.000 đồng và phải thay liên tục khiến nhiều gia đình vô cùng bức xúc, giá cho nước “sạch” đội lên trong khi tiền nước sinh hoạt vẫn phải thanh toán đều.
Theo phản ánh của các hộ dân, họ đã kiến nghị lên ban quản lý tòa nhà, tuy nhiên chỉ nhận được câu trả lời rằng chưa tìm ra nguyên nhân chính xác. “Họ đùn đẩy rằng có thể nước kết tủa do thời tiết, nhiệt độ hoặc phao xuống thấp, nước tự động được xả vào khuấy đục nước tầng thấp. Một số nhà đầu tiên dùng sẽ bị hiện tượng nước như trên”, anh B.T.Lưu (CT 15) cho biết.
Hiện nay, các máy lọc, bình lọc mà người dân tự trang bị chỉ đủ cung cấp nước ưu tiên cho nấu ăn, còn nước tắm, giặt… các gia đình phải tự hứng vào xô, chậu, bể… và chờ lắng đọng tự nhiên. Ban quản lý và các hộ gia đình đã tự mang mẫu nước đi kiểm tra, kết quả cho thấy độ ô nhiễm tạp chất hữu cơ cao gấp hơn 2 lần so với quy định của Bộ Y tế.
Thực trạng nước sinh hoạt nhiễm bẩn không chỉ diễn ra ở một khu vực cụ thể, nhiều bạn đọc ở các khu vực ven Thủ đô cũng phản ánh tình trạng tương tự đối với nguồn nước “sạch” mà họ buộc phải dùng sinh hoạt hàng ngày.
Bạn đọc N.X.Hải ở khu vực Mai Động phản ánh, từ tháng 12/2016 đến nay, nhiều hộ dân thường xuyên phải sử dụng nước cặn kết tủa và nước màu vàng. Xí nghiệp nước sạch khu vực có cho người xuống kiểm tra và xác nhận có hiện tượng đó nhưng đến nay cơ bản không còn nước màu vàng nhưng cặn vẫn xuất hiện.
Nhiều bạn đọc ở khu vực Lĩnh Nam, Yên Sở và Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì cũng phản ánh ở nơi họ sống, nước sinh hoạt tuy không đến nỗi đen ngòm nhưng cũng luôn vàng khè từ rất lâu nay, không khác mấy so với thực trạng chung cư tại Khu đô thị mới Tứ Hiệp nói trên, đồng thời còn lo lắng hơn khi biết rằng nguồn nước “sạch” khu vực này được khai thác ngay cạnh dòng sông Nhuệ bốc mùi hôi thối của sông Tô Lịch chảy vào.
Bên cạnh chất lượng nước thì số lượng nước ở nhiều khu vực mùa hè tới cũng đang trong tình trạng lo ngại. Ngày 17/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ đã đi kiểm tra việc thực hiện một số quy hoạch chuyên ngành trong quy hoạch tổng thể phát triển Thủ đô Hà Nội. Qua báo cáo của thành phố cho thấy, về cấp nước, hiện nay, tổng công suất các nhà máy nước, trạm cấp nước của Hà Nội đạt khoảng 1.050.000m3/ngày đêm, tỉ lệ bao phủ cấp nước khu vực đô thị đạt 96%.
Tổng hợp nhu cầu sử dụng nước của Thủ đô năm năm 2017 khoảng 1.350.000m3/ngày đêm, năm 2018 khoảng 1.450.000m3/ngày đêm. Như vậy, so với dự báo nhu cầu sử dụng nước của Hà Nội giai đoạn đến năm 2017-2018, lượng nước còn thiếu khoảng 300.000 - 350.000m3/ngày đêm, trong đó chưa tính đến các khu vực phát triển mở rộng mạng lưới cấp nước.
Với cách quản lý và thực tế như hiện nay, trước mắt, nhiều khu vực dân cư Hà Nội sẽ còn phải gánh chịu tình trạng thiếu nước và nước bẩn trong sinh hoạt, nhất là khi mùa nắng nóng sắp tới.